Vietinbank bị đòi tiền giữa tòa
Vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng đang được đưa ra xét xử, gây nhức nhối dư luận. Đối tượng bị thiệt hại không chỉ là các ngân hàng, tổ chức mà còn là những người dân. Tại phiên tòa, Huyền Như đã thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố. Nhiều nạn nhân của siêu lừa cũng được mời đến tòa với tư cách là nguyên đơn, bị hại.
Trong phần xét hỏi các nguyên đơn, bị hại, nhiều người không hề biết Huyền Như là ai, cũng không hề gửi tiền cho Huyền Như. Họ chỉ có hợp đồng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và chuyển tiền vào tài khoản do Vietinbank ủy thác.
|
Siêu lừa Huyền Như (áo hồng) tại tòa. |
Các nguyên đơn, bị hại cho rằng
Huyền Như lừa đảo tiền của Vietinbank chứ không phải tiền của họ. Chính vì vậy, Vietinbank phải là người trả tiền cho họ. Các nguyên đơn, bị hại đề nghị hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank và yêu cầu đơn vị này bồi thường cho những người bị hại.
Tại phiên tòa, Công ty chứng khoán Phương Đông (bị thiệt hại 380 tỷ đồng) cũng đề nghị xem xét việc Vietinbank phải trả tiền cho Phương Đông, chứ không phải là các bị cáo trong vụ án, bởi Phương Đông chỉ gửi tiền cho Vietinbank chứ không phải là gửi cho các bị cáo.
Công ty An Lộc, Phúc Vinh, Thịnh Phát cũng đòi Vietinbank trả cho họ mỗi đơn vị từ 170 - 788 tỷ đồng, kèm theo tiền lãi suất không kỳ hạn theo đúng tỷ lệ mà Vietinbank đã công bố.
Các công ty khác như: Công ty Hưng Yên, Công ty cổ phần Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Saigonbank Berjaya, Công ty Dầu khí Thái Bình Dương và 3 cá nhân khác cũng muốn chính Vietinbank phải chi trả tiền cho họ, chứ không phải là các bị cáo ngồi trước vành móng ngựa.
Tổng số tiền mà các doanh nghiệp, cá nhân yêu cầu Vietinbank bồi thường bằng tiền được công bố có thể lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước sự đòi nợ ráo riết này, Vietinbank lại kiên quyết phủ nhận mọi trách nhiệm. Trả lời báo giới, lãnh đạo cấp cao Vietinbank khẳng định tiền các cá nhân, doanh nghiệp đưa cho Huyền Như không vào hệ thống của ngân hàng. Theo vị này, đây là việc lừa đảo của cá nhân Huyền Như. "Tiền thực tế chưa vào đến ngân hàng đã rẽ sang chỗ khác. Khi khám nhà riêng Huyền Như thấy những con dấu, hợp đồng, chứng từ giả nhưng trên hệ thống sổ sách của Vietinbank không hề có", ông này giải thích.
Trách nhiệm của Vietinbank đến đâu?
Trao đổi với Kiến Thức về trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án này, PGS.TS luật Phùng Trung Tập (giảng viên Đại học Luật Hà Nội) cho biế, để giải đáp câu hỏi đặt ra, cần xác định theo các căn cứ:
Hành vi của Huyền Như là hoàn toàn độc lập, không thực hiện theo một mệnh lệnh hay một sự chỉ đạo nào. Hơn nữa, hành vi của Huyền Như cũng hoàn toàn độc lập, mà không đang trong thời điểm thực hiện nhiệm vụ của Vietinbank giao cho. Huyền Như đã lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM để huy động tiền của nhiều ngân hàng, nhiều công ty và cá nhân nhằm chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng, cũng là hành vi hoàn toàn độc lập của bị cáo.
Vì vậy, Huyền Như phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về hành vi lừa đảo của mình. Theo đó, Huyền Như phải trả lại toàn bộ khoản tiền cho các chủ thể mà Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt. VietinBank không có trách nhiệm hoàn trả thay cho Huyền Như trong trường hợp này, vì không có một bằng chứng pháp lý nào thể hiện vai trò của Vietinbank trong việc Huyền Như thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao cho. Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác cũng không phát sinh trong thời điểm Huyền Như thực hiện nhiệm vụ của Vietinbank giao cho (theo các Điều 92 và Điều 93, Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều lệ Tổ chức và Hoạt động Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Bản sửa đổi, bổ sung năm 2013). Vì vậy Huyền Như có trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản tiền cho khách hàng mà bị cáo đã cố ý chiếm đoạt.
Ông Tập cũng cho biết, hoạt động của ngân hàng là hoạt động kinh doanh, cho nên qua sự việc Huyền Như, ngành ngân hàng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ thực tế của diễn biến từ lòng tham của cá nhân trong một môi trường và hoàn cảnh nhất định.
Việc quản lý nhân viên của ngân hàng cần phải sâu sát và khoa học hơn nữa bằng các biện pháp báo cáo kịp thời quan hệ cung cầu của từng giao dịch cụ thể với khách hàng. Ngân hàng cũng nên phân loại khách hàng, tìm hiểu năng lực sử dụng vốn vay của và khả năng thanh toán của khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng dự liệu những rủi ro có thể phát sinh dưới nhiều khía cạnh chủ quan và khách quan về phía khách hàng và thị trường.
"Hơn nữa, những người cho cá nhân vay tiền hay các loại tài sản cùng loại khác phải hết sức tỉnh táo với mức lãi suất cao được đề nghị từ phía người vay. Nói chung, người đi vay và người cho vay phải có những thông tin đầy đủ về nhau xét dưới nhiều góc độ và làm chủ tâm lý, làm chủ bản thân khi tham gia các giao dịch về tài sản có giá trị lớn. Như vậy, người cho vay mới có thể tránh được những rủi ro đáng tiếc như đã xảy ra trong vụ Huyền Như", ông Tập khuyên.