Tránh lây lan yếu kém
Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua hoạt động của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đã bộc lộ nhiều yếu kém; việc quản trị và điều hành vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. |
Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đặt Ocean Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi Ocean Bank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhằm xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại yếu kém của ngân hàng, căn cứ các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ocean Bank.
“Việc trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của Ocean Bank giúp Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu Ocean Bank, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của Ocean Bank sang các tổ chức tín dụng khác”, thông cáo trên viết.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu (100%) vốn điều lệ) của Ocean Bank; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của OceanBank.
Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank.
“Không mua với giá mị dân”
Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức hoàn tất việc mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần VNCB với giá 0 đồng, tiến hành chuyển đổi thành ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu.
Sau trường hợp của VNCB, một số ý kiến cho rằng, việc mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần ngân hàng yếu kém là biện pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong khống chế và kiểm soát rủi ro đối với hệ thống, tuy nhiên mức giá 0 đồng là không hợp lý.
Theo quan điểm bên lề của một luật sư trong ngành ngân hàng, 0 đồng không phải là giá để thực hiện các giao dịch, để hạch toán sổ sách… Ít nhất phải là mức giá 1 đồng, điều mà trên thế giới đã từng làm, vì nó có giá trị để thực hiện giao dịch mua lại, dĩ nhiên chỉ mang tính tượng trưng.
Thậm chí thời gian gần đây, một số bàn luận trong giới đầu tư cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ “sửa lại” mức giá nói trên khi mua lại bắt buộc ngân hàng yếu kém tiếp theo.
Trả lời PV sau tuyên bố mua lại Ocean Bank, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước không thực hiện theo chính sách giá tượng trưng 1 đồng như một số nước đã làm.
Theo ông, nếu áp một mức giá có giá trị dương trong trường hợp này thì chỉ là để “mị dân” mà thôi. “Chúng tôi không mua ngân hàng với mức giá mị dân”, Thống đốc Bình nói.
Bởi lẽ, Thống đốc nói, giá phải là giá trị thật. Giá trị thật của VNCB và Ocean Bank khi Ngân hàng Nhà nước mua lại đã là âm. Vốn điều lệ bị âm và tự thân họ không thể bù đắp nổi để có được một mức dương trên 0 đồng.
Ví dụ mà Thống đốc đưa ra, giả sử vốn điều lệ của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đã thua lỗ tới 10.000 tỷ đồng, tức âm tới 7.000 tỷ đồng. Theo đó, nếu xét đúng giá trị để giao dịch là giá trị âm.
“Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, để nói với người dân rằng giá trị cổ phần của ngân hàng đó không còn nữa”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Sau khi mua lại, cũng như với VNCB, Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp tái cơ cấu và vực dậy Ocean Bank, qua đầu mối chỉ định thực hiện là VietinBank.
Khi trở thành chủ sở hữu, Ngân hàng Nhà nước khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Ocean Bank sẽ được đảm bảo.
Trước đó, trong một lần trao đổi với PV, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, từ cuối năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện ra những bất ổn tại Ocean Bank. Cơ quan này đã tạo điều kiện và cơ hội để họ khắc phục.
Tuy nhiên, qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại Ocean Bank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải dùng biện pháp quyết liệt để xử lý ngân hàng này, cũng như ngăn chặn khả năng rủi ro lan ra hệ thống.