Vàng miếng vẫn được giao dịch ngầm

Google News

Ngày đầu tiên áp dụng quy định siết cửa hàng kinh doanh vàng miếng, nhiều điểm không được phép mua bán mặt hàng này vẫn ngấm ngầm giao dịch dưới nhiều hình thức.

Hỏi đâu cũng có

Ghi nhận tại các cửa hàng vàng tại khu vực Bến Thành, chợ Tân Định, mặc dù bảng giá đã không còn niêm yết vàng miếng SJC nhưng khi được hỏi mua thì nhiều chủ tiệm vẫn có thể cung cấp vàng miếng cho khách hàng.

Đến tiệm vàng Hiệp Duyên (kinh doanh tại trung tâm kinh doanh vàng bạc Bến Thành), chủ tiệm thông báo toàn bộ cửa hàng khu vực này không được bán vàng miếng. Tuy nhiên khi hỏi cần khoảng 3 lượng vàng gấp mà không biết điểm nào được bán thì chủ tiệm đã đồng ý cung cấp vàng miếng với điều kiện chỉ mua vài lượng chứ không bán nhỏ lẻ từng chỉ vàng một.

Theo quy định mới, những đơn vị chưa được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ chỉ được mua bán vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Hầu hết các tiệm vàng đều có thêm một loại hình kinh doanh nữa là cầm đồ. Nhiều tiệm vàng trong khu vực chợ Bà Chiểu đã đẩy mạnh dịch vụ này để bảo toàn lượng vàng miếng.

Một chủ tiệm trên đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) cho biết, vàng miếng bị cấm kinh doanh nhưng nhiều khách quen vẫn đến hỏi đành phải chuyển sang hình thức cầm đồ, hóa đơn cũng chuyển thành hóa đơn cầm đồ. Làm vậy cũng là cách tạm thời để lách nghị định 24 trong khi giao dịch với khách quen.

Kể từ hôm nay, trên cả nước có 38 đơn vị với 2.497 điểm kinh doanh vàng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Riêng tại Tp. HCM, rút từ 3.000 điểm xuống còn 900 điểm kinh doanh vàng.

Hiện các công ty vàng bên cạnh việc niêm yết giá vàng miếng còn niêm yết cả giá vàng nhẫn trơn, thường có giá thấp hơn vàng miếng rất nhiều. Đặc biệt giá vàng miếng trên thị trường giảm mạnh hơn 200.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Chủ tiệm vàng Ngọc Trang tại chợ Tân Định (Quận 1) cho rằng: “Việc siết kinh doanh vàng miếng của NH Nhà nước khiến tiệm vàng không dám trưng vàng. Tuy nhiên nếu là khách quen thì vẫn bán vàng miếng cho họ. Đây là cách để giữ quan hệ và uy tín của tiệm vàng đối với khách”.

Tại các điểm được phép kinh doanh vàng miếng thì lượng khách đến có đông hơn mọi ngày tuy nhiên giao dịch thì nhiều người vẫn tỏ ra ngần ngại. Theo chị Hồng, trưởng cửa hàng vàng Mi Hồng (Bình Thạnh), trong ngày đầu nghị định có hiệu lực, lượng khách đến tìm hiểu mua vàng miếng cũng đã tăng lên. Đặc biệt khác với trước đây lượng khách lần đầu đến đã xuất hiện nhiều hơn. Bởi một số điểm kinh doanh khác đã không còn kinh doanh vàng miếng.

Người dân bối rối

Trong khi đó, người tiêu dùng lại hoang mang bởi không phân biệt được đâu là cửa hàng được cấp phép. Giờ muốn mua bán vàng chưa biết mua ở đâu, bán ở đâu. Trước là câu chuyện thương hiệu vàng, nay lại đến thương hiệu cửa hàng, càng ngày người tiêu dùng càng gặp khó.

Các giao dịch trước đây thường dựa vào uy tín của tiệm vàng cũng như khách hàng thông qua nhiều lần giao dịch. Tuy nhiên bây giờ phải tìm chỗ giao dịch mới nên những người đầu tư vàng cũng e dè hơn. Còn nếu vẫn giao dịch với tiệm quen mà không được nằm trong danh sách được kinh doanh thì vô tình đã hoạt động mua bán trái phép.

Ông Hoàng Cường, khách hàng giao dịch tại tiệm vàng Mi Hồng cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi đến cửa hàng này tìm hiểu, mua bán vàng. Trước đây luôn giao dịch ở tiệm vàng quen gần nhà nhưng hôm nay của hàng đó không được phép kinh doanh vàng miếng nữa.

Trong khi đó thói quen đầu tư và trữ vàng, chủ yếu là vàng miếng vẫn còn rất nhiều mà nay hạn chế mua bán đã tạo không ít điều bất tiện. Đáng nói hơn, người dân ở tỉnh khó kiếm điểm giao dịch của NH, DN được phép, sẽ vẫn mua vàng ở tiệm vàng quen biết vì mua vàng chủ yếu dựa trên uy tín như vậy vô hình trung đã mua bán trái phép.

Có thể người mua sẽ cẩn thận hơn với chất lượng vàng miếng và đòi hóa đơn, còn khó mà từ bỏ vàng khi các công cụ đầu tư, tích trữ tiền đồng chưa hiệu quả”.

Người dân bối rối không biết nên mua bán vàng ở đâu. Ảnh: Nam Phong.

Chị Hồng Ân ở quận 3 cho biết: “Không dễ như trước đây, sáng nay chị phải mỏi mắt để tìm thấy một tiệm vàng cho phép kinh doanh vàng miếng. Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh lớn và ngân hàng thì các cửa hàng được phép bán vàng miếng vẫn rất khó tìm. Nếu đến các trung tâm lớn, người giao dịch đông và thủ tục cũng rất lâu nên hơi bất tiện”.

Thực tế trong danh sách cấp phép của Ngân hàng Nhà nước, ngoài những đơn vị đã quen tên như Công ty SJC, Công ty PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI..., có nhiều đơn vị dù được biết đến nhiều trong giới kinh doanh vàng nhưng lại xa lạ với đa số người dân. Do vậy rất khó để người dân xưa nay vốn chỉ mua bán ở tiệm vàng quen biết đến được các đơn vị này để mua bán hợp pháp.

Mua bán vàng không đúng chỗ: Phạt 50-100 triệu đồng

Theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, hôm nay (10/1/2013), tất cả doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép.

Những đơn vị chưa được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ chỉ được mua bán vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh Tp. HCM, từ hôm nay, nếu cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo quy định trong Nghị định 95 ban hành năm 2011 của Chính phủ về xử phạt hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 24, điều kiện để kinh doanh vàng miếng với doanh nghiệp là có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, kinh nghiệm kinh doanh vàng từ 2 năm trở lên, đã nộp thuế kinh doanh vàng trên 500 triệu trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới tại tối thiểu 3 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Đối với tổ chức tín dụng, điều kiện để kinh doanh vàng miếng là phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới từ 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương trở lên.

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch vàng miếng khoảng gần 2.500 điểm (2.497 điểm) trên cả nước.

Trước khi thực hiện cấp phép và tổ chức hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24, NHNN đã thực hiện khảo sát và đánh giá lại tình hình mạng lưới kinh doanh vàng trên cả nước. Nếu trước đây có khoảng 12.000 điểm kinh doanh vàng miếng, thì kết quả khảo sát của NHNN đã thu hẹp lại còn khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng, thuộc các thành phần khác nhau.

Theo NHNN, các điểm giao dịch mua bán vàng miếng sẽ rộng khắp ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Và để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân khi mua bán vàng miếng, các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng.

Danh sách 38 đơn vị được kinh doanh vàng miếng (Gồm 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp):

1. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
2. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
4. Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
5. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank)
6. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank)
7. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
8. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)
9. Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)
10. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
11. Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank)
12. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
13. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
14. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank)
15. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)
16. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
17. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
18. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)
19. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
20. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
21. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB)
22. Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank)
23. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý TPHCM - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam
24. Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP
25. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu
26. Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI
27. Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam
28. Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Phú
29. Công ty TNHH Mi Hồng
30. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Hải
31. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Thâm
32. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
33. Công ty TNHH Vàng bạc Phúc Thành
34. Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc Đá quý Phương Nam
35. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín
36. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC
37. Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý
38. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
 

Giá vàng miếng giảm mạnh

Sáng nay, giá niêm yết vàng miếng SJC mua vào giảm còn 45,98 triệu đồng/lượng, bán ra mức 46,23 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á đang giảm nhẹ 1,4 USD xuống mức 1.656,6 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức 4,5 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) niêm yết giá vàng miếng rồng Thăng Long mua vào sáng nay ở mức 44,9 triệu đồng/lượng, bán ra 45,15 triệu đồng/lượng; trong khi giá vàng nhẫn trơn mua vào 4,335 triệu đồng/chỉ, bán ra 4,36 triệu đồng/chỉ. Giá vàng nhẫn thường chênh lệch không cao so với giá thế giới.


TIN ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:

Theo Tiền phong

Bình luận(0)