Người dân cân nhắc giữa chọn kỳ hạn dài cho tiền gửi VND nhưng nhiều khả năng các ngân hàng sẽ không mạnh tay nâng lãi suất kỳ hạn dài, trong khi đó lãi suất gửi USD cũng được điều chỉnh giảm, việc nắm giữ ngoại tệ trở nên ít lời hơn dù tỷ giá tăng.
Tỷ giá tăng nhưng giao dịch không đột biến
Sau quyết định nâng 1% tỷ giá liên ngân hàng của NHNN, có hiệu lực từ 28/6, các ngân hàng ngay lập tức đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá. Tại Vietcombank, giá mua bán USD hiện niêm yết tại 21.180 – 21.220 đồng, tăng 145 đồng mua vào và 184 đồng bán ra so với chiều 27/6. Ngân hàng BIDV tăng 120 đồng mua vào và 194 đồng bán ra, lên 21.135 - 21.230 đồng/USD. Tỷ giá tại ngân hàng ACB lúc này là 21.110 - 21.230 đồng/USD; của Vietinbank ở mức 21.130 - 21.230 đồng/USD. Ngân hàng Sacombank đang niêm yết giá USD tại 21.085 - 21.235 đồng, tăng 125 đồng mua vào và 199 đồng bán ra so với hôm trước đó.
Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 21.036 đồng, cao hơn 1% so với mức 20.828 đồng đã giữ suốt từ 24/12/2011 đến nay. Tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM là 21.246 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD chiều 27/6 đẩy lên 21.400 đồng và sáng 28/6 tiếp tục duy trì ở mức cao này. Đến cuối chiều 28/6, giá USD tại một số cửa hàng vàng tại Hà Nội đã lên tới 21.450 đồng/USD.
Tuy nhiên, nhu cầu mua ngoại tệ của người dân không đột biến sau đợt tăng giá này. Hơn nữa, việc mua bán ngoại tệ trái phép sẽ bị xử phạt nên người dân không đổ xô đi mua hay bán ngoại tệ khi giá có biến động mạnh. Trong khi đó, trần lãi suất huy động USD đối với cá nhân cũng đã được đưa về 1,25%/năm thay vì 2%/năm. Chị Ngọc Anh, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là người từng có thói quen tích trữ, mua gom ngoại tệ. Chị kể có nhiều bà con, anh em ở nước ngoài hay gửi ngoại tệ về, chị lại đem gửi ngân hàng. Gần đây, mặc dù tỉ giá có chút biến động, nhưng do không còn được công khai mua bán ngoài thị trường nên chị chỉ còn cách ra ngân hàng bán khi có nhu cầu cần thiết. Lần tăng tỷ giá này, chị nhẩm tính cũng lãi được một khoản không nhỏ nhưng chị quyết định không rút tiết kiệm để đem bán lấy lãi do lãi suất huy động USD đã được các ngân hàng hạ xuống. Chị nói “Mình đã tranh thủ gửi kỳ hạn dài từ trước nên đợt điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm đôla này không lo bị mất lãi nhiều”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức điều chỉnh tỉ giá lần này khá nhẹ, và nằm trong định hướng từ trước. Ngay từ đầu năm 2013, NHNN đã đề ra mục tiêu ổn định tỉ giá, nếu tăng cũng không quá 2-3% nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của VND. Mặt khác, dù điều chỉnh tăng tỉ giá thêm 1% nhưng đi kèm theo đó NHNN lại có biện pháp hạ nhiệt bớt sức nóng của USD bằng cách giảm trần lãi suất huy động USD từ mức 2%/năm xuống 1,25%/năm.
Như vậy, ngay cả trường hợp USD có tăng đến 3% thì tổng lợi nhuận mà người giữ USD được hưởng bao gồm cả lãi suất và chênh lệch tỉ giá tối đa cũng chỉ ở mức 4,25%, thua xa so với mức 7% mà người giữ VND được hưởng.
Người gửi tiền và ngân hàng đều không mấy mặn mà
Việc NHNN không khống chế trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có thể giúp các NHTM nhỏ còn khó khăn về vốn có thể huy động vốn, đảm bảo thanh khoản.
Lãi suất tiền gửi giảm, nhưng hầu như không có khách tới ngân hàng đổi sổ sang kỳ hạn dài. Ngay cả các ngân hàng cũng khá hờ hững nới lãi suất kỳ hạn dài dù trần huy động từ 6 tháng trở lên đã được dỡ bỏ.
Tại hội sở của BIDV, VCB trên phố Tông Đản, Hà Nội chiều 28/6, hầu như không có khách hàng tới đổi sổ tiết kiệm sang kỳ hạn dài như những lần trước. Nhiều khách hàng vẫn chọn kỳ hạn gửi 3 tháng, để có thể linh hoạt trong việc sử dụng vốn và đề phòng rủi ro lãi suất biến động. Chị Mai Hương, làm việc trên phố Tông Đản cho hay, lãi suất giảm cũng thấy xót cho món tiền gửi tiết kiệm sắp tới kỳ đáo hạn tới đây, nhưng chị vẫn chọn kỳ hạn dưới 6 tháng vì tại ngân hàng lớn, lãi suất kỳ hạn dài cũng không hơn là bao so với mức trần 7% ở các kỳ hạn ngắn. Chị nói, cũng có thể, lãi suất hạ, đến đầu tháng 7 khi giá vàng có khả năng giảm tiếp, tôi sẽ mua chút vàng miếng. Tuy nhiên, khả năng giá vàng tăng mạnh là khó do cung cầu đang dẫn cân bằng. “Nếu có mua vàng, chắc cũng là để phòng cơ tích trữ về lâu dài, chứ không mong lời lớn để đầu cơ”, chị này phân tích.
Thực tế, từ tháng trước, nhiều ngân hàng dư thừa vốn đã điều chỉnh dần lãi suất về dưới trần 7,5%, nên sau khi có quyết định giảm lãi suất, thị trường không có nhiều biến động. Tại các NHTM Nhà nước và một số nhà băng cổ phần lớn, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đến nay chỉ quanh 6 - 6,5%. Trong khi đó, đại diện một ngân hàng cổ phần thuộc quy mô vừa tại Hà Nội thì cho biết, trước mắt nhà băng vẫn phải giữ mức huy động bằng với trần (7%), để tiếp tục hút vốn.
Đại diện chi nhánh Đông Á Bank trên phố Bà Triệu cũng cho biết, không có hiện tượng khách đến đảo sổ sang kỳ hạn dài. Đa số khách ở đây chọn gửi kỳ hạn ngắn. Do đó, tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn, chủ yếu là 1-3 tháng tại nhà băng thường chiếm 50-60% trong cơ cấu vốn.
Dù NHNN đã cho phép các NHTM được tự quy định về lãi suất kỳ hạn dài nhưng hầu như các ngân hàng không mấy hào hứng nâng lãi suất các kỳ hạn dài khi biểu phí niêm yết không có nhiều điều chỉnh. Vì thế, khách hàng không mấy mặn mà với kỳ hạn dài. Hơn nữa, người gửi tiền trong ngày đầu cũng còn thăm dò thị trường, xem động thái của các ngân hàng thế nào. Đồng thời, cân nhắc các kênh đầu tư thời điểm này, người dân cũng không có xu hướng chuyển sang gửi USD khi lãi suất USD cũng đã được hạ trần.
Lãnh đạo một NHTM nhận định, động thái hạ đồng thời lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ của NHNN là động thái rất đồng bộ, giúp tăng giá trị tiền đồng và ngăn tâm lý găm ngoại tệ của người dân. Hơn nữa, thanh khoản hệ thống đang dồi dào, nên khả năng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài chắc chắn sẽ được các ngân hàng cân nhắc chưa đẩy mạnh hút vốn, đồng thời phải cân đối với lãi suất đầu ra. Nếu chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thu hẹp lại, nhiều khả năng ngân hàng không có lãi.
BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU: