Tin đồn “nhạy cảm” thất thiệt về động thái của NHNN

Google News

(Kiến Thức) - Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để không bị tác động xấu từ những tin đồn, cần phải kiểm tra lại thông tin đó bằng tư duy, sau đó kiểm chứng lại ở cơ quan chức năng.

Thời gian qua, lợi dụng những diễn biến của thị trường, một số kẻ xấu đã tung tin đồn thất thiệt về một số động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như: điều chỉnh tỷ giá, đổi tiền mới... gây hoang mang dư luận. NHNN đã phải vào cuộc, lên tiếng đính chính những tin đồn này, tạo tâm lý an tâm cho người dân tiếp tục tin tưởng vào hệ thống ngân hàng và hệ thống tiền tệ quốc gia. 

Mới đây nhất, tin đồn về việc tăng tỷ giá đã làm cho nhu cầu mua USD tăng cao. Cụ thể, trong sáng 17/5, các ngân hàng lớn đã đồng loạt tăng giá bán USD lên sát mức trần cho phép. Tại Vietcombank, giá bán USD có thời điểm tăng lên mức 21.030 đồng/USD, cao hơn 65 đồng/USD so với hai ngày trước. Tại Eximbank, ACB, mức giá 21.020 đồng/USD (bán ra) được duy trì trong suốt ngày 17/5. Giá bán USD tại thị trường tự do sáng 17/5 cũng tăng vọt, bán ra ở mức 21.330 đồng/USD. Nhiều ngân hàng cho biết nhu cầu mua USD tăng trong những ngày này là do xuất hiện tin đồn NHNN sắp điều chỉnh tỷ giá.

Ngay sau đó, trả lời báo giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định đây là thông tin thất thiệt không có cơ sở. Theo ông Hưng, thanh khoản trên thị trường ngoại tệ hiện nay rất tốt. Tuy nhiên, do hiện nay thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng khá dồi dào, một số ngân hàng âm trạng thái ngoại tệ đã tranh thủ mua vào khiến giá tăng và việc này cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Mọi nhu cầu về ngoại tệ của người dân đều được đáp ứng bình thường. 

 

Theo thông tin công bố trên website NHNN, Phó Thống đốc thừa nhận, tỷ giá có xu hướng tăng, cả trên thị trường tự do lẫn trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, qua theo dõi của NHNN, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng và doanh số giao dịch với khách hàng cũng không có đột biến. Diễn biến tỷ giá trong thời gian gần đây đang bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ. Cũng không loại trừ khả năng một số đối tượng kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính, Phó Thống đốc đánh giá.

Ngay từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định mức biến động tỷ giá trong cả năm 2013 chỉ từ 2-3%. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, ông Lê Minh Hưng cho báo giới biết.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, sở dĩ tỷ giá ngoại hối tăng mạnh là do nhập siêu và nhập vàng. Ngoài ra, tình trạng tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống nhà băng cũng khiến tỷ giá tăng cao trở lại.

Trước đó, trên thị trường tiền tệ cũng xuất hiện tin đồn về đổi tiền. Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo khẳng định không có bất cứ thay đổi nào đối với các đồng tiền đang lưu hành hiện nay.

Thông cáo viết: "Vừa qua, xuất hiện tin đồn cho rằng sắp tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thay đổi đồng tiền đang lưu hành bằng đồng tiền mới. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay".

Tin đồn đổi tiền lan đi khi có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh chủ đề sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước. Mặt trước các tờ bạc đang lưu hành đều có dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Với giả thiết đổi tên nước thành "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", một số ý kiến lo lắng tiền sẽ phải in lại. Đây được cho là lý do khiến tin đồn đổi tiền bùng phát.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, thời gian qua và hiện nay, giá trị đồng Việt Nam khá ổn định, cơ cấu của bộ tiền đang lưu thông hiện nay vẫn phù hợp.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cũng cho rằng, những tin đồn trên là không có cơ sở. Theo ông, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước phát hành bất kỳ một đồng tiền nào mới cũng không có chuyện ngay lập tức loại bỏ tính hợp pháp của những đồng tiền cũ đang lưu hành.

Trước đó còn xuất hiện những thông tin Việt Nam có thể phát hành tờ tiền mệnh giá một triệu đồng do tình hình lạm phát và đồng tiền mất giá. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước cũng bác bỏ và cho biết cũng không có chủ trương phát hành tờ tiền mệnh giá một triệu đồng.

Những tin đồn như thế này có tốc độ lan truyền rất nhanh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận do tài chính, ngân hàng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mọi người dân, tổ chức.

Cuối năm 2010, tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền khiến cho giá vàng và USD Mỹ ở thị trường trong nước tăng mạnh. Thời kỳ đó, giá vàng trong nước dao động trong khoảng trên 37 triệu đồng/lượng. Còn với tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát bắt đầu tăng lên, càng khiến cho tin đồn nói trên "dựa hơi" phát tán rộng rãi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Lê Đức Thúy đã phải lên tiếng khẳng định không đổi tiền mà sẽ bổ sung tiền mới vào lưu thông. Kể từ sau năm 1975, Việt Nam đã tiến hành 3 lần đổi tiền: lần một vào ngày 2/9/1975, lần thứ hai là ngày 3/5/1978 và lần thứ ba là 4/9/1985. 

Năm 2008, khi lạm phát ở mức cao, những đối tượng tung tin bịa đặt nói rằng tiền đồng mất giá nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải đổi tiền và phát hành tờ tiền mệnh giá cao. Ngân hàng Nhà nước cũng phải đưa ra thông cáo báo chí để khẳng định tin đồn trên là thất thiệt.

Về cơ chế xuất hiện tin đồn, theo lời một số chuyên gia, là do tính minh bạch của thông tin trên thị trường còn hạn chế cũng như tâm lý của nhà đầu tư, người dân Việt Nam còn chưa vững vàng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có biến động.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương, mặc dù theo các yếu tố phân tích tin đồn này hoàn toàn không có cơ sở, nhưng vẫn có nhiều lý do khiến tin đồn này xuất hiện. Có 4 dạng nhóm tung tin đồn là: nhóm cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thế độc quyền, nhóm trục lợi, nhóm phá hoại và nhóm không có chủ đích. Tin đồn thường xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế có sự bất ổn, tâm lý người dân bất an. Khi đó, các sự kiện đúng sai xen lẫn nhau. Ở Việt Nam, người dân lại thường có tâm lý đám đông, đặc biệt khi không có thông tin chính thống trấn an kịp thời, người dân khó tránh khỏi tâm lý dao động trước tin đồn, dẫn đến nhiều hệ lụy.   

Theo một chuyên gia kinh tế khác, thông thường khi người ta thiếu thông tin để hiểu vấn đề một cách sâu sắc, khi người ta lo lắng, hoang mang, mất niềm tin thì tâm lý con người dễ bị tác động bởi tin đồn nhiều nhất. Nhiều người lo lắng người ta sẽ làm những chuyện không cần thiết, sự suy giảm kinh tế kéo dài, khó khăn ngày càng nhiều, doanh nghiệp phá sản nhiều, thất nghiệp nhiều, rồi tin đồn trên mạng gia tăng…

Các chuyên gia khuyến cáo, vào những giai đoạn mà tình hình kinh tế xã hội có những thay đổi, biến chuyển rất nhanh và không ngờ thì rất dễ có chuyện tin đồn. Ứng xử tốt nhất đối với người nghe tin đồn là phải kiểm tra lại thông tin đó bằng vốn sống, tư duy của mình, kiểm chứng lại ở cơ quan chức năng.

Về phía người dân, trước những thông tin thất thiệt như vậy cũng cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định để không bị trở thành nạn nhân của tin đồn. Chẳng hạn, việc đổi tiền là vấn đề hệ trọng, để đổi phải trong điều kiện cho phép và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện nay, kinh nghiệm đổi tiền, cơ quan phát hành sẽ đưa vào lưu thông song song tiền cũ và tiền mới với mệnh giá tương đương, sau đó dần rút loại tiền cũ ra khỏi lưu thông. Đến thời điểm thích hợp sẽ tuyên bố chấm dứt lưu hành tiền cũ. Ví dụ như việc thay thế tiền cotton bằng tiền polymer được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thời gian vừa qua cũng theo phương thức như vậy. 

Về phía các cơ quan chức năng, cần sớm áp dụng các biện pháp truy nguồn thông tin, xác định đối tượng tung tin bịa đặt để xử lý theo quy định. Hiện, những thông tin bịa đặt dạng này có thể xử lý theo tội "Vu khống" quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự. 
Diên Lệ (Tổng hợp)

Bình luận(0)