Số phận long đong những khách sạn hot Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Do hoạt động kinh doanh thua lỗ, nhiều khách sạn nổi tiếng ở Việt Nam đã phải điêu đứng, bán lại cổ phần,  thậm chí thay tên đổi chủ.

Thua lỗ, Fortuna Hà Nội lên kế hoạch bán đứt khách sạn
Khách sạn Fortuna Hà Nội thua lỗ triền miên trong những năm đầu đi vào hoạt động và họ đang tính đến việc sẽ chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài.
 
Theo tin tức trên báo Đầu tư, Khách sạn Fortuna Hà Nội đã tính đến việc chuyển nhượng phần vốn góp tại liên doanh cho phía nước ngoài để giải quyết nợ nần chồng chất cho cả đôi bên liên doanh.
Khi góp vốn vào Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng có thêm kinh phí hoạt động và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhưng chỉ sau 7 năm hoạt động, phần lớn vốn của liên doanh đã bị mất…
Những năm đầu đi vào hoạt động, Khách sạn Fortuna Hà Nội thua lỗ triền miên. Số lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2002 là hơn 8,4 triệu USD, trong khi vốn điều lệ chỉ có 9 triệu USD. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2010, có 3 nguyên nhân khiến liên doanh bị thua lỗ gồm khủng hoảng tài chính, lãi vay xây dựng khách sạn cao mà chưa trả được và chi phí quản lý khách sạn cao.
Mặt khác, ông Roger Chng, Tổng giám đốc điều hành Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna đánh giá, nguyên nhân khách quan chính khiến liên doanh liên tục thua lỗ là do lúc mới thành lập, phải đầu tư xây dựng rất lớn, tiền đầu tư chủ yếu đi vay. Hơn nữa, vào thời điểm 1997 - 2003, sau đợt khủng hoảng kinh tế châu Á, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm, nên hoạt động kinh doanh của Khách sạn Hà Nội Fortuna gặp rất nhiều khó khăn.
Thỏa thuận lãi không trả được bị tính vào gốc để tính lãi tiếp đã khiến lãi suất thực vay của liên doanh lớn hơn nhiều lần so với lãi suất vay và cho vay đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đó, liên doanh rơi vào tình cảnh không trả được gốc và lãi.
Đối với bên Việt Nam, theo đánh giá của ông Nguyễn Hải Giang, Tổng giám đốc Công ty Thắng Lợi, những năm đầu hoạt động, Khách sạn Hà Nội Fortuna gặp làn sóng suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Khách sạn Hà Nội Fortuna nằm ở vị trí rất chật hẹp về đường sá, không có chỗ đỗ xe ô tô, thiết bị phục vụ đã cũ. Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều khách sạn cao cấp hạng 5 sao có vị trí giao thông thuận tiện bắt đầu đi vào hoạt động.
Trước tình hình đó, HĐQT Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna đã nhiều lần họp bàn để tìm giải pháp khắc phục. Và một giải pháp được coi là tối ưu nhất lúc đó là chuyển công ty liên doanh thành công ty cổ phần để có cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lúc ấy, để liên doanh chuyển thành công ty cổ phần, phải đảm bảo song song 2 điều kiện: vốn pháp định phải lớn hơn vốn vay và hoạt động của liên doanh phải có lãi.
Chính vì vậy, ngày 1/6/2006, các bên liên doanh đã ký Thỏa thuận thống nhất, Hornblower Boswth PTE Ltd Singapore (công ty liên doanh vay vốn đầu tư xây dựng Khách sạn Hà Nội Fortuna) được trở thành thành viên thứ ba trong liên doanh.
Theo đó, liên doanh sẽ tăng vốn điều lệ từ 9 triệu USD lên 18 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 30%; điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của đối tác nước ngoài từ 70% xuống còn 35%, đồng thời cho đối tác Hornblower là người cho vay vốn đầu tư xây khách sạn được tham gia góp vốn với tỷ lệ 35%.
Theo thỏa thuận, Hornblower góp vốn bằng cách chuyển từ khoản vốn cho vay xây dựng 9 triệu USD thành vốn góp 6,3 triệu USD và hỗ trợ số vốn còn thiếu của phía Việt Nam là 2,7 triệu USD; đồng thời miễn giảm lãi vay các năm 2002, 2003 là hơn 3,527 triệu USD và từ năm 2004, tính lãi theo số vốn vay còn lại.
Nhưng điều kiện bên nước ngoài đặt ra là xóa bỏ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn trong Giấy phép đầu tư. Và khi liên doanh làm các thủ tục để xin cổ phần hóa thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không chấp nhận điều kiện xóa bỏ điều khoản chuyển giao không bồi hoàn. Vì thế, liên doanh không cổ phần hóa được và bên nước ngoài không đồng ý miễn giảm lãi vay 3,527 triệu USD, cũng không hỗ trợ 2,7 triệu USD tiền góp vốn, và như vậy liên doanh sẽ quay lại thời kỳ thua lỗ.
Trước tình hình đó, đầu năm 2008, liên doanh đưa ra phương án bên Việt Nam chuyển 30% vốn góp còn lại cho bên nước ngoài, mà vẫn giữ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn. Tháng 6/2009, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về đề xuất này và đến ngày 27/4/2010 mới nhận được văn bản trả lời.
Đó cũng chính là thời điểm Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thành lập, hoạt động, phê duyệt phương án chuyển nhượng phần vốn Việt Nam tại Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna cho đối tác nước ngoài và đó là lý do khiến việc chuyển nhượng phải tạm gác lại.
Sau cuộc tranh tra trên, ngày 2/7/2010, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 1937 KL-TTCP-V.II nêu rõ: “Yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án xử lý tình trạng kinh doanh thua lỗ và chuyển nhượng phần vốn của Công ty Thắng Lợi trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna hoặc tiếp tục duy trì hoạt động của Liên doanh...”.
Khách sạn Horizon phải thay tên đổi họ
Hà Nội Horizon là một trong những khách sạn nổi tiếng hàng đầu Hà Nội. Nằm trên mặt phố Cát Linh (Đống Đa), Hà Nội Horizon là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội Horizon cũng được chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, xã hội quan trọng.
Theo VTC, Hà Nội Horizon chính thức khai trương trong năm 1998, thời điểm khủng hoảng kinh tế bắt đầu lan rộng từ Thái Lan, vì vậy mà nó cũng gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu lưu trú suy giảm.
Tới năm 2001, cũng như hàng loạt khách sạn cao cấp khác Sofitel, Sofitel Plaza, Hilton, Melia, Nikko và Daewoo, Hà Nội Horizon rơi vào tình trạng thua lỗ. Nếu tính thêm chi phí trả lãi vay và khấu hao thì hoạt động kinh doanh của những đơn vị này đều không mấy sáng sủa.
 
Năm 2001 cũng là thời điểm “cha đẻ” Hà Nội Horizon ở Indonesia gặp khó khi nợ xấu trị giá 49 triệu USD tại khách sạn Horizon Indonesia bị một ngân hàng Indonesia đấu giá. Món nợ xấu của khách sạn Horizon đã thu hút được sự quan tâm của một đại gia Việt.
Đó là bà Trương Thị Mỹ Lan, nữ đại gia được nhắc tới nhiều trong sự kiện đám cưới của ca sỹ - nhạc sỹ Thanh Bùi. Bà Lan và hai vị doanh nhân khác cũng thực hiện thương vụ mua nợ khách sạn Horizon với giá trị lên tới 6 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng bị thực hiện sai lệch khiến các bên đưa nhau ra tòa.
Như vậy có thể thấy, ra đời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng, Hà Nội Horizon gặp không ít khó khăn như Daewoo hay Sofitel Plaza. Tuy nhiên, may mắn hơn Daewoo, Hà Nội Horizon không đổi chủ mà chỉ đổi tên.
Sau khi đã đạt được thỏa thuận quản lý khách sạn Hà Nội Horison, đầu từ tháng 8/2009, Accor đã lên kế hoạch nâng cấp khách sạn và khẳng định vẫn giữ Horizon như một địa điểm tổ chức nhiều sự kiện cho khách thương nhân và hội thảo.
Sau 3 năm, quá trình chuẩn bị mới hoàn tất, từ ngày 22/11/2012, cái tên Horizon đã bị xóa sổ hoàn toàn. Khách sạn 5 sao nằm trên “cái lò gạch cũ” được đổi tên thành Pullman Hà Nội. Phía Pullman cho biết việc đổi tên để ứng với tiêu chuẩn mới của Tập đoàn Kinh doanh Khách sạn Quốc tế Accor sau khi đã nâng cấp, sửa chữa khách sạn. Khách sạn Pullman Hà Nội hoàn toàn không đổi chủ.
Điều đó có nghĩa đại gia Việt và đại gia Indonesia vẫn là những ông chủ của Pullman Hà Nội. Accor chỉ là đơn vị quản lý. Song, dù chỉ quản lý nhưng Accor đã đầu tư 15 triệu USD để nâng cấp Horizon thành Pullman.
Pullman là thương hiệu được Tập đoàn Accor gắn cho các khách sạn chuẩn 5 sao. Hiện có 70 khách sạn được mang thương hiệu này trên toàn thế giới từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông, châu Á Thái Bình Dương và Mỹ Latin.
Ông Pieter de Weerd, Tổng giám đốc khách sạn Pullman Hanoi, cho hay khách sạn có 242 phòng, với thiết kế đương đại mang hơi thở của nhịp sống thành thị đầy sáng tạo và sống động, trong khi vẫn đem lại sự tiện nghi và công năng cao nhất tới mọi du khách.
Pullman Hà Nội không phải khách sạn duy nhất do Accor quản lý. Hiện nay, tổng số khách sạn do Accor quản lý tại Việt Nam là 15 và có 17 khách sạn nữa đang trong quá trình chuyển đổi thương hiệu hoặc mở mới.
Khách sạn Sheraton Hà Nội lận đận từ ngày mới xây dựng
Nhìn vào sự hoành tráng của khách sạn Sheraton, không ai dám nghĩ khách sạn này cũng có thời kỳ dài lao đao và bị ông chủ bán tháo.
Sheraton Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao xa xỉ hàng đầu Hà Nội dù không có được vị thế tuyệt đẹp như Intercontinental Hà Nội nhưng Sheraton Hà Nội cũng khiến các khách sạn khác ghen tị vì nằm ngay ven Hồ Tây thơ mộng. Chính vì vậy, Sheraton trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
 
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hàng loạt khách sạn cao cấp ồ ạt vào Việt Nam như Daewoo, Melia, Intercontinental Hà Nội. Sheraton cũng ghi tên mình vào danh sách đó. Faber Group là tập đoàn rót vốn vào khách sạn này với nhiều tham vọng lớn.
Sheraton khởi công từ năm 1993 nhưng không thể hoàn thành đúng kế hoạch vì “đụng” cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nổ ra năm 1997 từ Thái Lan. Cuộc khủng hoảng này không ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam nhưng tác động mạnh tới túi tiền nhà đầu tư.
Theo The Financial Times, cuối năm 1997, khách sạn 299 phòng Sheraton đã chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên. Khách sạn tuyển dụng 300 nhân viên. Phòng bếp được đưa vào thực hành nấu nướng dưới sự giám sát chặt chẽ của Giám đốc điều hành.
Thế nhưng hơn nửa năm sau, tới tháng 7/1998, Theo mô tả của The Financial Times, nhân viên lũ lượt ra đi, điện thoại bị cắt, tòa nhà 18 tầng hoàn toàn trống rỗng.
“Họ hết tiền rồi” – Một tài xế taxi ở gần cổng khách sạn đã đóng cho biết. Thậm chí trước khi khách sạn hoàn thành hoặc có người đến ở, Sheraton đã bị rao bán. Sheraton cùng chung số phận với nhiều khách sạn khác tại Malaysia và Nam phi do Faber Group sở hữu. Thời điểm đó, tập đoàn này gặp nhiều khó khăn.
Không rõ sau khi Faber Group rao bán, Sheraton có đắt khách hay không. Chỉ biết, nhiều năm sau đó, Faber Group vẫn chưa rút ra khỏi “vũng lầy” Sheraton.
Trong thời gian khủng hoảng, hoạt động của khách sạn bị đình đốn. Tới năm 2003, khách sạn được hoàn thiện trở lại. Nhưng phải tới năm 2004, Sheraton mới kết thúc xây dựng và được đưa vào hoạt động chính thức. Như thiết kế ban đầu, khách sạn gồm 299 phòng và 18 tầng.
Không giống như nhiều khách sạn khác, trong thời kỳ mới hoạt động, Sheraton không phải gánh các khoản thua lỗ vì Sheraton khá hút khách. Theo báo cáo của Conglomera, tại thời điểm 31/12/2006, tỷ lệ lấp đầy tại Sheraton là 75,4%.
Sheraton là một trong số ít các khách sạn sớm có lợi nhuận ngay sau khi hoạt động. Lợi nhuận năm 2005, 2006 và 2007 của Sheraton lần lượt là 6,9 triệu USD, 13 triệu USD và 23 triệu USD. Doanh thu các năm lần lượt là 10 triệu USD, 20 triệu USD và 44 triệu USD. Trong cả 3 năm, Sheraton đều nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Có thể thấy, sau những lận đận ban đầu, khi đã đi vào hoạt động, Sheraton kinh doanh khá hiệu quả. Sheraton mang tới cho ông chủ Faber Group một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Mặc dù đã vượt qua khó khăn và bắt đầu gặt hái thành quả với Sheraton nhưng Faber Group vẫn quyết tâm rời xa “đứa con” của mình. Năm 2007, Faber Group đã đàm phán với Berjaya Land để bán Sheraton. Theo Conglomera, bản hợp đồng này có giá trị 68,2 triệu USD.
Trong thương vụ này, Faber Group cũng có lời đôi chút khi kiếm được khoản lời 10,9%. Thời điểm đó, giá trị sổ sách ròng đã được kiểm toán của Sheraton đạt 61,5 triệu USD (tương đương 206 triệu RM). Thương vụ này phù hợp với chiến lược mục tiêu của Faber Group là tập trung vào hai mảng kinh doanh cốt lõi: quản lý và phát triển bất động.
Một bên muốn “thoát xác” để tập trung vào mảng kinh doanh chủ chốt, một bên không muốn đứng ngoài làn sóng đầu tư vào thị trường Việt Nam tại thời điểm đó nên thương vụ diễn ra khá nhanh chóng và hoàn tất trong năm 2008.
Như vậy, Sheraton đã thuộc về Berjaya Land, công ty nằm trong Tập đoàn của Vincent Tan. Năm 2008, không chỉ mua Sheraton, Vincent Tan còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào hàng chục dự án ở Việt Nam. Ngoài ra, vị đại gia này còn thâu tóm khách sạn 5 sao Intercontinental Hà Nội.
Tuy nhiên, với Sheraton, Berjaya Land không phải ông chủ duy nhất. Theo xác nhận từ phía Sheraton, hiện khách sạn này do 2 đơn vị cùng sở hữu, bao gồm Công ty TNHH MTV Hồ Tây và Berjaya Corporation Berhad.
Quá trình Daewoo về tay đại gia Việt
Năm 2012, dư luận xôn xao vì thương vụ thâu tóm đình đám, Hanel mua lại khách sạn Daewoo.
Hanel có thể thâu tóm Daewoo vì liên doanh chưa tạo ra được nhiều lợi nhuận trong khi Tập đoàn Daewoo mẹ tại Hàn Quốc phá sản. Điều này đã làm công ty con là Daewoo E&C rất khó khăn về tài chính.
Tới năm 2012, thương vụ Hanel thâu tóm Daewoo mới được hé lộ nhưng thực chất, những người trong cuộc đã phần nào dự báo được viễn cảnh từ năm 2005. Trong năm 2005, dư luận chú ý khi Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Sài Đồng A với Công ty liên doanh Daewoo - Hanel.
 
Tổng vốn đầu tư của dự án là 152 triệu USD, trong đó vốn pháp định 45 triệu USD, phía Việt Nam (Công ty Hanel) sẽ góp 40% (18 triệu USD) bằng quyền sử dụng 407ha đất và phía nước ngoài (Công ty Daewoo E&C) góp 60% (27 triệu USD) bằng tiền.
Sau rất nhiều năm, Daewoo mới góp vốn vào liên doanh được 6 triệu USD, trong khi phía Hanel đã góp đủ 18 triệu USD bằng quyền sử dụng đất.
Không có vốn nên dự án bị tắc. Phía Daewoo đưa ra phương án sẽ thay thế phần góp vốn của họ cho 5 đối tác nước ngoài khác, nhưng Hanel không đồng ý và khẳng định đủ khả năng mua lại cổ phần nếu Daewoo không đảm bảo được tài chính.
Những khó khăn kể trên của cả Tập đoàn Daewoo nói chung và của phần vốn Daewoo tại Việt Nam nói riêng khiến cho Daewoo phải bán lại “mỏ vàng” đầy tiềm năng là khách sạn Daewoo, mà cụ thể hơn nữa chính là tổ hợp Daeha.
Daewoo là một trong những khách sạn nổi tiếng bậc nhất tại Hà Nội nằm trong tổ hợp Daeha. Công ty TNHH Daeha có vốn điều lệ 43,61 triệu USD. Trong đó, Công ty Hanel (phía Việt Nam) sở hữu 13,083 triệu USD, chiếm 30% vốn điều lệ (góp vốn bằng quyền sử dụng đất); Công ty TNHH Daewoo (Hàn Quốc) sở hữu 30,527 triệu USD, chiếm 70% vốn điều lệ.
Theo bản thỏa thuận giữa hai bên, trong tương lai, sẽ có sự điều chuyển vốn điều lệ từ Daewoo sang Hanel với lộ trình, năm 2017 sẽ chuyển 10% vốn điều lệ; năm 2031 là 5% và năm 2042 là 10%.
Sau nhiều năm phát triển, giá trị Daewoo tăng trưởng không ngừng. Trong năm 2012, giá trị tài sản ước tính của toàn tổ hợp Daewoo, bao gồm khu văn phòng, khu khách sạn và khu căn hộ đạt khoảng 431 triệu USD. Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, Daewoo chưa thực sự mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư.
Mở cửa từ năm 1996, sau 8 năm hoạt động, dự án bắt đầu có lãi nhưng tính gộp đến cuối năm 2009, liên doanh còn lỗ lũy kế hơn 3,167 triệu USD. Năm 2010, khu phức hợp có lợi nhuận 8,642 triệu USD và đây là năm đầu tiên các bên được chia lợi nhuận với số tiền hơn 5 triệu USD. Theo báo cáo tài chính 2010, Liên doanh có khoản nợ 53 triệu USD của Ngân hàng Woori Bank.
Có thể thấy, dù là một khách sạn nổi tiếng, Daewoo Hà Nội cũng không thoát được khủng hoảng kinh tế nổ ra từ năm 2007. Không biết có phải do không chịu được áp lực hay không mà tới tháng 7/2010, Daewoo thông báo kế hoạch bán toàn bộ 70% vốn tại liên doanh Daeha cho Lotte, một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, công ty Hanel xuất hiện khi thương vụ bán Daewoo cho Lotte tưởng như đã gần hoàn tất mọi thủ tục. Dù xuất hiện muộn hơn nhưng Hanel lại có nhiều ưu thế hơn Lotte dù năng lực tài chính của đại gia Việt thua xa ông lớn Hàn Quốc.
Tại Điều 14 trong Giấy phép đầu tư cấp cho Liên doanh, có một điều khoản về quyền “ưu tiên mua” thuộc về các đối tác trong Liên doanh. Điều đó có nghĩa, Daewoo bán cổ phần thì Hanel sẽ được ưu tiên mua, và ngược lại.
Không để Daewoo rơi vào tay ông lớn Hàn Quốc Lotte, Hanel rất nỗ lực hiện thực hóa quyền “ưu tiên mua” của mình. Chỉ sau khi Daewoo và Lotte ký biên bản ghi nhớ 2 tháng, Hanel đã đề nghị mua lại 70% cổ phần của Daewoo với giá 90 triệu USD và một số điều khoản hấp dẫn đi kèm.
Sau nhiều cuộc đàm phán, thương vụ này kết thúc khi Daewoo đồng ý nhượng cổ phần cho Hanel với giá được cho là 100 triệu USD. Đây chỉ là con số tin đồn vì những người trong cuộc chưa bao giờ chính thức lên tiếng về thương vụ này.
Theo báo chí Hàn Quốc, Công ty Hanel đã được bảo đảm tài chính để thực hiện thương vụ này từ Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) và một số doanh nghiệp nhà nước khác.
Có thể nói, trong cuộc chiến không cân sức với Lotte, Hanel đã vượt qua được đối thủ vào phút chót nhờ lợi thế “quyền ưu tiên mua”. Hay nói cách khác, chính “ao rau muống” đã giúp Hanel thâu tóm Daewoo.
Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Daewoo muốn xây dựng khách sạn tại Việt Nam. Tập đoàn này được giới thiệu một… ao rau muống để triển khai dự án. Theo đúng “mốt” thời điểm đó, Daewoo đã liên kết với một đối tác trong nước. Đó là Hanel.
Trong thời gian này, Hanel không có tiền nên Hà Nội phải giao đất cho Hanel để quy đất thành tiền đem đi đối ứng với Daewoo trong liên doanh theo tỷ lệ 30/70.
Dù lợi nhuận mang lại chưa cao nhưng Daewoo vẫn là một trong các mục tiêu đầu tư hấp dẫn của các đại gia. Ngay sau khi thương vụ Hanel thâu tóm Daewoo chưa hoàn tất, nhiều tổ chức đã lên tiếng muốn mua lại khách sạn này.
Trong giai đoạn dư luận xôn xao với tin đồn thâu tóm, công ty tư vấn bất động sản Soho Việt Nam cho biết công ty này nhận được yêu cầu của khách hàng đặt mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội. Có người sẵn sàng rút hầu bao cả trăm triệu USD để trở thành chủ Daewoo.
Hậu thâu tóm, khách sạn Daewoo vẫn hoạt động rất ổn định và vẫn được xem là một trong những khách sạn hàng đầu tại Hà Nội.
Thảo Nguyên (tổng hợp)

Bình luận(0)