Vấn đề này có thể chẳng ai để ý đến nhưng buộc Tòa án Lao động Liên bang Đức (Bundesarbeitsgericht) tại Erfurt phải thụ lý và ra phán quyết xem những chiếc răng vàng của người chết sau khi hỏa táng sẽ thuộc về ai. Thuộc về gia đình người đã khuất? Là tài sản thuộc sở hữu của chính quyền? Thuộc về ban quản lý lò thiêu nơi hỏa táng người quá cố? Hay được trao cho các nhân viên thiêu xác làm của riêng?
Kiếm được 31 kg vàng từ tro cốt
Chính lỗ hổng pháp luật đã giúp anh Walter L. và 8 đồng nghiệp làm việc tại lò thiêu Öjendorf, Hamburg, thu được một khối tài sản vô cùng lớn. Từ năm 2003 đến 2011, họ đã gói ghém được tổng cộng hơn 31 kg vàng bới tìm được từ tro hỏa táng những người chết. Họ mang đi bán và thu được gần 273.000 euro.
Sau cùng, vụ việc bị phát hiện và giám đốc cũ của lò thiêu đã buộc các nhân viên này ngay lập tức hoàn trả số tiền cho lò thiêu. Thế nhưng vấn đề thật nan giải khi Walter L. và nhóm bạn đã tiêu xài hết số tiền đó. Họ đã sắm xe hơi, đã bay sang Mexico du lịch và đã nướng hết vào các sòng bạc!
Riêng thủ phạm chính thì nay 56 tuổi, đã bị đuổi việc vào năm 2005 do không tuân thủ một quy định của lò thiêu từ hai năm trước đó. Nay ông này khẳng định chưa từng vi phạm bất cứ quy định nào về mặt pháp luật. Tòa án Hamburg cũng đã phán quyết rằng ông ấy vô tội khi lập luận rằng “cơ thể hoặc một phần cơ thể trong trường hợp này không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ đối tượng riêng nào cả”.
Tuy nhiên, ban quản lý lò hỏa táng không đồng ý và đã kháng kiện lên cấp cao hơn thuộc chính quyền Liên bang Đức. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trên thế giới.
|
Một lò thiêu tại Pháp. |
Răng vàng của người chết chưa biết giao cho ai
Tại Hàn Quốc, 6 nhân viên làm việc tại một lò thiêu bị bắt khi trộm và đem nấu chảy những chiếc răng vàng của những người quá cố đã được hỏa táng. Một nhân viên lò thiêu tại Seoul cũng từng lén giữ lại các trang sức bằng kim loại quý từ người chết để đem bán và thu được tổng cộng 20 triệu won.
Luật pháp tại Hàn Quốc vẫn không xác định rõ những mẫu vật bằng vàng từ cơ thể người chết sau khi được hỏa táng sẽ phải giao nộp về cho ai, còn cảnh sát thì cho rằng “việc cất giữ vàng một cách tùy tiện trong trường hợp này là hành động trộm cướp của những đối tượng sống ngoài vòng pháp luật”.
Cuộc điều tra trên đài phát thanh và truyền hình Thụy Sĩ SRF đã khám phá ra một số cơ sở hỏa táng tại nước này đã tự ý thu giữ vật dụng bằng kim loại quý từ tro người chết rồi đem đi bán lấy tiền. Thật vậy, các lò hỏa táng tại Rüti thuộc bang Zürich mỗi năm đã kiếm thêm được khoảng 5.000-7.000 franc Thụy Sĩ (4.130-5.780 euro) bằng cách này. Thành phố Freiburg thì luôn giữ lại các răng sứ titan của người chết rồi hợp đồng với một cơ sở kinh doanh để nấu chảy ra mang đi tiêu thụ.
Chính quyền TP Soleure còn đi xa hơn khi bỏ tiền mua một cỗ máy có thể tự động nhặt ra các vật liệu quý từ tro hỏa táng trong lò thiêu của địa phương. Trong một đất nước mà mỗi năm có khoảng 53.000 người chết được hỏa thiêu và theo một nghiên cứu tại Đức, tính trung bình mỗi cơ thể người chết có khoảng 2,2 g vàng, thì những người thiêu xác tại Thụy Sĩ sẽ có được tổng cộng 3,5 triệu franc (2,9 triệu euro).
Kể từ năm 2003, thành phố Paris của Pháp đã tổ chức giao cho một cơ sở chuyên môn đảm trách việc tái chế số kim loại quý thu được từ tro hỏa táng. Số tiền thu về sẽ được sung vào ngân quỹ các hiệp hội như hội “Những người chết trên đường phố” (Les Morts de la rue). Song luật pháp nước này cũng không có điều luật nào đề cập rõ ràng vấn đề này.
Từ thực tế trên và qua việc thu lợi quá trớn từ người chết của đối tượng người Đức sắp ra hầu tòa tại Erfurt nói trên, hẳn chính quyền sẽ phải gấp rút soạn thảo những quy định pháp lý rõ ràng và cụ thể trong vấn đề này. Bởi nếu không, khi hỏa táng hiện nay đang ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia thì không khéo số vàng thu được “một cách bất chính” từ người chết sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới.