Những tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở nước ngoài đang dần khẳng định vị thế cũng như mở rộng đầu tư ở Việt Nam bằng việc đầu tư mạnh tay, xây dựng các dự án tổ hợp kinh tế. Trong thời gian gần đây, rất nhiều các dự án của các "ông lớn" nước ngoài được phê duyệt, trong đó có nhiều chủ đầu tư "cỡ bự" ở Thái Lan. Sau khi xây dựng, những tổ hợp kinh tế này hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như mang lại nguồn doanh thu khủng cho các tập đoàn.
Tổ hợp công nghệ cao 1,5 tỷ USD của LG Electronics
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án tổ hợp công nghệ cao của LG Electronics tại khu Tràng Duệ thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Tổ hợp của LG Electronics sẽ được hưởng những ưu đãi tương tự các dự án đầu tư vào khu kinh tế ven biển như thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu tiên, riêng dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, thuế suất sẽ là 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án.
|
Tổ hợp công nghệ cao của LG hứa hẹn sẽ giải quyết 20.000 việc làm cho lao động trên địa bàn Hải Phòng và các vùng lân cận. Ảnh: Báo Xây dựng. |
Trước đó, LG ký hợp đồng thuê hơn 40 ha đất tại khu Tràng Duệ (thuộc quản lý của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc) và sẽ đầu tư 300 USD tại đây. Tuy nhiên, sau khi Tràng Duệ được bổ sung vào khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thì LG đã nghiên cứu lại và quyết định đầu tư lớn hơn cho dự án.
LG là tập đoàn chuyên sản xuất các thiết bị công nghệ điện tử dân dụng, truyền thông di động và thiết bị gia dụng với hơn 84.000 nhân viên làm việc trong 112 lĩnh vực, tại 81 công ty con trên toàn thế giới. Dự kiến, nhà máy của LG tại Hải Phòng đi vào hoạt động sẽ tạo thêm 20.000 việc làm cho lao động trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Tổ hợp công nghệ 3,2 tỷ USD của Samsung
Tiếp nối thành công của Tổ hợp công nghệ cao Samsung thứ nhất tại Bắc Ninh, dự án Tổ hợp công nghệ cao thứ hai của Samsung tại Thái Nguyên là dự án lớn có tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, bao gồm: Nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao, Nhà máy sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp. Ngoài ra, các công ty con của Tập đoàn Samsung sẽ đầu tư thêm các nhà máy sản xuất các loại linh kiện và điện tử, phụ tùng các sản phẩm di động, điện tử viễn thông công nghệ cao như máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số...
|
Dự kiến cuối năm 2013, nhà máy đầu tiên của Samsung ở Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Ảnh: Báo Kinh tế Việt Nam. |
Mục tiêu xây dựng nhà máy Samsung tại Thái Nguyên trở thành nhà máy số 1 thế giới sản xuất 100 triệu điện thoại và 1,5 triệu máy ảnh kỹ thuật số mỗi năm. Khi đi vào hoạt động cả hai Tổ hợp công nghệ cao của Samsung sẽ tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp khoảng 20 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam và góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử tại khu vực phía Bắc.
Dự án đã được khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, dự kiến cuối năm 2013, nhà máy đầu tiên của dự án sẽ đi vào hoạt động và thu hút khoảng 2.000 lao động, số lao động sẽ tăng lên 30.000 người khi tổ hợp đi vào hoàn thiện.
Tổ hợp lọc hóa dầu 30 tỷ USD của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan
Tổ hợp lọc hóa dầu tại Nhơn Hội (Bình Định) với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD được đánh giá là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FPI) lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.
Theo đề án, Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ có vốn đầu tư khoảng 25-30 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) sẽ tham gia khoảng 40%, số vốn còn lại sẽ xúc tiến, kêu gọi đầu tư các đối tác tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó sẽ ưu tiên cho các đối tác tại Việt Nam.
|
Các chuyên gia kinh tế Việt Nam đều nhận định, Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có tính khả thi cao khi triển khai xây dựng tại Bình Định. Ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Nguồn dầu thô của nhà máy sẽ được nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Tây Phi và Mỹ Latinh. Sản phẩm của nhà máy sẽ cung ứng cho thị trường các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc).
Tổ hợp có tổng công suất chế biến 660.000 thùng, tương đương 33 triệu tấn sản phẩm lọc hóa dầu mỗi năm. Sản phẩm tối đa hóa sản xuất hóa dầu gồm 6,5 triệu tấn olefins và chế phẩm; 3,7 triệu tấn dầu hóa dẻo và chế phẩm; 325.500 thùng sản phẩm xăng, diesel, nhiên liệu động cơ.
Khi dự án triển khai, ngoài đóng góp nguồn tiền lớn cho ngân sách sẽ giải quyết lao động trực tiếp từ 10.000 - 30.000, gián tiếp khoảng 100.000 lao động của Bình Định và vùng lân cận.
Hiện cũng có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi, sự cam kết của nhà đầu tư cũng như các bước để triển khai dự án. Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết ông tin tưởng vào vị thế và năng lực triển khai dự án của PTT. Theo tìm hiểu của địa phương, PTT có nền tảng vững chắc về hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu và hóa dầu, công suất lọc dầu hơn 1 triệu thùng mỗi ngày và 13,5 triệu tấn olefins, dầu hóa dẻo, các sản phẩm hạ nguồn hóa dầu. Ngoài bộ phận tiếp thị dầu và bộ phận kinh doanh quốc tế, PTT còn có một công ty bán hàng, tiếp thị riêng cho một số lĩnh vực ngành nghề trên thị trường tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, Bình Định cũng đã thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cho dự án với nhiều chuyên gia tên tuổi trong nước như TS. Trần Du Lịch, ông Trương Đình Tuyển, Man Ngọc Lý... Tháng 5/2014, PTT sẽ trình nghiên cứu khả thi chi tiết, trọng tâm là đánh giá hiệu quả thương mại, thiết kế kỹ thuật, cơ cấu tài chính, lựa chọn đối tác, đánh giá tác động đến an toàn môi trường…
Dự án xây dựng trong 4 năm, dự kiến khởi công vào đầu năm 2016 và đi vào hoạt động năm 2019. Nếu thành công, dự án trên sẽ là Tổ hợp lọc hóa dầu số 1 trên thế giới tại Việt Nam, có sức cạnh tranh lớn tại châu Á.
Dự án nhà máy nhiệt điện 2,26 tỷ USD của Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan
UBND tỉnh Quảng Trị vừa xác nhận, một nhà máy nhiệt điện 1.200 MW tại Quảng Trị sẽ được Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATI) đầu tư và đưa vào vận hành năm 2019. Dự án này được xây dựng tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm trong quy hoạch khu Đông Nam Quảng Trị.
|
Hợp đồng tư vấn lập Đề xuất đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị được ký kết từ hồi tháng 4 năm nay giữa EGATI và Viện Năng lượng Việt Nam (IEVN). Ảnh: IEVN. |
Nhà máy nhiệt điện tại Quảng Trị được xây dựng trên diện tích 450 ha, trong đó có 50 ha nằm ở ngoài biển. Công suất điện khoảng 1200 MW gồm 2 tổ máy mỗi tổ 600 MW. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 7,25 tỷ kWh. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với thời gian hợp đồng khoảng 25 năm sau đó bàn giao không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam.
Dự kiến, tổ máy số 1 đưa vào vận hành năm 2019 - 2020 và tổ máy số 2 đưa vào vận hành vào năm 2030.