Đủ chưa chắc đã sướng, giàu chưa chắc đã biết một bữa ngon đúng nghĩa và nhiều tiền chưa chắc đã đem được hạnh phúc về.
Người thứ nhất là M., tôi gặp lần đầu từ nhà anh trai mình ở Cần Thơ. M. khoảng năm mươi tuổi, ở góc độ sinh học, đây là tuổi quá chín, trên đỉnh, hay nói đang tàn là được. Nhưng M. trẻ hơn tuổi rất nhiều. Da mịn, mũi thanh, môi nét, mày nâu, mắt vành vạnh đẹp.
[links(right)]
Chị dâu ghé tai tôi ganh tỵ: “Dân doanh nghiệp nhiều tiền, các bà hay đi Sing, đi Nhật làm thẩm mỹ đó mà”.
Quả nhiên M. có vẻ đẹp của diễn viên Hàn Quốc, không mấy tự nhiên. Nhưng phải công nhận là đẹp, vẻ sang trọng hoàn hảo khiến đàn ông muốn sán lại gần và đàn bà thì muốn đứng xa xa ngắm trộm.
|
Tiền để mà chi, khối nhà người ta gia sản chưa bằng một chiếc ô tô nhà nó mà vợ chồng con cái quây quần bên nhau hàng đêm, cũng đâu có phải không ra con người! Tiền để chi mà nhiều vậy không biết! |
Từ dạo đó M. hay gọi cho tôi nói chuyện khào. Khào là phiếm, là tào lao, trên trời dưới biển. Nhưng thời gian là vàng bạc, câu ấy chí lý hơn hết với mọi doanh nhân.
Không thể không có nội dung trong những cú phôn của M. Bộc bạch, khoe vui, than buồn, nói lửng… tất cả đều dẫn đến một mục đích: M. muốn tâm sự, thế thôi.
Tôi làm tư vấn gia đình mười năm cho một tờ báo, những “nùi” tơ lòng khắp nơi gửi đến cho tôi qua thư bưu chính, qua e-mail, tuần nào cũng cho tôi nhìn thấy những góc đời, như tôi có nhiều con mắt khắp nơi. Nhưng điện thoại như M. thật hãn hữu.
Xem nào M. là con gái một cán bộ hồi kết, tốt nghiệp Đại học sư phạm Văn nhưng lao vào thương trường lúa gạo thời đất nước trở mình.
Chồng M. lúc ấy làm ở sở ngoại vụ, nhàn tản với mớ tiếng Nga lưng vốn. M. bắt đầu bị “guồng quay điều khiển” – từ của M. – khi để cho các nhà máy xay xát ở các tỉnh “bắt cóc” ngày và đêm của một người đàn bà trẻ.
Gạo trắng quá nên ham, mùi của thành quả chứ không phải mùi của tiền nó ngầy ngà thơm thảo. Báo hiếu cha mẹ hai bên, nuôi người của họ mạc, gây dựng cơ nghiệp cho em út và đẩy con lên bệ phóng…
Trong một lần vào kho kiểm tra, M. bị một bao gạo trượt vào xương sống. Người chồng lép vế được dịp chì chiết: “ thấy chưa, tiền vô đó, nhiều tiền để làm gì, thấy chưa?”.
M. than thở: Cái thứ xương sống tổn hại này chơi khăm em, gần chồng thì nó trở chứng mà xa chồng thì nó sân sẩn như thường!”.
Đó là những lúc M. điện thoại cho tôi dày hơn, hầu hết vào đêm khuya, khi tỉnh này khi tỉnh kia, khi Sài Gòn khi Hà Nội và có khi đang ở Thái Lan, ở Mỹ. Giọng nói, cách nói, nhịp thở, thậm chí mùi của nỗi niềm mà tôi nghe thấy cho tôi hình dung M. đang sắp ngã quỵ dưới cái ách của mình.
Người thứ hai là B.
Thiên ngộ viết lách đã cho tôi cơ hội với B. Một chuyến xe lên nhà B. trên phố trung tâm cho biết, đến công ty B. tham quan, về nhà B. ăn bữa cơm gia đình và được mời cộng tác.
Ấn tượng của tôi về B. thì la liệt, vì tôi là cái ngữ thích trữ chi tiết. Mùi thơm của chiếc ô tô B. đi nói với tôi về vẻ sành điệu của một bà chủ trẻ. Những món trang sức trên người B. thật tinh tế, vừa phải. ngôi nhà nép trong ngõ cạn ở trung tâm cho tôi sự phân vân:
B. giỏi giang hay may mắn? B. từ miền Bắc vào với hai bàn tay trắng, đi lên bằng mười năm bằng khôn lanh hay có bí mật nào? Những công ty của B. đi tắt đón đầu hay là chỗ rửa tiền của ai?
Bố mẹ B. như hai quản gia tận tụy, bữa cơm đặc trưng kiểu Bắc và càng sâu bên trong ngôi nhà, những căn phòng bí mật cứ mở ra, như thiên cung trên mặt dất không khiêm tốn chút nào. B. chỉ cho tôi ngắm một tủ giày hàng hiệu, những tủ áo váy có thể sánh với các ngôi sao Hollywood và những chiếc túi xách như một của hàng!
Tôi được mời spa trong phòng ngủ của B., thiên đường chắc cũng dễ chịu cỡ này mà thôi.
B. để tôi tự do với cơ ngơi của B. và nàng bảo tôi phải đi có việc. Tôi được bố mẹ B. mời trà trong phòng khách, ánh sáng êm đềm của khách sạn 5 sao và những chiếc tách, không biết tả thế nào nữa. Nhưng tôi vẫn thấy chạnh lòng, thiếu vắng?
Hỏi người đàn ông của B. đâu, các con của B. đâu, đang ở trường, hay là… Ông bố và bà mẹ chân quê ấy của B. bấy giờ mới bắt đầu câu chuyện của họ.
Rằng ông bà vào Nam thì được mà không ra Bắc được vì “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Chồng nó có trang trại cao su ở Bình Phước, chẳng mấy khi về, chồng một vương quốc, vợ một vương quốc, ai cũng muốn làm vua nên hai đứa hai nơi, một bữa cơm chung còn khó!
Con thì lớp 10 đã tống sang Anh, ăn học đến năm chục triệu đồng mỗi tháng, có mà điên! Đứa nhỏ mới tiểu học đã cho đi học trường Mỹ tại đây, có tiền tội gì đi trường công Việt Nam cho bọn họ hành! Vậy đấy! Nhà cửa như cung điện, chúng tôi mà ra Bắc thì bọn người làm có mà dọn sạch đồ!
Tiền để mà chi, khối nhà người ta gia sản chưa bằng một chiếc ô tô nhà nó mà vợ chồng con cái quây quần bên nhau hàng đêm, cũng đâu có phải không ra con người! Tiền để chi mà nhiều vậy không biết!
Cộng tác với B. vài lần tôi cũng tháo lui, vì công ty truyền thông của B. không phải là nơi mình có thể ký thác những vấn đề của báo chí nghiêm chỉnh.
Người thứ ba là T.
Một tiến sĩ ngữ văn kiêm giám đốc một công ty sách và thiết bị trường học. T. ở Hà Nội, hay tạt qua chỗ tôi mỗi khi bay vào Sài Gòn có việc.
Căn hộ có hệ thống chung cư cũ thì khỏi phải nói, những vũng nước mỗi khi triều cường hỏi thăm, rác lá đầy trong cống hở, những dây quần áo trong công viên bị chiếm dụng và những chiếc cầu thang bộ nhem nhuốc màu thời gian.
Nhưng lần nào T. cũng trầm trồ ngay khi thả mình xuống salon nhà tôi, em chỉ mong một thời gian như chị, túi tiền như chị và thời gian rộng của chị! Sao, em có nói ngược không đó? Nhìn cách T. thả lòng người, cách T. không trêu chọc chúng tôi. T. định nghĩa cuộc sống của chúng tôi là “tới cõi”.
Chỉ một thế hệ sau tôi mà đã quá khác. T. có tất cả nhờ Hà Nội: học lên dễ dàng, vào guồng bằng vài món bất động sản và từ đó gây dựng công ty.
Không biết từ bao giờ, người chồng của T. đứng lại bên ngoài cái guồng đó, cắm cúi với công sở và ngôi nhà mà anh ta bảo sẽ “sống chết cùng với nó” (chắc là tại hai đứa con của họ sinh ra tại đây). T. nhất quyết đánh đổi, cũng dễ hiểu thôi, cái ngõ ấy ô tô không ra vào được! Thế là tan.
Một người đàn ông khác xuất hiện, T. lập luận, tài giỏi gì thì cũng phải có người chống lưng chứ. Bắt đầu cảnh con anh con tôi. Anh còn đẽo tiền của T. để thầm lặng mua đất xây nhà cho vợ cũ của anh ở trong quê ra Hà Nội đổi đời. T. tặc lưỡi, thôi, dù gì họ cũng có với nhau ba mặt con!
Sau câu chuyện ấy T. tạt qua chỗ tôi thường hơn, bảo không thiết làm ra tiền, không thiết nhà cao cửa rộng, không thiết gì nữa cả.
Nhưng chẳng lẽ lại bỏ lửng anh chàng này nữa, chẳng lẽ có hai đứa con “chết đi với sự học trong nước”, chẳng lẽ đóng cửa công ty để hàng chục con người mất việc, chẳng lẽ…
Tôi vốn khâm phục những doanh nhân kiếm ra đồng tiền để nuôi người lao động. Họ như một đội quân đạp trên gai để tìm ra con đường nhỏ của mình. Hàng triệu con đường trên mặt đất chông gai.
Với nữ doanh nhân, tôi càng muốn nghiêng mình khâm phục. nhưng tiền là quyền lực, bập sâu vào nó như thể ngồi trên ngai, bước xuống không dễ, tìm được sự quân bình lại không dễ. chồng lánh, con rời, thời gian sống cho chính mình còn không có là chuyện khá thường xảy ra.
Tôi thường ngắm họ trên ti vi, trên sân khấu các giải thưởng và trên sân khấu cuộc đời, ngắm và không khỏi những suy nghĩ đàn bà khác nhau: Đủ chưa chắc đã sướng, giàu chưa chắc đã biết một bữa ngon đúng nghĩa và nhiều tiền chưa chắc đã đem được hạnh phúc về.
Đó là nghịch lý của việc làm ra tiền, nhưng biết làm sao!
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)