Điều bất ngờ là sếp ở những ngân hàng top hai lại được trả lương cao nhất trong số các ngân hàng.
Gần đây, hàng loạt nhà băng lớn đã tiến hành Đại hội cổ đông, đưa ra báo cáo hoạt động năm 2014, cũng như kế hoạch kinh doanh 2015. Những thông tin về mức thù lao, thưởng của các sếp ngân hàng theo đó cũng được tiết lộ.
3 trong số 4 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam là BIDV, Vietcombank và Vietinbank đều có mức chi lương, thưởng cho các lãnh đạo lên tới hàng chục tỷ đồng.
|
Ảnh: Internet |
Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trích 0,35% lợi nhuận sau thuế để chi trả thù lao cho các thành viên cấp cao. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank là 4.612 tỷ đồng, cao hơn 233 tỷ so với 2013.
Như vậy, với mức 0,35% lợi nhuận, các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này nhận 16 tỷ đồng. Trung bình mỗi sếp được nhận 1,345 tỷ đồng/năm, tương đương 112 triệu đồng/tháng/người.
Năm nay, Vietinbank đã đề xuất mức thù lao 0,36% lợi nhuận sau thuế năm 2015, tăng 0,04% lợi nhuận so với năm trước. Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 5.694 tỷ đồng.
Như vậy có thể ước tính, thù lao chi trả dự kiến năm nay ở mức 20,498 tỷ đồng. Trong trường hợp bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị sẽ quyết định mức thù lao phát sinh thêm.
Hay lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) năm 2014 là 4.992 tỷ đồng. Thù lao cho các thành viên cao cấp của nhà băng này là 0,38% lợi nhuận sau thuế. Tính cụ thể, mỗi sếp của BIDV nhận 1,45 tỷ đồng.
Năm 2015, mức thù lao cho các lãnh đạo của BIDV được nâng từ 0,38% lên mức 0,44%, cao hơn các nhà băng cùng quy mô.
Thay vì tính thù lao của các sếp dựa trên lợi nhuận sau thuế thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) xin thù lao và chi phí hoạt động năm 2015 ở mức 2% lợi nhuận trước thuế.
Theo kế hoạch của Sacombank, năm 2015, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng. Như vậy, ước tính Sacombank sẽ chi trả thù lao và chi phí cho các sếp khoảng 60 tỷ đồng. Trung bình mỗi sếp được nhận hơn 4 tỷ đồng/năm.
Không những vậy, ngân hàng này còn tiếp tục xin cơ chế trích thưởng 20% nếu vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà Đại hội đã giao sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ bắt buộc theo quy định cho năm tài chính 2015.
Theo thống kê của Báo Diễn Đàn Đầu Tư ngày 1/5, Sacombank là ngân hàng trả thù lao cao nhất năm 2014 và dự kiến tiếp tục là ngân hàng trả thù lao cao nhất năm 2015.
Dự kiến, trong năm 2015, hầu hết các ngân hàng đều đề xuất giữ nguyên hoặc tăng mức trích thù lao cho lãnh đạo từ lợi nhuận sau thuế. Giữa bối cảnh khả quan về tăng trưởng lợi nhuận năm nay, việc thu nhập của các sếp ngân hàng cao hơn năm 2014 là điều có thể xảy ra.