Hàng Việt ‘đem chuông đi đánh xứ người’
Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Matxcơva diễn ra từ 12/11-12/12/2015. Đã có gần 170 doanh nghiệp Việt tham gia hội chợ, đem tới giới thiệu, trưng bày khoảng 12.000 mặt hàng và sản phẩm dịch vụ, gồm các mặt hàng như: Hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp nhẹ; đồ gỗ, nội thất và trang trí; Hàng nông - thủy sản; Thủ công mỹ nghệ, quà tặng…
TH true MILK - tên tuổi lớn của ngành sữa Việt Nam cũng góp mặt giới thiệu những sản phẩm nổi bật nhất của mình.
Tại hội chợ, với các dòng sản phẩm sữa tươi phong phú, gian hàng của thương hiệu TH true MILK thu hút nhiều các khách tham quan đến xem và thử sản phẩm. Hầu hết khách hàng sau khi dùng thử đều yêu thích các dòng sản phẩm của thương hiệu này.
|
Gian hàng của TH true MILK nổi bật tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2015 tại Matxcơva và thu hút nhiều khách hàng Nga mua hàng ngay trong ngày đầu tiên. |
Trước đó, vào tháng 9/2015, TH true MILK cũng đã có dịp giới thiệu các sản phẩm sữa tươi sạch ở Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Mátxcơva 2015 và giành tới 7 giải thưởng (3 giải vàng, 3 giải bạc, 1 giải Đồng) trong cuộc thi Tasting contest - cuộc thi truyền thống của triển lãm này.
Theo ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại LB Nga, sau Hội chợ, các doanh nghiệp giới thiệu hàng nông sản, thực phẩm thì sẽ còn tiếp tục ở lại để làm việc thêm với các đối tác. Về hoạt động sản xuất, sẽ có một khu công nghiệp tại tỉnh Moscow trong thời gian tới. Trong đó, Tập đoàn Sữa TH true MILK đang lên kế hoạch đầu tư thành lập khu sản xuất tại Nga.
Kế hoạch dài hơi cho sữa Việt tại Nga
Đại diện TH true MILK cho biết: TH tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2015 tại Mátxcơva là muốn giới thiệu cho người dân Nga biết các sản phẩm sữa tươi sạch, tinh túy từ thiên nhiên của tập đoàn, để họ ‘quen mặt, biết tên’ một sản phẩm sữa Việt có chất lượng sánh tầm thế giới. Đồng thời đây là dịp để Tập đoàn giới thiệu sản xuất hiện tại tại trang trại TH true MILK, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới ở LB Nga. Điều này nằm trong chiến lược dài hơi nhằm đưa sản phẩm thương hiệu Việt đến với một nửa châu Âu (nước Nga chiếm phân nửa diện tích của châu Âu).
|
Gian hàng của TH true MILK nổi bật tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2015 tại Matxcơva. |
Để chuẩn bị cho cuộc ‘tổng tấn công’ vào thị trường Nga, từ tháng 7/2015, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã trực tiếp tiến hành khảo sát về khả năng triển khai dự án chăn nuôi và chế biến sữa tại Nga.
Tiếp đó, tháng 9/2015, cùng với sự kiện tham gia Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Mátxcơva, Tập đoàn TH đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Matxcơva (Liên bang Nga) để triển khai Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, vốn đầu tư 2,7 tỷ USD.
Và việc tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Matxcơva tiếp tục là bước chuẩn bị, tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác để dự án 2,7 tỷ USD sẽ chính thức được khởi công vào tháng 4/2016 ngay sau khi tuyết tan.
Chia sẻ với báo giới, bà Thái Hương rất tự tin về khả năng thành công của TH nói riêng và sữa Việt nói chung ở thị trường Nga.
Bà cho rằng, sữa Việt đang đứng trước một cơ hội rất lớn khi từ tháng 8/2014, Chính phủ Nga đã đưa ra lệnh cấm vận với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ châu Âu, trong đó có các sản phẩm từ sữa. Lệnh cấm này mới đây thậm chí đã được gia hạn tới tận tháng 7/2016. Dù sữa nội địa của Nga đã đã tăng trưởng 26% trong vòng một năm qua, với tổng đàn bò sữa vào khoảng 4,58 triệu con, cung ứng 16 triệu tấn sữa/năm, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Thị trường rộng mở và đó là cơ hội vàng cho TH “tiến quân” sang thị trường Nga.
Theo như kế hoạch của bà Thái Hương, công nghệ cao sẽ là chiếc chìa khóa vàng giúp khắc chế mùa đông băng giá ở nước Nga để bắt đầu từ giữa năm 2017, sản phẩm sữa TH đầu tiên sẽ hòa vào dòng chảy thị trường của xứ bạch dương. Và khi điều đó thành hiện thực, sữa Việt đã tiến thêm một bước dài trên bản đồ sữa thế giới.
Nhằm tạo cơ hội kết nối cung - cầu của doanh nghiệp Việt Nam và Nga, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2015 tại Matxcơva sử dụng cả 2 phương thức B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng). Sự kết hợp này sẽ tạo ra cơ hội để người bán và người mua tìm hiểu kỹ về nhu cầu, thị hiếu, phương thức hợp tác… giữa các bên. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể khai thác được thế mạnh từ các ngành hàng sữa, thực phẩm, cơ khí, công nghiệp năng lượng… của Nga.