Trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, cũng như nguy cơ phá sản của Tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Inc (Hàn Quốc), Tòa án trung tâm Seoul đã ra phán quyết cho phép Tập đoàn này được phép bán tòa nhà Landmark Tower (thuộc sở hữu của công ty Keangnam Vina, một công ty con của Keangnam Enterprises tại Hà Nội) để ứng phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện nay của tập đoàn này.
Theo thông tin hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phán quyết của tòa án về việc Keangnam được bán Landmark Tower là nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ. Ngoài ra, việc có thể tiến hành thủ tục “hồi sinh” công ty của Keangnam Enterprises và hai công ty con phụ thuộc rất lớn vào việc tập đoàn này có bán được Landmark Tower hay không bởi quy mô nợ của tập đoàn hiện đã ở mức trên 1 tỷ USD. Tòa nhà này là một trong những tài sản lớn nhất hiện nay của Keangnam ở nước ngoài.
Trước đó, cuối tháng 3/2015, Keangnam Enterprises đã phải nộp đơn lên Tòa án quận trung tâm Seoul để tham gia tiến trình “hồi sinh" công ty, theo đó tòa án sẽ tiếp quản quyền quản lý để xử lý các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính đến hạn và tiến hành cơ cấu lại công ty.
|
Landmark Tower (Hà Nội) đang là chiếc phao "cứu cánh" một phần cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng của tập đoàn Keangnam. |
Trước đây khá lâu, thông tin về việc tòa nhà Landmark (Hà Nội) bị rao bán đã rộ lên khá nhiều. Cuối tháng 4/2014, truyền thông Hàn Quốc đưa tin ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) là hai đơn vị bày tỏ ý định mua lại tòa nhà này.
Tuy nhiên, ngày 15/5, nhiều tờ báo Hàn Quốc đưa tin Quỹ QIA đã lên tiếng phủ nhận thông tin họ sẽ mua tòa nhà Landmark Tower (Hà Nội).
Hiện, Tập đoàn Keangnam gặp nhiều khó khăn về thanh toán cho các chủ nợ đứng đầu là bốn ngân hàng Shinhan, Woori, Nonghyup và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc.