GDP thấp hơn dự báo rất nhiều
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011. Kết quả các quý sau luôn cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%.
Như vậy, mức tăng cả năm thấp hơn dự báo (trước đó Tổng cục Thống kê đã dự báo GDP cả năm có thể đạt 5,2-5,3%). Con số này con thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu Quốc hội đề ra là 7-7,5%; 6,5-7% và mục tiêu cuối cùng là 6-6,5%.
Dư nợ tín dụng thấp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản đã khiến những hy vọng về sự khởi sắc của kinh tế những tháng cuối năm không đạt được. Cách đây hơn 1 tháng, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (Ciem) đã đưa ra dự báo GDP năm nay tăng khoảng 5,2%. Thế nhưng mức thực tế vẫn ít hơn khá nhiều.
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) nhận định: “GDP đạt được 5,03% đã là rất quý. Mục tiêu chính năm nay là kiềm chế lạm phát chủ yếu, tuy nhiên điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu 5 năm”.
Trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm.
CPI cả năm tăng 9,02% so với năm 2011
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2012 đã tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011. Bình quân cả năm 2012 tăng 9,02% so với cả năm 2011. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tháng 12/2012 so với tháng trước tăng cao hơn mức tăng chung là: May mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng; văn hóa, giải trí và du lịch; đồ uống và thuốc lá; hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
|
CPI 2013 rất phức tạp |
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; giao thông; bưu chính viễn thông.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (lương thực tăng 3,26%, thực phẩm tăng 8,14%, CPI bình quân chung tăng 9,21%), trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung (lương thực tăng 22,82%, thực phẩm tăng 29,34%, CPI bình quân chung tăng 18,58%).
Riêng nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011. Trong 2 năm qua, chỉ số giá nhóm giáo dục vẫn duy trì mức tăng cao (năm 2011 tăng 23,18%; năm 2012 tăng 17,07%) và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông vẫn duy trì mức giảm (Năm 2011 giảm 5,06%; năm 2012 giảm 1,11%)./.
Như vậy, mức lạm phát của Việt Nam năm nay chỉ tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng dưới 10% mà Chính phủ đặt mục tiêu, đảm bảo được mục tiêu của Quốc hội đề ra, bằng 1/3 con số tương ứng của năm 2011.
Tổng cục Thống kê khẳng định: Diễn biến giá năm nay có phần nào giống với diễn biến giá năm 2009 khi cùng cán đích ở mức dưới 7%, mặc dù năm trước đó là gần 20%.
Nhìn lại năm 2012, CPI tháng 12 chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011 nhưng là năm giá có nhiều biến động bất thường. Trong năm có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%. Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và 7).
Tại sao CPI năm nay bất thường?
Phân tích về sự bất thường của CPI năm nay, Ông Thức cho hay, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tháng 1 tăng 1,0% và tháng 2 tăng 1,37%) nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 (tăng 2,20%), chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chậm dần trong những tháng cuối năm cho thấy tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.
Bên cạnh tín hiệu vui từ kiềm chế được lạm phát, nền kinh tế cũng lần thứ 2 sau 20 năm (kể từ năm 1992) xuất siêu 284 triệu USD (Năm 1992 xuất siêu 40 triệu USD). Năm 2012, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, tăng cao hơn so với mục tiêu đề đầu năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2012 đã đóng góp 2,93 điểm phần trăm trong tăng trưởng 5,03% GDP của năm nay.
Đại diện Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê cho rằng, người dân thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hạn chế là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng thấp. Từ năm 2007 đến nay, CPI có quy luật hai năm tăng cao đến một năm tăng thấp. Điều này có nguyên do từ việc do sức mua suy giảm, người bán lẻ không dám tăng giá hàng hóa, dịch vụ để tiêu thụ hàng hóa. Nhưng giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng nên đến lúc nào đó không thể kiềm giữ giá bán, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng vọt, khiến CPI tăng cao liên tiếp.
Dự báo CPI năm 2013, Tổng cục Thống kê cho hay, việc dự báo rất phức tạp. “Theo lộ trình, một số hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục điều chỉnh giá như: giá dịch vụ y tế, giá than... Hiện nay, mới có 30/63 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá viện phí, còn 33 tỉnh nữa. Thực tế năm 2012, việc điều chỉnh giá nhóm hàng này đã tác động mạnh đến CPI”- vị đại diện Vụ Thống kê giá cho biết. Tất yếu của việc CPI tăng là đời sống của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình trở xuống bị ảnh hưởng.
BÀI ĐỌC NHIỀU:
TIN BÀI LIÊN QUAN: