Đại gia điện máy Topcare “gục ngã”?
Gần Tết Nguyên Đán, giữa lúc các hệ thống bán lẻ điện máy đang rầm rộ triển khai các chương trình khuyến mại “khủng” để vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm thì siêu thị lớn Hà Nội đột ngột đóng cửa. Trong đó, mới nhất là hệ thống siêu thị điện điện máy Topcare vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng.
Là một trong những “đại gia” điện máy, Topcare cho thấy quy mô lớn với 6 siêu thị tại Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… nằm tại nhiều khu phố sầm uất Hà Nội.
Các siêu thị thuộc hệ thống Topcare có vốn đầu tư “khủng”, từng được kỳ vọng là đối thủ đáng gờm của nhiều thương hiệu điện máy như Media Mart, Pico, Home Center. Tuy nhiên, trong 3 ngày trở lại đây, Topcare Minh Khai,
Topcare Cầu Giấy và Topcare Hoàng Minh Giám của "đại gia" này cùng ngưng hoạt động.
|
Khung cảnh vắng vẻ của Topcare Minh Khai sau khi đóng cửa. |
Với tổng diện tích sàn 12.000 m2, tập trung hầu hết các thương hiệu điện máy, gia dụng nổi tiếng, được khai trương vào năm 2009, Topcare tại 335 Cầu Giấy hiện tại không còn nhân viên bán hàng mà chủ yếu là các nhân viên an ninh túc trực. Siêu thị cũng dán thông báo “Tạm ngừng hoạt động vì lý do sửa chữa”. Cũng như nhiều địa chỉ khác thuộc hệ thống, Topcare Cầu Giấy chưa đưa ra thời gian chính thức sẽ quay trở lại hoạt động.
Mới khai trương vào đầu tháng 11/2014, “ngốn” số vốn đầu tư 30 tỷ đồng, song siêu thị Topcare số 1 Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ngày 26/1, nhân viên bảo vệ tại đây cho biết: “Mọi hàng hóa bên trong siêu thị đã được đóng gói, song chưa thể chuyển đi. Hiện tại, không có dấu hiệu gì cho thấy Topcare sẽ mở cửa trở lại”.
|
Topcare Hoàng Minh Giám "cửa đóng then cài". |
Với mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, mặt bằng gần 2.000m2 trưng bày và bán các sản phẩm điện máy, Topcare 463 Minh Khai chỉ trụ được 1 năm trước khi đóng cửa vào ngày 23/1 vừa qua. Từng được cho là đắc địa khi gần cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và khu đô thị Time city, Topcare Minh Khai được ví như "luồng sinh khí" mới, hứa hẹn trở thành một khu mua sắm sầm uất. Song hiện tại, toàn bộ hàng hóa phía trong siêu thị đã "bốc hơi" vì ngưng hoạt động.
|
Website chính thức của Topcare chỉ có chương trình khuyến mại từ dịp Giáng sinh và Tết dương. |
Hiện có rất nhiều thông tin đồn đoán về việc đóng cửa các siêu thị Topcare tại Hà Nội. Trong đó, một nguyên nhân đang được nhiều phương tiện truyền thông đưa ra, đó là Topcare đóng cửa vì nợ nần.
Theo thông tin trên BizLIVE, Topcare đã quá hạn thanh toán tiền mua hàng với Công ty Hòa Bình Alaska vào khoảng thời gian cuối tháng 10, đầu tháng 11/2014.
“Topcare không trả lời công văn và khi đến làm việc trực tiếp, họ từ chối tiếp xúc với chúng tôi. Tổng số công nợ Topcare hiện đang nợ là hơn 698 triệu đồng”- Ông Trần Anh Hà, đại diện Công ty Hòa Bình Alaska khu vực miền Bắc cho biết.
Hiện, cũng có thông tin cho rằng, khoản nợ của Topcare không chỉ tại các đơn vị cung ứng hàng hóa mà còn nợ tiền thuê mặt bằng đặc biệt là khoản nợ từ ngân hàng.
Sáng 26/1, đại diện Công ty CP Sản xuất Dịch vụ Xuất nhập khẩu Từ Liêm - đơn vị cho Topcare thuê mặt bằng tại Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, đơn vị của ông cùng Topcare đang trao đổi để có phương án tốt nhất giải quyết khoản nợ của Topcare khi thuê mặt bằng tại đây.
Sự việc này dấy lên câu hỏi, liệu chăng Topcare không chịu được “nhiệt” trên chặng đường cạnh tranh khốc liệt với đối thủ, làm ăn thua lỗ và đang bị siết nợ, buộc phải đóng cửa nhường lại sân chơi?
Hiện nay, Topcare chưa đưa ra thông tin chính thức cho việc ngưng hoạt động các cơ sở này tại Hà Nội.
Parkson Keangnam “đóng băng”
Trước Topcare, người dân Hà Nội cũng bất ngờ trước việc trung tâm thương mại Parkson Keangnam Landmark (đường Phạm Hùng, Từ Liêm) đột ngột đóng cửa cách đây chưa đầy 1 tháng.
|
Parkson Keangnam Landmark đóng cửa bất ngờ vào đầu tháng 1/2015 và không hẹn ngày trở lại. |
Trong 3 ngày từ 2 – 4/1, hàng loạt cửa hàng tại Parkson buộc phải chuyển tất cả hàng hóa ra khỏi trung tâm thương mại. Quyết định bất ngờ này khiến không ít tiểu thương trở tay không kịp và chịu nhiều thiệt hại do thời điểm này đang là cao điểm mua sắm cuối năm của khách hàng. Khi đóng cửa, Parkson cũng không đưa ra thời hạn rõ ràng sẽ mở cửa trở lại.
Lý giải nguyên nhân đóng cửa trung tâm thương mại này, trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội do ông Tiang Chee Sung, Tổng Giám đốc ký cho rằng, kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra. Parkson nhận thấy tiểu thương cũng bị thua lỗ lớn... nên phải đóng cửa.
|
Cảnh tượng không một bóng khách hàng tại TTTM Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành (quận 11, TP HCM). |
Điện máy Việt Long "ngã ngựa"
Đầu năm 2015 hai tên tuổi lớn, với nhiều năm “chinh chiến” trên thị trường kể trên đã ngưng hoạt động, không rõ ngày mở cửa trở lại, thì trong năm 2014, thị trường điện máy cũng chứng kiến nhiều tên tuổi lâm vào tình cảnh tương tự.
|
Việt Long Plaza từng là điểm đến được nhiều khách hàng ưa chuộng. |
Mặc dù đã có không ít kẻ "thập tử nhất sinh", cuộc chiến giữa các siêu thị vẫn ngày càng khốc liệt. Điện máy Việt Long đã từng “nổi tiếng một thời”, với rất nhiều điểm bán hàng tại Giảng Võ, Hà Đông, Trần Duy Hưng… Sau hơn chục năm “làm mưa, làm gió” trên thị trường, hàng loạt điểm bán hàng của thương hiệu này lần lượt bị khai tử trong năm 2013. Việt Long chỉ “cầm cự” được tại một điểm bán ở Ngô Gia Tự (Hà Nội), song hoạt động khá èo uột.
Theo một số nguồn tin, kho hàng của Việt Long đã bị ngân hàng siết nợ do không trả nợ đúng hạn. Sự lao dốc, kiệt quệ của Việt Long là điều khó tránh khỏi.