Những ngày gần đây dư luận xao xôn xung quanh vụ việc Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam được hưởng lương trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử. Với một nhân vật vừa bị TAND Tối cao tuyên y án tử hình vì tham nhũng (tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng") lại được hưởng lợi về kinh tế khi đang vướng vào lao lý khiến dư luận thấy hết sức vô lý và càng thêm bất bình.
|
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trong công văn trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã viện dẫn Luật Cán bộ, công chức và Nghị định 34/2011 của Chính phủ để lý giải việc trả lương cho Dương Chí Dũng. Theo khoản 3 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức: "Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật"), Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”), khoản 2 Điều 3 Nghị định 34/2011 quy định: Các hành vi bị xử lý kỷ luật: Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, Bộ GTVT ra quyết định buộc thôi việc với Dương Chí Dũng sau khi đối tượng bị TAND Tối cao tuyên phạt án tử hình là theo quy định nêu trên.
Công văn của Bộ GTVT tiếp tục viện dẫn khoản 4 Điều 4 Nghị định 34/2011 quy định các trường hợp chưa xem xét kỷ luật là “đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”. Nếu như trong vụ án sai phạm ở Vinalines, Dương Chí Dũng không bỏ trốn, bị bắt tạm giam ngay thì việc lý giải như trên xem ra chấp nhận được. Tuy nhiên khi biết mình bị khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã nhanh chân bỏ trốn và phải hơn 4 tháng sau Cơ quan điều tra mới bắt được. Như vậy, Dương Chí Dũng lúc này chưa thuộc trường hợp để áp dụng dụng theo khoản 4 Điều 4 của Nghị định 34/2011.
Việc Dương Chí Dũng bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự là một chuyện, nhưng đồng thời nó lại là một vi phạm khác mà đối tượng cần buộc phải cho thôi việc. Theo khoản 4 Điều 14 của Nghị định 34/2011, trường hợp buộc thôi việc "Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp".
Việc Dương Chí Dũng bỏ trốn khoảng hơn 4 tháng, lẽ ra cơ quan sử dụng công chức (Bộ GTVT) phải thực hiện thông báo 3 lần liên tiếp theo quy định, sau đó thấy nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vẫn bặt tăm thì phải tiến hành các thủ tục cần thiết để buộc thôi việc.
Nhiều vị luật sư sau khi nghiên cứu vụ việc đã cho rằng, trong trường hợp Dương Chí Dũng bỏ trốn, dù chưa biết anh phạm tội gì, pháp luật xử lý ra sao, nhưng việc tự ý nghỉ việc kéo dài là sai phạm mà thẩm quyền xử lý thuộc cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không hiểu và không làm như vậy nên Dương Chí Dũng vẫn được hưởng lương sau khi bị bắt theo lệnh truy nã.