Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ nông trại hoa Anh Quỳnh, phường 8, TP Đà Lạt cho biết, do thời tiết không thuận lợi, trời nóng ẩm nên phần lớn diện tích địa lan của gia đình ông hiện đã đâm chồi, đơm bông. Không riêng gì nhàông Quỳnh, tại nông trại hoa địa lan rộng tới 3ha của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, phường 7, 90% diện tích địa lan đã đơm bông vàng rực.
|
Địa lan Đà Lạt "cười" trước Tết hơn 3 tháng. |
Ra mở cửa cho chúng tôi vào, ông Nguyễn Văn Thành rầu rĩ nói: “Năm nay coi như hết Tết!...”. Dù đã có tới vài chục năm kinh nghiệm trồng địa lan nhưng năm nay, gia đình ông Thành vẫn phải chấp nhận thất bại. Từ giữa năm, nhận thấy thời tiết không thuận tiện, ông chủ vườn địa lan này đã tìm mọi cách để khống chế không cho hoa địa lan kết nụ, đơm bông nhưng bất thành.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, thất bại trong vụ hoa Tết này đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế của gia đình ông.
|
Ông Quỳnh buồn bã vì hoa nở trước Tết |
So với các loài hoa khác, trồng địa lan rất tốn kém, phải trồng trong nhà kính và thêm một lớp lưới để giữ ẩm. Đó là chưa kể tiền giống, phân bón, thuốc, nhân công, hệ thống tưới tiêu…. Hiện chi phí đầu tư cho mỗi sào địa lan (1.000m2) cho đến lúc được thu hoạch (5 năm) là không dưới 600 triệu đồng.
Điều may mắn nhất trong vụ hoa Tết năm nay là lãi suất ngân hàng mà gia đình ông vay thấp hơn những năm trước rất nhiều, nếu không thì “chỉ có nước phá sản”, ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa Anh Quỳnh, cho biết, bình thường mỗi vụ hoa Tết, trừ mọi chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 1 tỷ đồng/6000m2 địa lan. Bây giờ hoa nở sớm trước Tết cả 3 tháng, gia đình ông Quỳnh xác định “may ra thì vớt vát được chút đỉnh”.
|
Gốc địa lan trị giá cả chục triệu đồng nở không đúng Tết |
Thời tiết nóng bất thường cùng với việc nhuận hai tháng 9 đã khiến những gốc địa lan có giá hàng chục triệu đồng bung nở sớm, đẩy nhà vườn vào cảnh khó khăn.
Theo dự báo của người trồng địa lan, Tết năm nay loài hoa này chắc chắn sẽ khan hiếm, giá cả cũng sẽ theo đó mà tăng cao.