Những vụ lùm xùm lẫn tai tiếng xung quanh
đại gia Dũng “lò vôi” trong thời gian qua vẫn không thể khiến dư luận phủ nhận dấu ấn của ông đối với khu du lịch Đại Nam đình đám.
Từ anh cấp dưỡng trở thành đại gia
Đại gia Dũng “lò vôi” tên thật là Huỳnh Phi Dũng, sau này đổi lại thành Huỳnh Uy Dũng với mong muốn cuộc đời mình bớt sóng gió, gian nan. Ông sinh năm 1961, nguyên quán tại Bình Định. Chưa học hết lớp 12, ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Và chính công việc này đã nhen nhúm lên ý tưởng kinh doanh của ông
Ông Dũng lấy vợ, lập nghiệp và thành danh ở đất Sông Bé (cũ), nay tách tỉnh thành Bình Dương và Bình Phước. Theo những gì ông Dũng kể lại, thì ông thành công từ cái lò vôi chế tạo ra hợp chất thay thế ximăng trong xây dựng, cái tên Dũng "lò vôi" có nguồn gốc từ đây.
Tiếp đến, ông bán lò vôi đang kinh doanh phát đạt để về làm lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Thành Lễ, theo sự phân công của UBND tỉnh. Với tài năng siêu quần xuất chúng của mình, ông Dũng đã lèo lái từ một công ty đầy khó khăn trở thành một doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng đầu của tỉnh, từ đây ông có thêm mỹ hiệu khác là Dũng "Thành Lễ".
Vào giai đoạn 1990 – 1993, kinh tế đang ở thời kỳ sơ khai với nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ chưa được khai phá. Nắm bắt được điều đó, nhất là thực trạng nhiều nhà đầu tư dòm ngó mảnh đất Bình Dương, tuy nhiên nơi đây lại thiếu cơ sở hạ tầng để phục vụ công việc. Dám nghĩ dám làm, đại gia “lò vôi” bắt tay vào dự án và khởi điểm là Khu công nghiệp Bình Đường chính thức hoạt động vào năm 1994 với diện tích 16,5ha (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Tiếp sau đó là Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178,01ha , toạ lạc tại Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chính sự nhạy bén và liều lĩnh này đã làm nên tên tuổi cho đại gia Bình Dương - Dũng “lò vôi”. Các khu công nghiệp do ông làm chủ đều được nhà đầu tư đón nhận nhiệt liệt, đem về lợi nhuận khổng lồ đồng thời mở ra bộ mặt mới cho kinh tế Bình Dương thời kỳ mở cửa.
Hiện nay, ông Huỳnh Uy Dũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam . Được thành lập vào năm 1996, đến nay công ty này đã nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Dốc tiền bạc và tâm huyết vào KDL Đại Nam
Trong danh sách tài sản bạc tỷ của ông chủ “lò vôi” người ta không thể không nhắc tới Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Khu du lịch này từ khi ra đời đã tạo được tiếng vang rất lớn, thu hút sự chú ý của dư luận cả nước về độ hoành tráng và diễm lệ của nó. Ông chủ Đại Nam đã đặt vào khu du lịch này không ít tâm huyết lẫn tiền bạc.
Năm 2007, ông Dũng cho khánh thành khu du lịch Đại Nam Văn Hiến, với quy mô đầu tư 6 nghìn tỷ, trên khoảng diện tích hơn 700 hécta, chia thành hai giai đoạn khánh thành. Về sau, khu du lịch này được đổi tên gọi thành Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách UBND thành phố khoảng 7 km về hướng huyện Bến Cát (Bình Dương). Khu du lịch bao gồm nhiều công trình tiêu biểu như: Kim Điện, Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn, Biển nhân tạo Đại Nam, Đền thờ Đại Nam quốc tự…
Đây là khu du lịch khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực trong các cuộc tranh luận liên quan đến sắc thái văn hóa, tôn giáo... mà ông Dũng đã cho kiến tạo trong khu du lịch do mình làm chủ.
Khi ông đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu du lịch Đại Nam nhiều người bảo ông khùng. Thời điểm này, bất động sản đang “nóng”, nhiều đại gia làm ăn theo kiểu chớp nhoáng, đầu tư xây căn hộ hoặc đô thị để kiếm tiền nhanh trong khi ông với hơn 450ha đất nếu đầu tư xây khu đô thị bán, sẽ kiếm được rất nhiều tiền vậy mà không làm lại đi xây khu du lịch, tốn kém hàng ngàn tỉ đồng để thu về bạc lẻ.
Tuy nhiên, ông tâm niệm rằng xây dựng công trình này hoàn toàn không vì lợi nhuận mà mong muốn góp công sức để xây một công trình có ý nghĩa và sẽ không cho phép con cháu sau này đem công trình ra để chia chác, mua bán hay thế chấp ngân hàng.
Mặc cho mọi người cứ nói còn ông cứ làm. Khu du lịch rộng lớn được hình thành là chuỗi các đình, đền, tường thành, núi non, sông nước, biển nhân tạo, vườn thú, khu vui chơi giải trí... được xây dựng trải dài gần 20km.
Điểm nhấn của khu du lịch là Đền thờ Đại Nam được thiết kế với nhiều tượng, phù điêu dát vàng, tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trãi qua 4.000 năm. Gợi cho con người cùng hướng về cội nguồn, công ơn của tổ tiên.
Sắp tới, ông sẽ đầu tư xây dựng khu đền thờ hình chữ Vạn thật hoành tráng trong khu vực quãng trường rộng 18ha ngay trước Đền thờ Đại Nam với mong muốn để lại cho đời một công trình có ý nghĩa. Hàng năm, khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, khẳng định thành công lớn ở góc độ du lịch.
Để giải tỏa những cảm xúc đè nén trong lòng, ông cho khắc lên bia đá ngay trước Đền thờ Đại Nam bài viết “Thì ra vậy!” với nội dung: “Lại là một ước mơ ngu xuẩn nữa của “anh” chứ gì? Khi những người khác nói với tôi rằng: Tôi không thể làm chuyện này, chuyện nọ…Rằng tôi chỉ là một kẻ mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ và rồi tôi sẽ thất bại. Tôi cảm thấy bị tổn thương và tức giận, tôi đã dùng nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ. Một lần nữa xin trả lời: Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất! Thì ra vậy!!!”.
Sau khi khánh thành Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, vào tháng 9/2008, ông cho tổ chức “lời thề không nợ nần ai” và trong buổi lễ trước Đền thờ Đại Nam, trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào.
Lời thề của ông cũng bị cho là khùng vì chuyện vay mượn trong kinh doanh là chuyện bình thường của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông bảo rằng sở dĩ ông tuyên bố lời thề như vậy là để trói buộc mình không phạm bất cứ một sai lầm nào trong quãng đời phía trước.
Còn rất nhiều hành động gây sốc khác của ông Dũng khiến nhiều người không thể quên. Ví dụ như ông cho xuống giống trồng 4 sào lúa để tự cung cấp gạo để ăn. Hai hồ nuôi cá mỗi hồ rộng một mẫu cung cấp tôm, cá quanh năm. Trong khu vườn của ông có sẵn 2.000 cây dừa, 500 cây bưởi và rất nhiều loại cây hoa, quả khác đủ cung cấp trái và hoa cho thờ cúng tại Đền Đại Nam. Trong khu vườn này ông cũng trồng cây đậu phụng để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho Đền thờ.
Rằm tháng 7 của mùa vu lan vừa qua, ông giam mình suốt 2 ngày tụng kinh. Ít ai thấy ông xuất hiện giữa dòng đời vội vã bởi cuộc sống của ông hiện nay gắn liền với sách. Ông vừa hoàn thành cuốn sách: “Đại Nam văn hiến sử thi” từ thời dựng nước đến cuối triều Nguyễn, năm 1945. Ngoài ra, ông còn sáng tác tập sách Đại Nam tâm kinh, các bản Trường ca, Huyền ca Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, các bản dân ca…ca ngợi non song, đất nước, hướng về cội nguồn dân tộc. Đó cũng là một cách ông sẻ chia sự may mắn của ông cho đời.