Cổ phần EVN ế chỏng chơ đến không ngờ

Google News

Chưa biết đến bao giờ cuộc đấu giá cổ phần của EVN mới được tổ chức lại và EVN thoái được vốn khỏi lĩnh vực chứng khoán.

Trong khi đó, theo lệnh của Chính phủ về tái cơ cấu EVN, “ông lớn” này chỉ còn chưa đầy 6 tháng để thoái vốn ngoài ngành.
Co phan EVN e chong cho den khong ngo
Năm nay, cùng với việc EVN thoái vốn, mục tiêu của ABS là sẽ xóa sạch được lỗ lũy kế.
Theo đúng lịch thì hôm qua (4/6) diễn ra cuộc bán đấu giá cổ phần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS). Tuy nhiên, cuộc đấu giá đã bị hủy bỏ vì không có người đăng ký tham dự.
Ế chỏng chơ
ABS đã phải ra một thông báo hủy tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần do EVN sở hữu tại ABS. Thông báo này nêu rõ, theo Quy chế bán đấu giá cổ phần do EVN sở hữu tại ABS thì công ty này sẽ tổ chức phiên đấu giá vào ngày 04/6: “Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cổ phần (16h ngày 01/6) không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá”.
Theo Điều 13 Quy chế bán đấu giá cổ phần do ABS ban hành kèm theo Quyết định số 121 ngày 08/5/2015, “cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá và được coi là không thành công”. Như vậy, hiện EVN vẫn tiếp tục sở hữu 11,49 triệu cổ phiếu ABS, tương ứng 29% vốn điều lệ công ty.
Với tình hình thế này chưa biết đến bao giờ cuộc đấu giá bán cổ phần mới được tổ chức lại và EVN mới có thể thoái được vốn khỏi lĩnh vực chứng khoán. Trong khi đó, theo lệnh của Chính phủ về tái cơ cấu EVN, “ông lớn” này chỉ còn chưa đầy 6 tháng để thoái vốn ngoài ngành. Ngoài khoản mục 11,49 triệu cổ phiếu tại ABS, EVN còn phải hoàn thành việc thoái vốn tại Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu.
Vì đâu nên nỗi?
Ra đời từ năm 2006, ABS hồi đầu rất được kỳ vọng vì như chính họ tự giới thiệu, “có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cổ đông chiến lược: EVN – tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam; Ngân hàng TMCP An Bình – một trong mười ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) – tập đoàn sản xuất và đầu tư hàng đầu mang tầm quốc tế”!
Thế nhưng, cùng với sự trồi sụt của thị trường chứng khoán, ABS dần dần lâm vào cảnh khó khăn. Năm ngoái, tình hình bắt đầu có chút khởi sắc với khoản lãi 29 tỷ đồng, thế nhưng bao nhiêu đó cũng chưa đủ cho khoản lỗ lũy kế lớn kéo dài từ năm 2008 đến nay. Các cổ đông vì thế cũng chưa nhận được một đồng cổ tức nào kể từ năm 2008.
Hồi cuối tháng Tư vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ABS, đã có ý kiến đề nghị ban điều hành công ty xem xét có nên tiếp tục duy trì mảng tự doanh hay không vì nhiều năm liền lỗ triền miên, và chính khoản lỗ gần 100 tỷ vào năm 2008 cũng là do hoạt động tự doanh mà ra.
Trả lời thắc mắc này, theo ban lãnh đạo ABS, sau khoản lỗ khủng đó, Hội đồng quản trị công ty đã chỉ đạo thu hẹp hoạt động tự doanh, thận trọng giữ ổn định công ty. Năm nay, mục tiêu của ABS là sẽ xóa sạch được lỗ lũy kế với lợi nhuận dự kiến cả năm đạt 30 tỷ đồng. Nếu được như thế thì mừng cho ABS nhưng cũng thấy tiếc cho EVN.
Bỏ cả trăm tỷ đầu tư, 5 năm liền không được đồng cổ tức nào, đến khi buộc phải thoái vốn thì doanh nghiệp lại có dấu hiệu cân đối được!?
Theo PLVN

Bình luận(0)