Chiêu trò bán hàng trên mạng

Google News

Mỗi ngày có 1 triệu người sử dụng dịch vụ mua sắm cộng đồng (mua hàng theo nhóm hay "group on").

Mỗi ngày có 1 triệu người sử dụng dịch vụ mua sắm cộng đồng (mua hàng theo nhóm hay “group on”). Nhưng thực tế, có bao nhiêu người được hưởng lợi với món hàng giá rẻ đã mua?

Chị Huyền Trang (26 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) đặt hàng mua bộ sản phẩm Maybelline từ trang dealsoc.vn với giá 157.000 đồng cho 3 sản phẩm: mascara, má hồng và phấn nền. Sau khi nhận sản phẩm, đi so sánh với sản phẩm Maybelline chính hãng được bày bán ở các trung tâm thương mại và các siêu thị, chị nhận thấy sản phẩm mascara mà dealsoc giao không giống các chi tiết: đầu cọ mascara Maybelline của dealsoc bán làm bằng nhựa cứng, không phải bằng những sợi nhựa mềm, vỏ bên ngoài của mascara in lem nhem, không rõ xuất xứ, không ghi rõ công ty nào chịu trách nhiệm nhập hàng.

“Lúc tôi đăng ký mua sản phẩm này đã có gần 2.000 khách hàng khác đăng ký mua giống tôi và cũng chừng đó khách hàng mua phải sản phẩm “nhái”. Vậy mà dealsoc.vn làm lơ và lẳng lặng xóa mất thông tin về deal bán sản phẩm để chối bỏ trách nhiệm”, chị Trang bức xúc.

Lợi thế của những món hàng mua theo nhóm là giá rẻ, nhưng chất lượng thường không tỷ lệ thuận.
Lợi thế của những món hàng mua theo nhóm là giá rẻ, nhưng chất lượng thường không tỷ lệ thuận.

Còn chị Quỳnh Như (Q.Phú Nhuận) mua 3 hũ rong nho tươi với giá gần 300.000 đồng, hàng đóng gói ghi ngày 25/6, hạn sử dụng 15 ngày trên trang hotdeal.com. “Nhưng chỉ 1 ngày sau, rong nho tươi đã bị thối rữa. Khiếu nại không có kết quả, tôi đành phải vứt sọt rác”, chị Như cho biết.

Một nạn nhân khác là chị Tú Quỳnh (Q.8, TP.HCM), mua hai phiếu/voucher đi du lịch Campuchia trên web vndoan.com với giá 6,7 triệu đồng. Công ty gọi điện, xác nhận đơn hàng và các thông tin liên quan như họ tên, số lượng phiếu, địa chỉ giao hàng… Tuy nhiên, sau đó chị Quỳnh được thông báo là phiếu giả và bị từ chối sử dụng dịch vụ.

Trong khi đó, chị Trương Thị Bích Thùy (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết sau khi mua voucher của dealtreavel.vn, chị phải mất rất nhiều thời gian thưa kiện, đòi quyền lợi. Cụ thể, chị mua 2 voucher (290.000 đồng/voucher có trị giá sử dụng dịch vụ 1 triệu đồng/voucher ở quán bar). “Khi nhóm chúng tôi đến sử dụng dịch vụ ở đây thì bị từ chối thanh toán bằng voucher với lý do thiếu “dấu nổi”. Tôi phải trả bằng tiền mặt hơn 1,9 triệu đồng. Nhưng khi liên hệ với đơn vị phát hành voucher thì tôi lại nhận được… sự thờ ơ. Mất rất nhiều thời gian, công sức và sự hỗ trợ của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam tôi mới nhận được số tiền trên”.

Không dừng lại ở số ít những NTD nói trên, số lượng người mua phiếu/voucher “trắng tay” đang ngày càng dài ra vì khi mang ra sử dụng thì cửa hàng, quán ăn đã đổi chủ, chủ sau không chấp nhận phiếu của chủ trước, gọi đặt hàng không có hoặc sản phẩm quảng cáo không còn, muốn mua phải bù tiền.

Đánh vào tâm lý

Dạo quanh 4 trang web: nhommua.com, hotdeal.vn, muachung.vn và cungmua.com (hiện đang nắm tổng cộng 90% thị phần), chúng tôi ghi nhận các trang “group on” này sử dụng chỉ số “%” giảm giá để đánh vào tâm lý NTD.

Đơn cử như tại trang hotdeal.com quảng cáo kỳ nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm, phòng Madarin Suite dành cho 2 người tại Princess d’Annam Resort (Bình Thuận) giảm giá 80%, từ hơn 22 triệu giảm còn 4,5 triệu đồng. Để kiểm chứng, chúng tôi liên lạc đến số điện thoại của resort này để đặt phòng trực tiếp và được thông báo giá phòng chỉ có 5,325 triệu đồng. Thực chất giá rẻ hơn thì có, nhưng giảm 80% chỉ là chiêu thổi phồng.

Tương tự, cũng trên website này quảng bá tour Singapore - Indonesia 4 ngày 3 đêm giảm 50%, giá còn 3,89 triệu đồng. Tưởng là hấp dẫn nhưng thực chất giá này chưa bao gồm vé máy bay (từ 4,3 - 5,2 triệu đồng), tiền tip khoảng 60.000 đồng/ngày và hành trình đến đảo Batam (Indonesia) chi phí tự túc. Như vậy, tuy quảng bá là liên tuyến 2 nước nhưng chỉ là du lịch mỗi Singapore và giá tour Singapore phổ biến trên thị trường khoảng 8,7 triệu đồng.

Ngoài giá rẻ, những trang “group on” còn quảng bá bán sản phẩm thời trang “kiểu dáng” hàng hiệu như Gucci, Chanel, D&G, Levi’s, Versace… với giá rẻ nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với giá chỉ vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng làm nhiều NTD bị móc túi “oan” mà không thấy cơ quan quản lý xử lý, ngăn chặn.

Mua theo nhóm là mô hình 3 bên đều có lợi: nhà kinh doanh bán được hàng, nhà cung cấp dịch vụ hưởng chiết khấu và NTD mua được sản phẩm giá mềm. Từ tháng 6/2010, trang web phagia.com xuất hiện ở Việt Nam mở màn cho hình thức mua bán này. Sau đó, hàng loạt trang mua sắm tương tự xuất hiện và theo thống kê không đầy đủ, hiện nay đã có gần 100 trang web cung cấp hàng ngàn deal (hiểu nôm na là một thỏa thuận giá rẻ của doanh nghiệp đưa ra cho NTD thông qua một nhà cung cấp trên mạng).

(Nguồn: Thanh Niên)

Bình luận(0)