Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp đừng mơ sẽ có cuộc giải cứu bất động sản, cách thoát chết tốt nhất thời điểm này là giảm giá vì nguồn lực hiện nay của Chính phủ không đủ sức bơm tiền vào thị trường.
Trong khi doanh nghiệp địa ốc và Bộ Xây dựng liên tục kêu cứu, tìm giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vượt khó thì không ít ý kiến cho rằng chờ đợi những chiếc phao đột nhiên xuất hiện là điều bất khả thi.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức nhận xét: "Không ai có thể cứu nổi thị trường bất động sản lúc này, muốn cứu chỉ còn cách hạ giá. Ngày xưa lãi 10 đồng thì bây giờ lời 1 đồng thôi".
Theo ông Đức, thực tế không có tổ chức nào đủ sức bao bọc doanh nghiệp địa ốc thời điểm này vì bản thân Chính phủ cũng đang khó khăn. Doanh nghiệp nên tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, chủ động giảm giá.
"Xưa nay kịch bản kích cầu luôn đúng là bán giá rẻ nhất có thể. Cứ ra giá mềm thì sẽ có người mua, thậm chí không cần khuyến mãi màu mè vì tất cả đều được tính vào giá thành", ông nói.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ không thể tung liều dopping đại trà vào thị trường bất động sản mà chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở giá thấp. Ảnh: Vũ Lê |
Bầu Đức cho rằng, quan điểm người giàu ở nhà hạng sang đã trở nên cũ kỹ, lỗi thời. Giữa lúc thị trường khó khăn, doanh nghiệp cần tìm giải pháp phục vụ người ít tiền có cơ hội ở nhà khang trang. Theo ông Đức, chất lượng công trình không ngừng cải tiến, giá bán phù hợp và phương thức thanh toán linh hoạt là chìa khóa để doanh nghiệp vượt bão.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Doanh nghiệp địa ốc đừng kỳ vọng vào liều thuốc an thần hay kịch bản bơm tiền vào thị trường vì Chính phủ sẽ không chọn chủ đầu tư làm trung tâm".
Theo ông Nghĩa, nhiều năm qua thị trường bất động sản Việt Nam bị dẫn dắt, chi phối bởi các nhóm lợi ích chủ yếu là doanh nghiệp. Vai trò của luật pháp còn yếu. Quy luật thị trường vì vậy cũng chưa phát huy tác dụng, hệ quả là cán cân cung cầu mất cân đối. Lịch sử bất động sản thế giới cho thấy không có quy luật tự nhiên nào đủ sức cứu thị trường này. Nếu phát triển một cách tự nhiên, thiếu kiểm soát sẽ gây ra tổn thương lớn cho nền kinh tế.
"Thị trường địa ốc luôn cần bàn tay can thiệp của Chính phủ song điều này không có nghĩa là tung liều dopping đại trà. Nhiều khả năng Chính phủ chỉ tập trung tìm đầu ra cho phân khúc nhà ở giá thấp", chuyên gia này dự báo.
Ông Nghĩa phân tích, trong 9 tháng đầu năm 2012, tổng FDI đổ vào bất động sản đạt khoảng 6 tỷ USD, sau đó bị rút 2 tỷ nên chỉ còn 4 tỷ đôla và số tiền này cũng chưa chắc giải ngân được. Trong khi đó, dư nợ bất động sản ở các ngân hàng khoảng 15 tỷ USD. Điều này cho thấy địa ốc khủng hoảng thì nhà đầu tư trong nước chịu tổn thất nặng nề hơn khối ngoại.
"Để tránh tổn thương về mặt kinh tế và xã hội, Chính phủ chắc chắn sẽ có giải pháp cứu bất động sản một cách thận trọng", ông nói.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định vấn đề của bất động sản là đóng băng ở nhiều phân khúc khiến dòng vốn rất lớn ứ đọng lại trong thị trường này. Để giải bài toán tồn kho phải tìm đáp án cho đầu ra.
Chuyên gia này mổ xẻ, bất động sản đóng băng chủ yếu vì 2 lý do. Một là giá tăng quá cao trong thời gian thị trường nóng sốt. Hai là các doanh nghiệp quá chú trọng triển khai các dự án trung cấp và cao cấp, phân khúc ít người có khả năng mua để ở. Vì thế, muốn gỡ khó thị trường phải dịch chuyển vào phân khúc có khả năng thanh toán, một trong các giải pháp là giảm giá.
Tuy nhiên,ông Ánh cho rằng hạ giá bất động sản không thể mang lại hiệu quả nếu tiến hành đơn lẻ. Câu chuyện này cần có sự tham gia của nhiều nhân vật: doanh nghiệp (giảm lãi hoặc chấp nhận lỗ), nhà nước rà soát chính sách hỗ trợ (giãn thuế, điều chỉnh tiền sử dụng đất), ngân hàng ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà để ở.
Trong guồng quay này, doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cơ cấu sản phẩm vào phân khúc có giá mềm hơn, phục vụ số đông.
Theo quan điểm của ông Ánh, khái niệm cứu thị trường bất động sản cần được hiểu đúng bản chất. Điều này có nghĩa là gói giải pháp phải khách quan, không thiên về bên bán hay bên mua vì xét cho cùng đứng về phía nào cũng chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích.
Theo đó, giá nhà đất phải do thị trường quyết định dựa trên quy luật cung cầu. "Chỉ khi đặt lợi ích của nền kinh tế làm tiêu chí cứu bất động sản thì thị trường này mới có cơ hội phát triển bền vững", ông nói.
Theo Vũ Lê
VnExpress
[links()]