Tây Tạng - mảnh đất đầy huyền bí, xứ sở của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Đến nơi đây, chúng tôi được mục sở thị Potala - cung điện cao nhất thế giới. Ở độ cao trung bình gần 4000 m so với mực nước biển, không khí loãng và thiếu ôxy trầm trọng đã khiến không ít người bị choáng, ngất. Thuốc mà chúng tôi chia nhau uống để chống lại cảm giác kinh khủng mà độ cao gây ra là một loại hồng hoa của Tây Tạng. Người nặng thì được tiêm thuốc thẳng vào tĩnh mạch và truyền nước. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn lên đủ 300 bậc thềm để chiêm bái Potala vì biết rằng sẽ khó có cơ hội thứ hai tới nơi này. Dòng người đổ về thánh địa Lhasa- thủ phủ của Tây Tạng đều có một đích đến là Potala. Hình ảnh quen thuộc gặp trên đường là bóng áo nâu đỏ của các vị tu sĩ, là những người đàn ông, đàn bà Tạng với khuôn mặt đen đủi, khắc khổ, mải miết quay bánh xe mani, lần tràng hạt và lầm rầm đọc kinh. Lòng mộ đạo khiến người Tạng có thể “tam bộ nhất bái”- ba bước vái lạy một lần- hay “nhất bộ nhất bái”- một bước vái lạy một lần. Cách vái lạy của người Tạng là “ngũ thể nhập địa”- họ chắp tay quá khỏi đầu, hạ xuống trán, cằm, ngực vái lạy rồi phủ phục toàn thân xuống mặt đất thành kính. Họ cứ bộ hành như thế không biết bao tháng ngày trôi đi, qua bao núi cao đèo sâu để về đến thánh địa Lhasa bái Phật. Cung điện nổi tiếng Potala nguy nga tựa lưng vào một dãy núi, toạ lạc ngay giữa thủ phủ Lhasa ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển. Đây là cung điện cao nhất thế giới. Với Bạch Cung và Hồng Cung, Potala cao tới 117m gồm 13 tầng lầu cùng 1.000 phòng ốc, hơn 10.000 bàn thờ các chư Phật, 20.000 tượng tạc khắc đủ kiểu dạng… Kỳ quan tôn giáo này được công nhận là di sản thế giới năm 1994.
Hồng Cung (Red Palace), tường đắp màu son đỏ mà theo văn hoá người Tạng đó là biểu trưng quyền lực, là nơi đặt kim tháp (mộ táng của các Đạt Lai Lạt Ma được làm bằng vàng) và cũng là nơi ngự trị quyền lực chính trị và tôn giáo cao nhất của Tây Tạng trong quá khứ. Còn Bạch Cung (White Palace) có tường đá trát đất sét trắng, được người Tạng coi là biểu tượng của hoà bình, là nơi sinh hoạt của các Lạt Ma khi còn tại vị. Ước tính mỗi ngày có hàng nghìn người đến thăm Potala. Đông nhất vẫn là người Tạng. Đến bất cứ gian thờ nào, những người trung niên và người già trong trang phục Tạng cung kính “ngũ thể nhập địa”. Họ cứ liên tục chắp tay từ trên cao rồi cúi rạp người xuống đất, mọi giác quan đều hướng về đức Phật. Thật khó tin, một đêm, người Tạng “ngũ thể nhập địa”, bái Phật tới 10.000 lần như thế! Dẫu Potala giờ được coi là một bảo tàng nhưng sự uy nghi, linh thiêng của nó dường như chưa bao giờ mất đi trong lòng người dân Tây Tạng.
Tây Tạng - mảnh đất đầy huyền bí, xứ sở của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Đến nơi đây, chúng tôi được mục sở thị Potala - cung điện cao nhất thế giới. Ở độ cao trung bình gần 4000 m so với mực nước biển, không khí loãng và thiếu ôxy trầm trọng đã khiến không ít người bị choáng, ngất. Thuốc mà chúng tôi chia nhau uống để chống lại cảm giác kinh khủng mà độ cao gây ra là một loại hồng hoa của Tây Tạng. Người nặng thì được tiêm thuốc thẳng vào tĩnh mạch và truyền nước. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn lên đủ 300 bậc thềm để chiêm bái Potala vì biết rằng sẽ khó có cơ hội thứ hai tới nơi này.
Dòng người đổ về thánh địa Lhasa- thủ phủ của Tây Tạng đều có một đích đến là Potala. Hình ảnh quen thuộc gặp trên đường là bóng áo nâu đỏ của các vị tu sĩ, là những người đàn ông, đàn bà Tạng với khuôn mặt đen đủi, khắc khổ, mải miết quay bánh xe mani, lần tràng hạt và lầm rầm đọc kinh.
Lòng mộ đạo khiến người Tạng có thể “tam bộ nhất bái”- ba bước vái lạy một lần- hay “nhất bộ nhất bái”- một bước vái lạy một lần. Cách vái lạy của người Tạng là “ngũ thể nhập địa”- họ chắp tay quá khỏi đầu, hạ xuống trán, cằm, ngực vái lạy rồi phủ phục toàn thân xuống mặt đất thành kính. Họ cứ bộ hành như thế không biết bao tháng ngày trôi đi, qua bao núi cao đèo sâu để về đến thánh địa Lhasa bái Phật.
Cung điện nổi tiếng Potala nguy nga tựa lưng vào một dãy núi, toạ lạc ngay giữa thủ phủ Lhasa ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển.
Đây là cung điện cao nhất thế giới. Với Bạch Cung và Hồng Cung, Potala cao tới 117m gồm 13 tầng lầu cùng 1.000 phòng ốc, hơn 10.000 bàn thờ các chư Phật, 20.000 tượng tạc khắc đủ kiểu dạng… Kỳ quan tôn giáo này được công nhận là di sản thế giới năm 1994.
Hồng Cung (Red Palace), tường đắp màu son đỏ mà theo văn hoá người Tạng đó là biểu trưng quyền lực, là nơi đặt kim tháp (mộ táng của các Đạt Lai Lạt Ma được làm bằng vàng) và cũng là nơi ngự trị quyền lực chính trị và tôn giáo cao nhất của Tây Tạng trong quá khứ. Còn Bạch Cung (White Palace) có tường đá trát đất sét trắng, được người Tạng coi là biểu tượng của hoà bình, là nơi sinh hoạt của các Lạt Ma khi còn tại vị.
Ước tính mỗi ngày có hàng nghìn người đến thăm Potala. Đông nhất vẫn là người Tạng. Đến bất cứ gian thờ nào, những người trung niên và người già trong trang phục Tạng cung kính “ngũ thể nhập địa”. Họ cứ liên tục chắp tay từ trên cao rồi cúi rạp người xuống đất, mọi giác quan đều hướng về đức Phật. Thật khó tin, một đêm, người Tạng “ngũ thể nhập địa”, bái Phật tới 10.000 lần như thế!
Dẫu Potala giờ được coi là một bảo tàng nhưng sự uy nghi, linh thiêng của nó dường như chưa bao giờ mất đi trong lòng người dân Tây Tạng.