Một buổi tối mùa xuân tại thành phố Ypres nước Bỉ, đại úy Alfred Oliver được giao nhiệm vụ canh giữ một chốt chặn quan trọng, đề phòng quân Đức tràn sang. Gió mát thổi nhẹ, Alfred mắt díu lại, thầm nghĩ một đêm buồn tẻ nữa lại trôi qua.
|
Một binh sĩ bị bỏng khí mù tạt. |
Ở phía bên kia chiến tuyến, một tốp lính Đức hơn trăm tên đang lúi húi chuẩn bị thứ gì đó. Chúng châm lửa đốt và mảng khói đặc màu vàng bay vào không khí, lan nhanh nhờ gió thổi. Luồng gió mang theo khí lạ nhằm thẳng hướng Alfred và đồng đội đang canh gác. Alfred không biết chuyện gì xảy ra vì chẳng hề nghe thấy bất kì tiếng động nào. Không gian như ngừng trôi.
|
Binh sĩ Bỉ đeo khẩu trang đề phòng khí độc. |
Ánh trăng sáng tỏ trên cao soi rõ cảnh vật tĩnh mịch dưới đất. Alfred vẫn thấy rõ từng thân cây, ngọn cỏ, từng chuyển động nhỏ dưới ánh sáng ngày rằm. Đột nhiên, ông thấy mắt nhòe đi khủng khiếp và nước mắt tuôn như mưa. Ông không hề nhớ nhà nhưng sao lại đổ lệ nhiều tới vậy?
Alfred thấy khó thở, ông chạy nhanh vào hào trú ẩn. Những người lính chiến đấu của ông ôm ngực, chạy nhanh xuống hầm. Họ thở khò khè. Có người nằm vật ra đất, mắt nhắm nghiền. Họ không nói được gì, chỉ biết kêu than đau đớn. Một số người tắt thở tại chỗ. Số khác quằn quại, kêu la. Alfred không hiểu chuyện gì diễn ra.
|
Mặt nạ phòng độc của binh sĩ thời thế chiến 1. |
Sự kiện lạ xảy ra vào tháng 4.1915 này được Alfred miêu tả lại trong cuốn “Kí ức của một người lính thế chiến”: “Hàng trăm bạn bè chiến đấu của tôi thiệt mạng. Họ nghiến chặt môi, nôn mửa và ngất xỉu. Có người không chết nhưng chịu đau đớn quá lâu cũng qua đời vì kiệt sức. Không khí sặc mùi hăng nồng. Mắt ai cũng cay xè. Miệng tôi đắng nghét, đầy mùi kim loại”.
“Sát thủ vô hình” đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó ngay từ Thế chiến 1.
Lần đầu sử dụng
Tháng 8.1914, chỉ hai tháng sau khi Thế chiến 1 diễn ra, quân Pháp đã mang ra chiến trường một loại vũ khí ghê gớm mới chưa từng xuất hiện. Mục tiêu sử dụng của loại vũ khí này chính là phát xít Đức, trong bối cảnh xung đột quân sự leo thang.
Loại vũ khí kì dị của quân Pháp khiến lính Đức khó thở, buồn nôn và ngất xỉu tại chỗ. Những người lính này ngã ra đất như ngả rạ và không thể chống cự. Từ thời điểm này, khí độc - một vũ khí hóa học với tính sát thương cao - lần đầu tiên được sử dụng trong lịch sử chiến tranh loài người.
Hít phải là chết
Loại khí độc đầu tiên được dùng là “khí độc hơi cay”, khiến đối phương hít phải sẽ đổ nước mắt liên tục. Khí hơi cay sẽ khiến miệng, phổi và họng người tiếp xúc bỏng rát và rất khó thở. Tiếp xúc lâu với loại khí này sẽ gây ra hội chứng mù tạm thời và phải mất 30 phút nạn nhân mới có thể bình phục. Trong thực tế, lần đầu tiên sử dụng khí độc hơi cay không có được hiệu quả như mong muốn.
Loại khí độc mạnh hơn được quân Đức dùng là khí clo, sử dụng trên phạm vi lớn tại thành phố Ypres (Bỉ) tháng 4.1915. Khí clo đậm đặc hơn không khí 2,5 lần, có màu xanh nhạt và mùi như thuốc tẩy. Nhiều binh sĩ mô tả nó “như mùi dứa và hạt tiêu trộn lại”. Khi phản ứng với nước trong phổi, khí clo tạo ra axit hydrochloric và khiến nạn nhân chết nhanh chóng. Ở hàm lượng thấp, khí clo gây ho, nôn mửa và bỏng mắt.
Ngay trong lần đầu tiên sử dụng, khí clo đã gây chết người. Những binh sĩ của Bỉ không sử dụng mặt nạ hơi cay đã bị giết chết ngay lập tức. Ít nhất 5.000 lính tử nạn trong lần đầu tiên khí clo được sử dụng. Quân Đức không lường trước khả năng của khí độc clo nên không dồn quân vào chiếm thành phố khi lượng lớn binh sĩ Bỉ tử nạn.
Vấn đề lớn nhất với khí clo là nó rất dễ bị phát hiện do có mùi đặc trưng và màu xanh khi bay trong không khí. Do khí clo hút nước nên binh sĩ có thể chống lại chất độc này bằng cách sử dụng tấm giẻ tẩm nước để trước mũi.
Quân Anh từng tìm cách sử dụng khí clo ở thành phố Loos tại Pháp. Tuy nhiên, khí clo bay ra đổi hướng do gió thổi ngược và khiến quân Anh tổn thất không nhỏ sinh lực.
Loại khí làm phổi ngập nước
Khí độc phosgene là loại tiếp theo được sử dụng trong chiến tranh hiện đại. Lần đầu tiên nó được sử dụng là vào tháng 12.1915. Quân Đức chọn loại khí độc này vì nó không màu và có mùi cỏ khô.
Để phát hiện được mùi của khí phosgene, nồng độ của khí này phải đạt mức cao. Phosgene phản ứng với protein trong các túi phổi và khiến máu không thể lưu thông dẫn đến chết ngạt. Khí độc này mạnh hơn clo và các triệu chứng mất khoảng 48 tiếng để kết thúc. Tác động ngay lập tức của nó là ho, ngứa mắt và khó thở. Phosgene khiến phổi ứ nước và làm nạn nhân tử vong.
Theo đánh giá của tờ BI, hơn 85% trong tổng số 91.000 ca chết vì khí độc hồi Thế chiến 1 là do khí độc phosgene gây ra. Con số chính xác chưa thể đưa ra vì quân đội các nước thường trộn phosgene cùng khí clo để gây hiệu quả mạnh hơn một đơn chất.
Lí do trộn các hợp chất là bởi sau một thời gian chiến tranh, nhiều binh sĩ tự trang bị cho mình mặt nạ chống độc. Để buộc đối phương tháo mặt nạ phòng độc, trong khí độc phải chứa chất clo khiến họ hắt hơi, sổ mũi hoặc ngứa mắt. Khi tháo mặt nạ ra dụi mắt, khí phosgene sẽ phát huy tác dụng giết nạn nhân.
Cứ phồng rộp da là chết
Một trong những loại khí phổ biến nhất trong chiến tranh hiện đại là khí mù tạt sulphur. Khí mù tạt gồm nhiều loại chất khác nhau, thường là không màu nhưng có mùi tỏi hoặc hơi hăng. Khí độc này khiến da phồng rộp và bỏng nếu tiếp xúc. Điểm đặc trưng là những chỗ phồng rộp có chất dịch màu vàng bên trong.
Khí mù tạt nguy hiểm chính vì không có triệu chứng cụ thể. Ở thời điểm da bắt đầu mẩn ngứa và phồng rộp, đó là lúc nạn nhân biết mình sắp chết. Khí mù tạt có hiệu quả rất lớn vì khi binh sĩ tiếp xúc khí này, họ sẽ mất khả năng quay lại chiến trường đánh nhau. Những người còn sống cũng dễ mắc ung thư hơn sau khi về già.