Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ sau khi được bầu và đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ HĐNQ lần thứ nhất từ năm 2014-2016. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, về công tác chuẩn bị của Phái đoàn cũng như các ưu tiên, đề xuất, sáng kiến của Việt Nam tại khóa họp.
|
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Xuân Hoàng/Pv TTXVN tại Geneva |
- Sau khi Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025, Đại sứ có thể cho biết về một số công tác chuẩn bị của Phái đoàn cho việc đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ LHQ bắt đầu từ năm nay?
- Ngay sau khi Việt Nam được bầu làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 tại cuộc bầu cử ở Đại hội đồng LHQ ngày 11/10/2022, Phái đoàn đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cả về tìm hiểu, củng cố thông tin, nghiên cứu công tác đặt ra đối với HĐNQ trong thời gian tới, và tham vấn với đại diện các nước tại Geneva về dự kiến các vấn đề ưu tiên, đề xuất, sáng kiến nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực để phục vụ cho xây dựng và triển khai Kế hoạch Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 3 năm từ 2023-2025. Trên cơ sở quá trình tích cực tham gia HĐNQ những năm qua, Phái đoàn chúng tôi ở Geneva cùng các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan ở trong nước đã và đang thường xuyên đánh giá, nghiên cứu tình hình, kinh nghiệm thực tiễn của ta và một số nước trong tham gia công tác HĐNQ.
Tuy nhiên, do tình hình thế giới liên tục diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, đặc biệt trước những thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… nên công tác của HĐNQ cũng có những vấn đề mới, đòi hỏi cần có sáng kiến, giải pháp, cách tiếp cận cân bằng về quyền con người trong bối cảnh ứng phó với các thách thức toàn cầu, khu vực, nhằm bảo đảm tính phổ quát và không thể chia cắt của các quyền con người, bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
Bối cảnh thế giới thời gian qua và dự kiến giai đoạn tới cho thấy công tác của HĐNQ ngày càng gia tăng cả về khối lượng và độ phức tạp, tăng các phiên họp, thảo luận, báo cáo. Để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, Phái đoàn cũng kiến nghị về tăng cường sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ giữa Phái đoàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trong nước cũng như với các Phái đoàn các nước ASEAN và các đối tác khác tại địa bàn Geneva.
Đặc biệt, khi Việt Nam và các nước trên thế giới đứng trước thách thức toàn cầu cấp bách về biến đổi khí hậu, để tiếp tục phát huy sáng kiến của Việt Nam về quyền con người và biến đổi khí hậu, Phái đoàn cũng tích cực tham vấn, đánh giá kinh nghiệm, tình hình và tiếp tục thúc đẩy sáng kiến, duy trì vai trò của Việt Nam ở HĐNQ trong vấn đề này, trước mắt là trong nhiệm kỳ 2023-2025.
- Những quan tâm và ưu tiên chính của Việt Nam tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 HĐNQ là gì thưa Đại sứ?
- Việt Nam đã tích cực cùng các nước tiến hành công tác chuẩn bị cho Khóa họp 52 HĐNQ như trên nêu trên, và sẽ tiếp tục tích cực tham vấn, tham gia thảo luận, có các bài phát biểu, đồng thời tham dự các hoạt động trong suốt Khóa họp. Sự tham gia của Việt Nam tại Khóa họp là nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đề cao hợp tác đa phương và vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu, đề cao chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm, hướng đến phát triển bền vững, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng lợi ích mang lại từ phát triển.
Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của HĐNQ, nâng cao hiệu quả của HĐNQ nhằm mục đích chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người, đồng thời chú trọng vào các chủ đề ưu tiên chính của ta như bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; bình đẳng giới; quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương; quyền con người trong thời đại chuyển đổi số; Quyền sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm; Quyền được có việc làm tử tế; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, trong đó có giáo dục về quyền con người.
Nhân dịp năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna – là hai văn kiện quốc tế nền tảng quan trọng về quyền con người, Việt Nam sẽ cùng với các nước tham vấn, trao đổi về sáng kiến, hoạt động của HĐNQ về chủ đề này. Đặc biệt, với tư cách thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 sau khi thắng cử tại Đại hội đồng (ĐHĐ LHQ) tháng 10/2022, Việt Nam sẽ cùng 46 nước thành viên khác của HĐNQ quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐNQ, bao gồm các vấn đề lớn của Khóa họp như bỏ phiếu các dự thảo nghị quyết trong đó có khuyến nghị đối với các quốc gia, cũng như việc lập hoặc bổ nhiệm cơ chế nhân quyền của HĐNQ. Đồng thời, Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với đại diện các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, dự thảo nghị quyết, đồng bảo trợ một số sáng kiến để HĐNQ thông qua tại cuối Khóa họp vào đầu tháng 4 tới, trên tinh thần thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho mọi người, góp phần cùng các nước bảo đảm hoạt động của HĐNQ phù hợp với Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
- Được biết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ có tham dự Phiên họp Cấp cao Khóa họp 52 HĐNQ, Đại sứ có thể cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác của Phó Thủ tướng lần này?
Việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Phiên họp Cấp cao của HĐNQ (diễn ra từ ngày 27/2 - 2/3/2023) có ý nghĩa quan trọng. Phiên họp cấp cao này nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, một trong 3 trụ cột chính của LHQ, cùng với các trụ cột hòa bình - an ninh và phát triển. HĐNQ, Cơ quan liên chính phủ gồm 47 quốc gia thành viên trực thuộc ĐHĐ, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ. Chương trình nghị sự của HĐNQ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn về quyền con người của các nước và các nhóm nước thuộc các khu vực địa lý, với đặc thù và cấp độ phát triển kinh tế khác nhau.
Phiên họp Cấp cao của Khóa họp 52 HĐNQ là khóa họp quan trọng nhất thường niên, một trong ba khóa họp thường kỳ hằng năm của HĐNQ, mở đầu năm công tác của HĐNQ, thu hút sự quan tâm và tham dự và phát biểu của Lãnh đạo Cấp cao các nước, các quan chức cao cấp của LHQ và các tổ chức quốc tế, để đưa ra những định hướng, ưu tiên trong lĩnh vực quyền con người, một trong ba trụ cột chính của LHQ. Đối với Việt Nam, hoạt động này của Phó Thủ tướng Chính phủ chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, sau khi Việt Nam trúng cử trong cuộc bầu cử tại Đại hội đồng LHQ tháng 10/2022. Đây cũng là hoạt động đa phương đầu tiên trong khuôn khổ LHQ năm 2023 có sự tham dự của Lãnh đạo Cấp cao.
Đây chính là hoạt động ngoại giao cấp cao của ta tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu, đồng thời đề cao chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm, hướng đến phát triển bền vững, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng lợi ích mang lại từ phát triển.
Đặc biệt, việc Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự Phiên họp Cấp cao Khóa 52 HĐNQ thể hiện rõ cam kết và nỗ lực, vai trò của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của HĐNQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, chủ động tham gia, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của HĐNQ và cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam năng động, đổi mới, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, luôn coi người dân là mục tiêu, chủ thể và động lực của tiến trình phát triển; tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với hệ thống các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế và các nước, cũng như tranh thủ thêm sự hỗ trợ quốc tế đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhân dịp tham dự Phiên họp Cấp cao Khóa họp 52 HĐNQ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ có các cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa ta với các tổ chức quốc tế này. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng sẽ có hàng loạt các cuộc gặp với lãnh đạo của các nước tham dự Phiên họp Cấp cao Khóa họp 52 HĐNQ nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước này.