Một số người cho rằng các vụ xả súng hàng loạt xảy ra nhiều như vậy là do tình trạng bạo lực trong xã hội Mỹ, hoặc nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc, hay vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân không được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 của giáo sư Adam Lankford thuộc Đại học Alabama cho thấy đây là vấn đề chung trong các vụ xả súng ở các nước trên thế giới. Điều khác biệt của Mỹ là số lượng súng khổng lồ mà người dân nước này sở hữu.
Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà dân thường sở hữu số súng nhiều hơn số người: Cứ 100 người thì có 120 khẩu súng. Năm 2019, số người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn là khoảng 4 người trên 100.000 người, cao gấp 18 lần tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng súng góp phần làm tăng tỷ lệ giết người liên quan đến súng.
|
Người dân bỏ chạy trong vụ xả súng đẫm máu tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas tháng 10/2017 khiến ít nhất 59 người chết và khoảng 500 người bị thương. Ảnh: Times/Getty Images. |
Tuy nhiên, nhiều người Mỹ coi quyền được mang vũ khí (được ghi trong Hiến pháp Mỹ) là bất khả xâm phạm. Nhưng những người chỉ trích Tu chính án thứ hai nói rằng, quyền đó đe dọa một quyền khác: Quyền được sống.
Giáo sư Lankford, người đã nghiên cứu về các vụ xả súng hàng loạt trên thế giới suốt nhiều năm, cho biết Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu 42% số súng trên thế giới. Từ năm 1966 đến 2012, khoảng 31% kẻ xả súng trên thế giới là người Mỹ.
Giáo sư Lankford cho hay sau khi xem xét dữ liệu trong 40 năm từ 171 quốc gia, ông nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa số lượng súng ở một quốc gia với các vụ xả súng.
"Yếu tố lớn nhất để lý giải cho điều này là súng ở Mỹ rất dễ dàng tiếp cận, ngay cả với những người có nguy cơ cao", Lankford nói, thêm rằng khả năng người Mỹ bị giết trong một vụ xả súng ở nơi làm việc hoặc trường học còn cao hơn nguy cơ trúng đạn gần các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Theo phân tích của tiến sĩ Lankford, trong hơn một nửa số vụ xả súng tại Mỹ, nghi phạm đều sở hữu nhiều hơn một khẩu súng và nhiều người trong số này chưa từng có súng trước khi thực hiện tội ác.
"Súng không phải sở thích hay một thứ gì đó thuộc về văn hóa, giáo dục của những người này. Thực sự là khi ai đó quan tâm tới việc giết người, họ chỉ nghĩ mình cần một khẩu súng như công cụ giúp bản thân đạt được mục đích", Lankford nói.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng những kẻ xả súng ở Mỹ giết hại trung bình ít nạn nhân hơn so với các nước khác. Ông cho rằng điều này là do mức độ ứng phó nhanh của lực lượng hành pháp trong các vụ xả súng.
|
Nữ giáo viên bang Utah của Mỹ được huấn luyện sử dụng súng. Ảnh: Getty Images. |
Để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng phổ biến, một số bang Mỹ ra luật cho phép các thành viên gia đình hoặc lực lượng hành pháp tước súng khỏi một người được cho là có thể gây nguy hiểm cho mọi người hay chính bản thân. Ở Alabama, những người bị kết tội bạo hành gia đình hoặc bạo lực không thể sở hữu súng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật hạn chế sở hữu súng cần quyết liệt hơn, áp dụng với nhiều trường hợp hơn.
"Nếu ai đó bày tỏ quan tâm tới hành vi xả súng, người này không thể mua súng. Tôi cho rằng mọi người nên ủng hộ những điều luật tước cơ hội sở hữu súng của những người nguy hiểm", Lankford nói.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từng kêu gọi cải cách súng đạn sau các vụ xả súng hàng loạt ở các bang Colorado, Nam Carolina và Texas vào năm ngoái. Tháng 3/2021, Hạ viện Mỹ thông qua luật yêu cầu những người bán tư nhân và không có giấy phép, cũng như tất cả những người bán được cấp phép phải thực hiện kiểm tra lý lịch liên bang trước tất cả các vụ mua bán súng, để đảm bảo rằng người mua đã được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.