Trung Quốc chưa an toàn khi COVID-19 còn lây lan trên thế giới

Google News

Chuyên gia Trung Quốc nhận định nước này chưa thể "yên bình" khi dịch bệnh vẫn có thể bùng phát ở bất kỳ đâu.

Báo South China Morning dẫn cảnh báo từ các nhà dịch tễ học rằng Trung Quốc có thể còn đối mặt với nhiều mối đe dọa thêm nữa từ COVID-19 khi đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra đang hoành hành bên ngoài lãnh thổ nước này, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu.
Tính đến trưa 12-4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 1.783.724 ca nhiễm với 108.907 ca tử vong vì COVID-19. Trong đó, nước Mỹ đã vươn lên đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và ca tử vong (533.155 người nhiễm và 20.580 người chết).
Trung Quoc chua an toan khi COVID-19 con lay lan tren the gioi
Chuyên gia Trung Quốc khẳng định phát triển vaccine ngừa COVID-19 là phương pháp làm thay đổi tình hình dịch bệnh. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Các chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc nói rằng đại dịch COVID-19 chưa thể bị loại trừ trong tương lai gần và bào chế vaccine là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh này, hơn cả "miễn dịch cộng đồng".
COVID-19 chưa thể bị đánh bại trong tương lai gần
Ngày 11-4, trong cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc (do Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul chủ trì), Bắc Kinh bày tỏ lo ngại rằng đại dịch COVID-19 trên thế giới chưa thể được kiểm soát do nguy cơ bùng phát vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào.
Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp và là thành viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nói rằng: “Châu Âu đang siết chặt giãn cách xã hội để giảm sự lây lan virus. Còn tại Mỹ, số người nhiễm bệnh mới tăng lên khoảng 20.000 người/ngày. Đây là điều chúng tôi vô cùng lo lắng”.
Nhà dịch tễ học hàng đầu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc - ông Tằng Quang (Zeng Guang) nói với hãng tin Tân Văn Xã rằng số ca nhiễm mới trên thế giới càng tăng đồng nghĩa với việc đại dịch chưa thể chấm dứt sớm và Trung Quốc vẫn còn bị "đe dọa".
“Tôi chú ý đến một bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. Tôi cho rằng ông ấy đã quá lạc quan về tình hình dịch bệnh” - ông Tằng nói.
Ông nhấn mạnh thêm: “Tôi vẫn chưa thấy “ánh sáng nào” cho đại dịch toàn cầu vì đây là một căn bệnh mới và chúng ta biết rất ít về nó”.
Theo ông Tằng, sự khác nhau về vật tư y tế, năng lực bệnh viện và các biện pháp kiểm dịch ở các quốc gia khác nhau là những yếu tố khó khăn để đánh giá khi nào dịch bệnh kết thúc.
Các nước đang phát triển ở châu Phi, Nam Á và Mỹ La-tinh sẽ là “chiến trường” tiếp theo chống đại dịch này, theo nhận định của ông Tằng.
Thêm vào đó, chuyên gia Chung nói rằng virus SARS-CoV-2 đã trở nên “mạnh mẽ” khi lây nhiễm trên con người, cho nên rất khó loại bỏ nó nhanh chóng trong thời gian ngắn.
“Dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng trong một thời gian dài nhưng có lẽ sẽ không gây ra sự bùng phát quy mô lớn” - ông Chung nhận định.
Cả hai chuyên gia Tằng Quang và Chung Nam Sơn đều khẳng định việc phát triển vaccine chính là “chìa khóa” để thay đổi “cục diện” đại dịch.
Trung Quoc chua an toan khi COVID-19 con lay lan tren the gioi-Hinh-2
Chuyên gia Trung Quốc nói rằng nếu không phong tỏa sớm thì số ca nhiễm bệnh nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
“Vaccine phòng bệnh là cách tốt nhất để có được sự miễn dịch” - ông Chung nhấn mạnh.
Nói về “miễn dịch cộng đồng”, ông Chung cho rằng điều này chưa hiệu quả nhiều bởi “chi phí và sự hy sinh quá lớn”.
Miễn dịch cộng đồng sẽ xuất hiện khi một lượng lớn người sống trong cộng đồng trở nên miễn nhiễm với một căn bệnh và chính họ sẽ là “lá chắn” cho những người chưa bị nhiễm khác trong cộng đồng đó.
Trước đó, các nhà dịch tễ trên thế giới đánh giá với khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 như hiện nay thì ngưỡng quan trọng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng là 60%.
Theo ông Tằng, để đạt được điều đó thì cái giá phải trả quá cao. "Chúng ta sẽ phải hy sinh bao nhiêu sinh mạng để có được 60% đó?” - ông Tằng bày tỏ.
Trung Quốc vẫn chưa an toàn, cần nhiều biện pháp hơn nữa
Mặc dù số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu đã ở mức cao nhưng các chuyên gia nói rằng đã có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã “đạt đỉnh” ở châu Âu và Mỹ. Chính vì thế, nhiều cuộc họp nổ ra để bàn thảo có nên nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội hay phong tỏa đất nước.
Tại Trung Quốc, sau nhiều tháng bị phong tỏa và hạn chế đi lại, Bắc Kinh cũng đang tìm một chiến lược cân bằng, bền vững để chiến đấu với đại dịch đến cùng.
Theo South China Morning Post và trang thống kê Worldometer, số bệnh nhân COVID-19 hiện tại ở Trung Quốc đại lục còn khoảng hơn 1.100 người và có một số lượng tương đương người mang mầm bệnh mà không có biểu hiện.
Ngoài ra, 70% ca nhiễm bệnh mới tại nước này có nguồn gốc từ nước ngoài, gọi là nhiễm bệnh “nhập khẩu”.
Vì vậy, chuyên gia Chung nói nếu Trung Quốc không thực hiện cách ly, phong tỏa sớm với thế giới thì có lẽ giờ đây không thể tưởng tượng nổi có bao nhiêu ca nhiễm “nhập khẩu”, nhất là ở các thành phố lớn.
Theo ông Chung, các đánh giá cho thấy những hãng hàng không cũng góp phần “nhập khẩu” những người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng như du học sinh Trung Quốc hay người làm việc ở nước ngoài.
Chính vì thế, ông cho rằng cần phải kiểm soát các hãng vận chuyển một cách chặt chẽ hơn và cẩn thận đánh giá để đưa người nhập cảnh đi cách ly.
Ông Chung bày tỏ có thể việc giúp người dân quay trở lại cuộc sống bình thường, tái hoạt động các bệnh viện và mở cửa đón khách du lịch sẽ tạo nhiều áp lực hơn là chú ý kiểm soát các hãng vận chuyển hành khách.
"Nhưng chúng ta cần phải có một chiến lược phòng ngừa và kiểm soát bền vững và hiệu quả hơn thì khi đó nó mới có hiệu quả" - ông Chung khẳng định.
Thêm nữa, ông Chung bày tỏ có thể bây giờ phải bằng mọi giá nhưng về lâu dài Trung Quốc cần xem xét nhiều yếu tố về kinh phí cũng như nguồn lực.
Theo NGUYÊN VĂN/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)