Tiểu sử chính thức của Phra Dhammachayo hay sư trụ trì quyền lực ở Thái Lan được mô tả ông như một cậu bé vàng, “hiện thân của một quả cầu pha lê”, người mang sứ mệnh dẫn dắt các tín đồ tới con đường giác ngộ.
Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích, nhà sư này chỉ là một bậc thầy thao túng người khác, người từng thú nhận ngưỡng mộ Hitler và mong muốn “thống trị thế giới” qua tôn giáo.
Sư trụ trì bí ẩn của ngôi chùa Dhammakaya tai tiếng trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 72. Người ta đồn rằng ông mát-xa da mặt 2 lần một ngày và dùng kem dưỡng đắt tiền.
Ông hiếm khi trả lời phỏng vấn bên ngoài kênh truyền thông chính thức của chùa, nơi có trang web riêng và đài truyền hình vệ tinh hoạt động 24 giờ mỗi ngày.
|
Phra Dhammachayo, trụ trì chùa Wat Dhammakaya nổi tiếng ở Thái Lan. Ảnh: Zocialx. |
Trong các đại lễ, sư Phra Dhammachayo ngồi trong vòng tròn giữa hàng nghìn tín đồ. Không giống những ngôi chùa nơi mọi người có thể ngồi ở bất cứ chỗ nào họ muốn, các tín đồ của Wat Dhammakaya luôn phải tuân thủ kỷ luật.
Trụ trì bí ẩn của ngôi chùa tai tiếng
“Điều này sẽ gây ấn tượng với các du khách”, Mano Laohavanich, người từng là cao tăng tại chùa Wat Dhammakaya và một trong những phụ tá thân cận nhất của Phra Dhammachayo, trả lời trên Bangkok Post. Tiến sĩ Mano hiện là giảng viên Đại học Thammasart và thành viên chủ chốt của Ủy ban Cải cách Phật giáo.
“Dhammachayo đã xây dựng thành công đế chế của mình bằng cách mô phỏng mô hình quân đội với cấp bậc và kỷ luật. Giống như một người lính, người ta không được phép nghi ngờ chỉ huy”, ông nói.
Tiến sĩ Mano từng phá vỡ quy tắc này khi đặt nghi vấn về giáo lý của Dhammachayo. Sau khi rời khỏi chùa, ông trở thành một trong những tiếng nói chỉ trích thẳng thắn nhất đối với Wat Dhammakaya.
Phra Dhammachayo sinh năm 1944 tại tỉnh Sing Buri, tên khai sinh là Chaibul Sithiphol. Theo trang web của chùa Wat Dhammakaya, khi bà Juree, mẹ của Chaibul, đang mang thai ông, bà nằm mơ thấy một nhà sư đáng kính trao cho bà một đứa bé kháu khỉnh và nói nó chính là “hiện thân của một quả cầu pha lê”.
Sau đó, bà còn mơ thấy mình tìm ra bức tượng Phật cổ trên bờ sông Chao Phraya. Sau khi được đánh bóng, bức tượng đã tỏa sáng rực rỡ khắp thành phố.
Trang web này cũng cho biết Chaibul thường xuyên phải thay đổi chỗ ở do công việc của cha. Khi Chaibul học tiểu học tại trường nội trú ở Bangkok, người chủ sở hữu giàu có ở đây đã bày tỏ mong muốn nhận nuôi Chaibul nhưng bị cha ông từ chối.
Trong thời gian này, Chaibul đã làm quen với thế giới quý tộc. Ông thường được chủ ngôi trường đưa tới tham quan cung điện Sra Pathum, làm công đức và nuôi dưỡng mối quan tâm với Phật Pháp.
Ở tuổi 13, Chaibul bắt đầu học cách sống thanh đạm, thấm nhuần ý thức về niềm tin và trách nhiệm của mình. “Những năm đầu đời đã chuẩn bị cho ông về một nhiệm vụ lớn lao, điều mà ông mơ ước từ khi còn nhỏ”, trang web này viết.
Tham vọng quyền lực từ nhỏ
Bên dưới tiểu sử đầy màu sắc nói trên, những người quen biết Dhammachayo trước khi tu hành lại kể câu chuyện hoàn toàn khác về một thiếu niên với tham vọng quyền lực lớn.
Các bạn học cũ cho biết Chaibul thích trở thành trung tâm của sự chú ý và biết cách kiểm soát đám đông. Ở trường đại học, Chaibul nổi tiếng là người vui vẻ, dễ mến. Ông cũng là một thủ lĩnh có sức hút và thích kiểm soát người khác.
Tiến sĩ Mano nói tuổi thơ của Chailbul không hạnh phúc như những gì người ta vẫn tưởng. Chaibul từng trải qua bi kịch gia đình tan vỡ. Cha của Chaibul bỏ đi khi con chưa đầy 1 tuổi. Cha mẹ ông đều tái hôn sau đó không lâu. Bởi vậy, ông thường không ở lại cố định một nơi nào trong suốt thời thơ ấu của mình.
“Ông ấy không biết tới tình cảm và sự ấm áp từ gia đình thực sự như thế nào”, Tiến sĩ Mano nói. “Điều này khiến ông trở thành kiểu người khao khát sự chú ý, những người luôn cố gắng tạo ấn tượng tốt để mọi người thích mình”.
Tiến sĩ Mano cho biết thêm Phra Dhammachayo rất biết cách điều hòa cảm xúc của mọi người. Ông luôn cẩn trọng lựa chọn ngôn từ để khiến người khác hài lòng. Đó là kỹ năng giúp ông lợi dụng điểm yếu của mọi người và khiến họ sùng bái mình.
Theo tiểu sử chính thức của Dhammachayo, ông tỏ ra nổi trội so với các bạn đồng trang lứa ngay từ thời niên thiếu. Ông thường quan tâm tới tiểu sử của các nhà lãnh đạo vĩ đại trong lịch sử thế giới và được truyền cảm hứng từ họ.
|
Các nhà sư Phật giáo đi giữa hai hàng nến tại chùa Wat Phra Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan. Ngôi chùa có phần mái vòm giống như đĩa bay ngoài hành tinh nằm trên khu đất rộng lớn do những người ủng hộ giàu có quyên góp. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mano, tiểu sử này đã không nhắc tới Adolf Hitler, người được Chaibul quan tâm nhất khi còn trẻ. Ông cho biết Chaibul đã trở nên say mê Hitler, ngưỡng mộ cách nhà độc tài Đức quốc xã điều khiển đám đông và bày tỏ mong muốn được tiếp bước Hitler.
Chailbul bị ám ảnh bởi việc ngày sinh của 2 người chỉ cách nhau có 2 ngày và tuổi thơ của họ đều trải qua cảnh nghèo khổ và cô đơn.
Tiến sĩ Mano cho rằng cách tổ chức của chùa Wat Dhammakaya hiện nay có phần giống với kỷ luật và đặc tính của Đức Quốc xã. “Chiến lược trước tiên của ông ấy là nhắm vào sinh viên, giống như Hitler khi mới thành lập đảng Quốc xã. Sau đó, ông ấy sẽ dần dần truyền bá giáo lý của mình tới những người giàu có và quyền lực”, ông nói.
Thu nạp tín đồ kiểu đa cấp
Các chính trị gia cấp cao và một số doanh nhân hàng đầu ở Thái Lan nằm trong số những người ủng hộ nổi bật của chùa. Tiến sĩ Mano cho biết trong các đại lễ mà Dhammachayo tham dự, việc bố trí chỗ ngồi được dựa trên “cấp bậc” của các tín đồ.
Các cấp bậc có thể được mua với giá từ 1.000 tới vài triệu baht. Những người quyên góp nhiều hơn được ngồi ở vòng trong, những người ở cấp bậc thấp hơn sẽ phải ngồi ở rìa ngoài.
Tháng 2/1970, chùa Dhammakaya bắt đầu được xây dựng nhờ tiền bạc và các lô đất rộng lớn được những người ủng hộ quyên tặng.
Nhờ vẻ ngoài hào nhoáng, Wat Dhammakaya có doanh thu tăng lên nhanh chóng. Ngôi chùa này mở rộng tín đồ theo cách thức khá giống với mô hình tiếp thị đa cấp, nơi tín đồ sẽ được hưởng ưu đãi nếu lôi kéo được người mới.
Nhà chùa cũng có kênh truyền hình vệ tinh riêng để kết nối trực tiếp với các tín đồ. Những sự kiện lớn như cuộc diễu hành của hàng trăm tu sĩ qua các đường phố Bangkok đã góp phần lôi kéo các tín đồ nhờ sự hoành tráng.
Nghi vấn về giáo lý của nhà chùa bắt đầu được dấy lên từ đầu những năm 1990, đặc biệt là việc khuyến khích các tín đồ quyên góp tiền của như là cách để tích đức.
Bê bối lớn nhất xảy ra vào khoảng tháng 3/2009 đến tháng 2/2011 với cáo buộc Dhammakaya đã nhận 1,2 tỷ baht (khoảng 34 triệu USD) tiền biển thủ từ một chủ ngân hàng đã bị bắt giữ.
Chính quyền Thái Lan từng nhiều lần yêu cầu Dhammachayo đầu hàng để tránh những cuộc đụng độ không đáng có.
Hàng nghìn tín đồ từng tập trung trước chùa để ngăn cản việc bắt giữ của lực lượng hành pháp. Họ gọi các cáo buộc của cảnh sát là “vô căn cứ và vô lương tâm” và nói rằng sư trụ trì không đủ sức khỏe để ra trình diện.