Tháng trước, doanh nhân công nghệ người Mỹ Bryan Johnson (45 tuổi) đã đưa cậu con trai Talmage (17 tuổi) và người cha Richard (70 tuổi) tới phòng khám để thực hiện quá trình truyền máu giữa 3 thế hệ nhằm tăng cường sức khỏe và trẻ hoá tuổi tác.
Theo tờ Bloomberg, 3 người trong gia đình Bryan đã đến Resurgence Wellness, một spa y tế ở thành phố Arlington của bang Texas. Talmage đã hiến 1 lít máu (khoảng 1/5 lượng máu trong toàn bộ cơ thể) để phân tách huyết tương và sau đó truyền cho người bố là triệu phú Bryan.
Triệu phú 45 tuổi trải qua quy trình tương tự, truyền huyết tương cho cha của mình, ông Richard.
|
Gia đình 3 thế hệ nhà Johnson làm liệu pháp trao đổi huyết tương. Ảnh: Magdalena Wosinska. |
Đối với triệu phú Bryan, việc trao đổi máu là liệu trình quen thuộc. Anh đã đến phòng khám này trong nhiều tháng liên tiếp, nhận huyết tương từ những người hiến tặng trẻ giấu tên. Họ nhận được khoảng 100 USD thẻ quà tặng cho một liệu pháp có giá khoảng 5.500 USD.
Trước khi truyền huyết tương, Bryan sàng lọc cẩn thận người hiến, đảm bảo họ có chỉ số khối cơ thể lý tưởng, lối sống lành mạnh và không mắc bệnh tật. Đây là lần đầu tiên triệu phú truyền huyết tương của con trai của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên triệu phú Bryan gây chú ý với những ý tưởng chống lão hóa có phần ngông cuồng.
Ông Bryan kiếm bộn tiền với tư cách là người sáng lập công ty thanh toán web và di động Braintree, công ty đầu tiên mua lại Venmo và sau đó bán cho PayPal.
Hiện triệu phú Mỹ này nổi tiếng là người chịu chi khi bỏ ra 2 triệu USD mỗi năm để giúp cơ thể trẻ mãi không già.
Theo bài báo đăng trên Bloomberg Businessweek, ông Bryan đang theo đuổi chương trình "Project Blueprint" liên quan đến mọi thứ có thể làm đảo ngược quá trình lão hóa. Điều này bao gồm tuân theo các hướng dẫn nghiêm ngặt về chế độ ăn uống, thời gian ngủ nghỉ, tập thể dục, khám sức khoẻ thường xuyên, và tuân theo lời khuyên của một bác sĩ (29 tuổi).
Dường như việc trẻ hoá tuổi tác của triệu phú Mỹ có liên quan tới việc truyền "máu trẻ", một phương pháp mà cho đến nay vẫn chưa được khoa học chứng minh, và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không khuyến nghị.