Hãng thông tấn ISNA dẫn lời ông Rouhani nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút, song Tổng thống Iran nêu rõ Tehran không theo kế hoạch này của Mỹ và đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận với các bên còn lại.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/5 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào thống đốc ngân hàng trung ương Iran, cùng 3 cá nhân khác và một ngân hàng có trụ sở ở Iran, một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Họ (Mỹ) nghĩ có thể khiến Iran đầu hàng bằng cách gây sức ép, áp đặt các biện pháp trừng phạt hay thậm chí đe dọa chiến tranh....Đất nước Iran sẽ chống lại những âm mưu của Mỹ".
|
Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
|
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi lên tiếng chỉ trích việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran là nhằm làm "chệch đường ray" các nỗ lực của những nước còn lại tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Washington rút khỏi văn kiện lịch sử này. Ông Qasemi nêu rõ: "Với các biện pháp mang tính phá hoại trên, Chính phủ Mỹ đang tìm cách tác động đến ý chí và sự quyết tâm của những nước còn lại tham gia ký kết JCPOA".
Trước đó, Iran đã gọi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo nếu các cuộc đàm phán để cứu vãn JCPOA thất bại, Tehran sẽ đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân lên cấp độ cao hơn trước.
Trong khi đó, phát biểu trước các nghị sĩ tại Hạ viện Đức ngày 16/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh cách tốt nhất để giải tỏa mối quan ngại quốc tế về vai trò của Iran trong khu vực và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này là trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, kể cả sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Theo bà Merkel, JCPOA chưa phải là một thỏa thuận lý tưởng, song Iran vẫn đang tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Đức cũng cho rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ phải đối mặt với những bất đồng như tranh cãi ngoại giao về chương trình hạt nhân của Iran. Nhấn mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn có ý nghĩa quan trọng bất chấp những khó khăn còn tồn tại giữa hai bên, song Thủ tướng Đức nêu rõ mối quan hệ này cũng phải giải quyết những khác biệt về quan điểm, đặc biệt liên quan đến việc Mỹ rút khỏi JCPOA.
Hôm 15/5, ngoại trưởng 3 nước Anh, Pháp và Đức đã có cuộc gặp tại thủ đô Brussels nhằm thảo luận về các biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran mà không có Mỹ, song các quan chức dường như đang phải chịu áp lực lớn về cách thức đảm bảo các công ty của 3 nước vẫn có thể tiếp tục làm ăn với Iran một khi Washington bắt đầu áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết cuộc họp trên là một sự khởi đầu tốt đẹp, song bày tỏ mong muốn các nước bảo trợ có thể cụ thể hóa việc cứu vãn JCPOA.
Dự kiến, trong ngày 16/5, tại Bulgaria, lãnh đạo 28 nước châu Âu sẽ có cuộc thảo luận về phản ứng của khối trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Một biện pháp được gọi là "cơ chế phong tỏa" có từ những năm 1990 sẽ được liên minh châu Âu (EU) cân nhắc sử dụng, giúp bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.