Gượng dậy sau cơn lũ dữ
4 năm sau vụ lở đất và lũ quét ở bang Uttarakhand, những người phụ nữ ở ngôi làng goá phụ này đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để vượt qua cú sốc. Nhiều chị em dường như ngã quỵ sau cái ngày tang thương ấy. Tuy nhiên, họ không cho phép mình tuyệt vọng khi phải làm chỗ dựa cho những đứa con thơ.
|
Vì định kiến khắt khe, những góa phụ trẻ ở làng Deoli Bhangiram không dám đón nhận tình yêu mới. |
Chị Devi (25 tuổi) bùi ngùi nhớ lại: “Trước đó tôi chưa từng làm công việc gì cả, mọi chuyện đều do chồng tôi xoay xở. Tôi chỉ ở nhà chăm sóc hai con. Khi anh ấy đi rồi, tôi biết mình phải trở thành trụ cột của gia đình. Tôi có thể làm bất cứ công việc gì để nuôi các con tôi”. Một số khác cứ sụt sùi hết ngày này qua ngày khác vì không tin rằng mình đủ sức vượt qua tai nạn bất ngờ ấy.
Chị Binita (35 tuổi) nói: “Tất cả những gì tôi có thể làm trong thời gian ấy là khóc lóc và ngủ li bì. Tôi không còn đủ sức làm bất cứ chuyện gì nữa. Lúc đó, thế giới quanh tôi đã sụp đổ hoàn toàn”. Sau một thời gian khi lòng đã nguôi ngoai, chị đi học nghề và bắt đầu một cuộc sống mới.
Khi những đau buồn dần lắng xuống, Rachna Shukla (28 tuổi) nói, cô luôn biết ơn cộng đồng và các tổ chức xã hội đã giúp cô vượt qua những ngày đen tối. Tuy nhiên, trong lòng người góa phụ ấy vẫn còn nhiều trăn trở: “Sự hỗ trợ về vật chất là rất quan trọng nhưng điều chúng tôi cần hơn cả là cái nhìn cởi mở của cộng đồng”.
|
“Làng góa phụ” đã ổn định cuộc sống sau thiên tai nhưng hạnh phúc riêng của họ vẫn còn bị bỏ ngỏ. |
Khát khao thoát khỏi định kiến
Vì quy ước khắt khe của làng, những góa phụ phần nhiều còn trẻ phải khóa chặt trái tim mình. Dân làng ở đây không chấp nhận chuyện họ đi thêm bước nữa.
Không cam lòng với cuộc sống ngày qua ngày đơn điệu ở một ngôi làng vốn mang nhiều ký ức đau buồn, Rachna Shukla đã quyết định ra đi với hy vọng tìm một tương lai tốt hơn thông qua con đường học vấn. Shukla nói, những người phụ nữ cùng cảnh ngộ như cô rất muốn được tái hôn nhưng họ sợ sự lên án của cộng đồng.
Rajni Devi (31 tuổi), một góa phụ khác, chia sẻ: “Một người mẹ có hai con như tôi thường không thiết tha chuyện lấy chồng nữa. Song những góa phụ chưa có con nên để họ tái hôn. Nếu bắt một người phụ nữ trẻ sống vò võ một mình không chồng, không con cho đến hết cuộc đời thì đó là tội ác”.
|
Theo quan niệm truyền thống ở làng Deoli Bhangiram, những góa phụ phải hy sinh hạnh phúc riêng tư để giữ gìn sự cao quý về đẳng cấp. |
Những góa phụ ở đây cho biết, họ thậm chí không dám mở lời để nói với gia đình về chuyện tái hôn. Khi đã nói ra, dù bất cứ lý do gì, họ sẽ lập tức bị kết tội phỉ báng truyền thống mà dân làng đã gìn giữ hàng trăm năm qua. Sau đó, gia đình họ sẽ lấy những tấm gương phụ nữ tiết hạnh thờ chồng để cho họ soi vào.
Shukla nói: “Chúng tôi là con người, chúng tôi không muốn cô đơn và khát khao một cuộc sống hạnh phúc nhưng định kiến bắt chúng tôi chết dần chết mòn từng ngày trong thân phận của một góa phụ”.
Chính ông Ved Prakash, Trưởng làng Deoli-Bhangiram, cho biết: “Hầu hết các gia đình ở đây thuộc đẳng cấp bà la môn, những người được xem là dòng dõi cao quý, được xã hội tôn kính. Do vậy, việc tái hôn là điều cấm kỵ đối với họ. Chúng tôi đã thực hiện và giữ gìn phong tục này nhiều thế kỷ qua. Góa phụ có thể ở lại nhà chồng hoặc về lại nhà mẹ đẻ nếu muốn nhưng không được tái hôn”.
Phản đối chuyện đó, bà Sushila Baluni, nhà hoạt động xã hội ở Dehradun, thủ phủ bang Uttarakhand, nói: “Thật đáng buồn khi trong thời hiện đại, phụ nữ vẫn bị kìm kẹp trong những quan niệm cổ xưa. Họ không có quyền tự do quyết định hạnh phúc cuộc đời họ. Chính phủ và các tổ chức xã hội phải có trách nhiệm giúp họ thoát khỏi sự trói buộc của những tư tưởng lạc hậu này”.