Nơi đàn ông bị tấn công tình dục nhiều hơn phụ nữ

Google News

Tunisia và Iraq là 2 quốc gia có số nam giới bị quấy rối tình dục nhiều hơn cả phụ nữ.
 

Hãng BBC News vừa tiến hành một cuộc đại khảo sát trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ về nạn tấn công tình dục cho kết quả hết sức bất ngờ khi Tunisia và Iraq là 2 quốc gia có số nam giới bị quấy rối tình dục nhiều hơn cả phụ nữ.
Noi dan ong bi tan cong tinh duc nhieu hon phu nu
 Ảnh khắc họa chân dung nhân vật Sami.

Những con số biết nói
Tại Tunisia, sự chênh lệch giữa nam giới và phụ nữ được hỏi và cho biết mình bị tấn công tình dục khá nhỏ, chỉ khoảng 1% nhưng ở Iraq thì thực sự lớn. Tại đây, 39% trong số nam giới được hỏi cho biết, họ từng bị quấy rối tình dục qua lời nói trong khi đó phụ nữ là 33%. 20% đàn ông Iraq được hỏi cho biết họ bị tấn công tình dục thể xác, trong khi đó tỉ lệ phụ nữ là 17%.
Những con số trên thực sự khiến các nhà nghiên cứu và dư luận thế giới ngạc nhiên bởi trước nay trong suy nghĩ của nhiều người, Iraq được cho là đất nước nơi nữ quyền được xem là rất hạn hẹp. Điều 41 trong Luật Hình sự Iraq thậm chí viết, việc chồng đánh vợ không phải phạm pháp, theo BBC.
Tiến sĩ Kathrin Thomas, cộng tác viên nghiên cứu của Arab Barometer nằm trong Đại học Princeton, hệ thống nghiên cứu thực hiện cuộc khảo sát trên với BBC cho rằng, có lẽ con số đầy bất ngờ kia là do rất nhiều phụ nữ bị tấn công tình dục nhưng thà im lặng còn hơn trình báo.
“Mọi người có xu hướng không báo cáo những hành vi quấy rối tình dục vì có lẽ họ cảm thấy ngại ngùng và không thoải mái khi chia sẻ hoặc việc báo cáo có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. Phụ nữ có lẽ là đối tượng không dám chia sẻ về những hành vi đồi bại nhiều hơn nam giới”, ông Thomas nói.
Belkis Wille, nhà nghiên cứu cấp cao Iraq về Giám sát Nhân quyền cũng đồng ý với ý kiến trên. “Phụ nữ thường từ chối chia sẻ và cho rằng những gì họ phải trải qua chỉ là bạo lực gia đình hoặc bạo lực tình dục. Thậm chí, nhiều người còn không quen với những cụm từ quấy rối tình dục”.
Theo luật Iraq, tại các bệnh viện luôn có nhân viên an ninh thường trực mọi lúc và bác sĩ có trách nhiệm thông báo với lực lượng này nếu một phụ nữ cho biết họ là nạn nhân của một vụ lạm dụng tình dục.
Do đó, thông thường, phụ nữ sẽ nói dối, che giấu cho những kẻ tấn công, đặc biệt khi họ biết người đó vì họ sợ sự việc trở thành cuộc điều tra hình sự và sau đó họ có thể đối mặt nguy cơ bị trả thù”, bà Belkis Wille cho biết.
Không chỉ phụ nữ, Tổ chức Quan sát Nhân quyền cũng biết, một số trường hợp nam giới đồng tính hoặc phụ nữ chuyển giới tại Iraq bị tấn công tình dục dù những trường hợp như vậy rất hiếm được báo cáo lên cảnh sát.
Chia sẻ với BBC, anh Sami (không phải tên thật của nhân vật) nhiều lần bị tấn công tình dục cho biết, mặc dù hành vi tấn công tình dục nam là trái pháp luật nhưng nhìn chung cảnh sát và xã hội ít quan tâm tới các nạn nhân đó.
“Nếu tôi báo cáo việc bị quấy rối tình dục, cảnh sát sẽ không coi tôi như nạn nhân, thậm chí có thể nhốt tôi vào tù vì cho rằng tôi tham gia vào một hành vi tình dục đồng giới vốn bị coi là bất hợp pháp tại Iraq”, anh nói và nhớ đến sự việc từng trải qua khi còn đi học năm 13 tuổi.
3 lần bị tấn công, khắc sâu nỗi đau tinh thần
"Những tội ác như vậy cứ tiếp diễn mà không được báo cáo vì thông lệ xã hội Iraq không cho phép đàn ông nói về những chuyện như vậy. Thực chất, nếu trình báo thì không khác nào họ tự bộc lộ mình là đồng tính. Trong khi, đây là điều có thể khiến họ chịu đựng sự miệt thị và bạo lực nặng nề hơn."
Ông Amir Ashour, người sáng lập IraQueer - tổ chức chuyên tìm hiểu về người đồng tính và chuyển giới tại Iraq
Lần bị tấn công tình dục đầu tiên xảy ra ra khi Sami đang trong nhà vệ sinh trường.
Ba cậu học sinh lớn tuổi hơn khoảng từ 15 - 17 tuổi dồn Sami lúc đó chỉ là một thiếu niên 13 tuổi vào một góc tường.
Chúng bắt đầu sờ soạng và động vào một số bộ phận trên cơ thể cậu bé. Ban đầu Sami bất động, toàn thân tê liệt vì sốc nhưng sau đó chấn tĩnh lại và hét lên cầu cứu. Cậu bé được một nhóm học sinh khác giải cứu và gọi hiệu trưởng để can thiệp.
Sau đó, ba nam thiếu niên kia bị trục xuất khỏi trường còn Sami bị gọi lên phòng hiệu trưởng.
Tại đây, cậu bé non nớt gần như phải chịu thêm một cuộc tấn công thứ 2 khi vị hiệu trưởng cho biết, nhà trường xem xét sự việc mà Sami là nạn nhân, như một vụ tình dục đồng giới và cậu phải tự thấy may mắn khi được tạo cơ hội ở lại trường.
“Mọi người nghĩ tôi thông đồng với 3 thiếu niên kia”, Sami nói. Quá tức giận và sốc, Sami đã chọn cách im lặng, thu mình và hoàn toàn không giao tiếp với bất cứ ai trong nhiều tháng liền. Đây là lần tấn công tình dục đầu tiên.
Sau đó khoảng 2 năm, khi cha Sami qua đời, cậu bé phải đi làm thêm để phụ giúp gia đình và bị chủ cửa hàng nơi làm thuê quấy rối tình dục. Nhưng tất cả không dừng ở đó, chỉ 1 năm sau, Sami phải trải qua một vụ tấn công đau đớn nhất cả về thể xác lẫn tinh thần vì người thực hiện chính là anh họ của cậu.
Người này lợi dụng lúc mẹ và anh em Sami ra ngoài đã giở trò tấn công và hãm hiếp Sami. Vụ việc khiến cậu bé quá đỗi đau lòng và không dám chia sẻ với ai. Ám ảnh suốt một thời gian dài, Sami cầu xin gia đình chuyển nhà đến nơi khác, cắt đứt toàn bộ liên lạc với họ hàng và bạn bè gần nhà.
Gia đình Sami đồng ý chuyển tới Baghdad nhưng dù cắt mọi quan hệ với những người ở nơi ở cũ, chàng thiếu niên vẫn dằn vặt, sợ hãi và tránh né mọi mối quan hệ tình cảm.
Mất một thời gian dài, Sami mới xây dựng được niềm tin với bạn ở nơi mới và lúc này anh quyết định nói ra hết những trải nghiệm kinh hoàng đã qua với nhóm bạn thân. Hoá ra, không chỉ riêng Sami, vài người bạn của cậu cũng từng trải qua một đến hai lần bị tấn công tình dục.
Hiện nay, Sami đang làm việc tại một công ty quốc tế lớn và đã quyết định chia sẻ câu chuyện này với hãng tin BBC và làm động lực để những người bạn khác chia sẻ câu chuyện của mình để thay đổi suy nghĩ cố hữu trong xã hội Iraq.
Theo Trang Trần (Báo Giao thông)

>> xem thêm

Bình luận(0)