Sáng sớm trên bãi biển Rio de Janeiro, xuất hiện một vài người đeo túi, lội nước tới quá đầu gối, tay họ nhịp nhàng cầm chiếc cào đào sâu vào cát. Âm thầm nhấc dụng cụ lên, mắt họ chăm chú nhìn vào phần đáy hình xoáy chôn ốc xem có mảnh kim loại lấp lánh nào hay không. Đây là công việc thường nhật của những thợ đào vàng ngay ở Thủ đô của Brazil.
|
Các bãi biển ở Rio là mỏ vàng tự nhiên đối với đội quân cào vàng.
|
Cào cát thấy vàng
Những người này được dân địa phương gọi là “garimpeiros”, là những người chuyên nghề lang thang khắp các bãi biển của thành phố để tìm kiếm bất cứ thứ gì có giá trị, từ đồ trang sức đến chiếc kính râm hay răng vàng.
Họ tin rằng một chiếc nhẫn kim cương hay sợi dây chuyền vàng dù có đánh mất giữa biển thì sẽ theo con sóng dạt vào bờ. “Nghề” của họ duy trì được còn bởi những tục lệ mê tín trong cư dân, đó là việc ném đồng xu xuống nước để cầu mong sự may mắn hay hy sinh cả chiếc dây chuyền vàng mỏng nuôi hy vọng căn bệnh ung thư sẽ thuyên giảm.
Oswaldo Pintos de Oliveira, một kế toán 52 tuổi đến từ khu Copacabana lân cận kể, lần đầu tiên ông nhặt được vàng là cách đây 18 năm. Bất cứ khi nào rảnh là ông lại đi sới cát tìm vàng. Ngoài niềm vui khi bỗng dưng bắt được vàng, Oliveira hồ hởi nói rằng, quan trọng tiền thu được không phải là “tiền bẩn”.
Món hàng có giá nhất mà ông Oliveira từng kiếm được là đồng hồ Rolex bằng vàng, chừng ấy năm ông mới may mắn tìm được 2 chiếc, mỗi chiếc trị giá hàng nghìn đô la. Trung bình mỗi ngày, người đàn ông này kiếm được vài ba gram vàng, cùng với ít tiền xu.
Với giá mỗi gram vàng khoảng 90 reai Brazil (tương đương 28 USD) thì mỗi ngày, công việc làm thêm đó cũng cho ông trên dưới 100 USD. Với một đất nước mà mức lương tối thiểu là khoảng 880 USD/tháng, đó là mức thu nhập khá tốt.
Bí quyết của dân trong nghề
“Trông đơn giản vậy thôi nhưng công việc này không dành cho những kẻ nghiệp dư, vì nó khá nguy hiểm”, Oliveira nói. Người này kể, ông đã 2 lần suýt bị chết đuối do bị sóng kéo ra xa.
Khi chiếc găng tay len được tháo ra, Oliveira để lộ lòng bàn tay nhiều chỗ loét vì bị nước biển ăn mòn và tiếp xúc liên tục với cát. “Chúng tôi không hẳn ra đây chỉ để ngắm phụ nữ hay hưởng nắng gió mà phải làm việc thực sự, phải học cách tuân theo quy luật của biển”.
Các garimpeiros thời điểm này đổ về Barra da Tijuca, ở cực Tây của Rio, vì bãi biển này đang bị xói lở. Trong suốt mùa đông, các cơn bão lớn bồi đắp cát vào khu vực này. Có những lúc thủy triều lên, cát còn rải kín mặt đường.
Nhưng đến mùa hè, bãi biển Barra phẳng và rộng hơn, những luồng nước lại kéo cát ra biển. Trong giai đoạn chuyển đổi này, cát - đá lở ra thành các mảng lớn, đó chính là mỏ vàng cho Oliveira và các đồng nghiệp săn tìm kho báu.
Mặc dù, công việc đào vàng trên bãi biển hiện nay vẫn cho thu nhập ổn định nhưng các garimpeiros ở Rio cho rằng, so với thời trước, kho báu này ngày càng sụt giảm. Một người xưng danh là Luis cho biết, năm 1980 toàn thành phố Rio lên cơn sốt vàng vì tìm vàng quá dễ. Nhưng hiện nay, mọi người đến bãi biển không dám đeo đồ trang sức nữa vì sợ cướp. Có những đoạn, cả đội quân rình sẵn, sẵn sàng cướp đi bất cứ thứ gì có giá trị của người đi dạo trên bờ biển.
Tuy nhiên, Ivandro Nunes, một người cũng chuyên đi cào vàng lại không nghĩ như vậy. Ông Nunes thường làm công việc lau cửa sổ tại trung tâm thương mại gần bờ biển vào lúc sáng sớm, đến 10h sáng mới xuống biển.
Nunes cho rằng, vấn đề chính là đội quân cào vàng quá đông. “Trước kia chúng tôi có 10-12 người làm nghề này chẳng hạn, giờ thì 60-70 người. Vì vậy, đáng lẽ mỗi người tìm thấy 10 mảnh đồ trang sức, giờ thì chỉ còn 2 vì rất nhiều người cùng săn tìm kho báu”.
Vừa nói, Nunes vừa miệt mài với công việc. Ông bổ sâu chiếc cào vào cát. Lưới kéo lên đầy chặt cát ướt. Khéo léo xoay tay cầm, cát trôi dần đi. “Nhìn kìa, một chiếc nhẫn vàng cho mẻ cào đầu tiên”, Nunes khẽ reo lên. Cho chiếc nhẫn vào túi, Nunes dặn người bên cạnh: “Đừng nói với các garimpeiros khác là tôi tìm thấy nhẫn nhé, nếu không tất cả bọn họ sẽ kéo xuống đây đấy”.