Theo báo cáo của cảnh sát Nhật Bản, thời gian gần đây, số lượng những bức ảnh bất hợp pháp gia tăng ở mức độ đáng nghiêm trọng. Việc tội phạm thành thạo sử dụng công nghệ mới là một trong những nguyên nhân khiến việc chụp ảnh lén dưới váy phụ nữ trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc đóng cửa các cở sở kinh doanh, khu vui chơi giải trí cho người lớn do tình hình dịch bệnh cũng khiến các kẻ biến thái "rảnh rỗi" và tìm cách "giải khuây".
|
Một đôi giày có gắn thiết bị chụp lén siêu nhỏ. Ảnh: Weibo |
"Thay đổi lớn nhất trong vài năm qua là sự phát triển của công nghệ", Jake Adelstein, một cựu phóng viên hình sự từng có 3 thập kỷ sống tại Nhật Bản cho hay. "Trước đây, luật pháp yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập âm thanh mỗi khi chụp ảnh. Tuy nhiên bất kỳ ai hiểu biết về công nghệ đều có thể hủy bỏ chế độ này. Tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn khi mọi người cảm thấy chán nản do ở nhà quá lâu vì dịch bệnh. Họ sẵn sàng chi trả các khoản tiền để 'mua sự thỏa mãn', bất chấp việc 'phạm quy'".
Chuyên gia phòng chống tội phạm Mika Kyoshi cho biết, những hình chụp, video quay lén bất hợp pháp có thể bị rao bán "chui" trên các trang mạng. Bà khuyến cáo phụ nữ khi đi cầu thang hoặc thang cuốn nên chú ý giữ khoảng cách với những người phía sau, đồng thời tự bảo vệ bản thân trước những "tosatsu" - hành động bí mật chụp ảnh phía dưới quần áo.
Theo thống kê, năm 2010, Nhật Bản bắt giữ 1.741 vụ có liên quan đến hành vi chụp ảnh phụ nữ bất hợp pháp. Con số này tăng gấp đôi vào năm 2019, lên mức 3.953 vụ. Cảnh sát tỉnh Osaka, khu vực có số vụ nhiều nhất, ghi nhận 144 trường hợp trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Tàu điện ngầm "chỉ dành cho phụ nữ" ở Tokyo. Ảnh: SCMP |
Hầu hết các trường hợp "tosatsu" liên quan đến điện thoại di động. 610 vụ xảy ra trong năm 2019 liên quan đến thiết bị chụp ảnh công nghệ cao, chẳng hạn như máy ảnh thu nhỏ giấu trong giày, đầu ô, bút hoặc kính. "'Camera im lặng' được sản xuất với mục đích ban đầu là chụp ảnh trẻ sơ sinh khi ngủ trở thành 'công cụ đắc lực' cho những kẻ biến thái", Goki Jojima, trưởng bộ phận an toàn cộng đồng tại Sở cảnh sát Minami ở Osaka cho hay.
Trước tình hình này, giới chức Osaka đã tổ chức cuộc "sắn bắt" tội phạm "tosatsu" tại các khu vực đông đúc, bao gồm cả ga tàu, nơi "tác nghiệp" lý tưởng của những tay săn ảnh biến thái. Việc phát tờ rơi, thông báo bằng video hay cảnh sát mặc thường phục tuần tra cũng được triển khai.
Sáng kiến này được đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản công bố một loạt các biện pháp vào tháng 6/2021 nhằm giải quyết mối đe dọa tới thế hệ trẻ từ những tội phạm sử dụng công nghệ. Một yêu cầu cấp thiết không kém là việc giáo dục trẻ em về các mối nguy hiểm tiềm ẩn trên không gian mạng, bao gồm nhận thức về nội dung độc hại hay các thủ đoạn mà kẻ xấu sử dụng để lấy và chia sẻ ảnh bất hợp pháp của trẻ vị thành niên.
Giới chức hy vọng, cuộc đàn áp lần này của cảnh sát có thể phần nào khiến các kẻ biến thái sợ hãi. Nếu chiến dịch thành công có thể nhân rộng tại nhiều địa phương ở Nhật Bản.
Camera chụp lén siêu tinh vi. Video: SCMP