Người dân nước nào ít phải làm việc nhất thế giới?

Google News

Một quốc gia châu Âu đã giành vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng các quốc gia có số giờ làm việc ít nhất thế giới tính theo năm.

Trong thời đại toàn cầu hóa, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người lao động trên toàn thế giới đang ngày càng cố gắng tìm, giữ việc làm và gia tăng năng suất. Hình ảnh người lao động làm thêm ngoài giờ, làm thêm cuối tuần có lẽ không phải là quá hiếm hoi.
Minh chứng là, tại Mỹ, số giờ làm việc trung bình năm bắt đầu tăng dần từ năm 2010 đến năm 2015 là 1.790 tiếng/năm, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên, đây không phải là quy luật chung với tất cả các nước phát triển. Tại các quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Na Uy, số giờ làm việc trung bình của mỗi người ít hơn hẳn so với Mỹ. Nổi bật nhất là Đức, quốc gia có số giờ làm việc trung bình năm 2015 thấp nhất thế giới, theo OECD.
Người Đức trung bình chỉ làm việc 1.371 tiếng/năm. Như vậy, giờ làm việc trung bình một tuần tại Đức là khoảng 26 tiếng. Nếu mỗi tuần làm việc 5 ngày, trung bình người Đức chỉ làm khoảng hơn 5 tiếng/ngày.
Nguoi dan nuoc nao it phai lam viec nhat the gioi?
Đức là quốc gia có số giờ làm việc trung bình năm 2015 thấp nhất thế giới. 
Cũng theo số liệu của OECD, chỉ 5% người lao động ở Đức làm việc nhiều giờ. Công việc bán thời gian (part-time) ngày càng phổ biến ở Đức và đây một trong những lý do khiến số giờ làm việc của người dân Đức thấp hơn hẳn các nước khác. Tính đến năm 2012, cứ 4 người thì có khoảng 1 người Đức làm việc bán thời gian, theo CNN.
5 quốc gia làm việc ít nhất thế giới năm 2015
1.Đức: 1.371 tiếng/năm
2.Hà Lan: 1.419 tiếng/năm
3.Na Uy: 1.424 tiếng/năm
4.Đan Mạch:1.457 tiếng/năm
5.Pháp: 1.482 tiếng/năm
Và tất nhiên, làm việc càng ít, thời gian dành cho các hoạt động khác càng nhiều. Tại Đức, những người làm việc toàn thời gian dành trung bình 15,6 tiếng/ngày cho các hoạt động cá nhân (ăn, ngủ…) hoặc giải trí (gặp gỡ bạn bè gia đình, xem tivi, chơi trò chơi…), theo OECD.
Theo trang Business Culture, các doanh nghiệp và cửa hàng Đức hoạt động dưới quy định nghiêm ngặt về giờ mở và đóng cửa. Luật liên bang Đức có tên “Luật đóng cửa hàng” cùng với các quy định riêng ở các bang sẽ quản lý chặt chẽ thời gian hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng. Ví dụ, siêu thị thường đóng cửa muộn nhất vào lúc 22h00 và mở cửa lúc 9h00-10h00. Vào Chủ nhật, hầu hết các doanh nghiệp đều đóng cửa, trừ tiệm bánh và trạm xăng.
Thậm chí, ở Đức còn có một điều luật quy định giờ làm việc trên cơ sở pháp lý. Mục đích của điều luật là để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn là người lao động, theo trang Working in Germany. Trong đó có một số điều khoản như sau:
- Giờ làm việc trung bình tối đa là 8 giờ/ngày. Trong đó, một ngày không được làm quá 10 giờ.
- Thứ 7 là ngày làm việc. Chủ nhật và ngày lễ không được làm việc, ngoại trừ những công việc không thể được thực hiện vào ngày làm việc (lính cứu hỏa, cấp cứu y tế, dịch vụ lưu trú)
- Đối với những công việc làm quá 12 giờ/ngày, phải đảm bảo thời gian nghỉ 11 tiếng tối thiểu sau đó
Không chỉ có quy định chặt chẽ về số giờ làm việc, Đức còn có khá nhiều ngày nghỉ quốc gia so với các quốc gia châu Âu khác, theo Business Culture. Trong năm, người Đức có 24 ngày nghỉ lễ được trả lương. Ngoài các ngày lễ quen thuộc như Năm mới, Giáng sinh, người Đức còn đón những ngày nghỉ lễ riêng như Thứ 6 Tốt lành (rơi vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4), ngày Thứ 2 Trắng (trong tháng 5)…
Theo Trà My/Dân Việt

Bình luận(0)