Một trong những ngôi mộ tại nghĩa địa Nader Shah Hill ở Kabul vô tình bị vỡ, để lộ một bộ xương gần như hoàn chỉnh. Thế nhưng những cậu bé đang chơi gần đó, không có ấn tượng gì, thậm chí còn thoải mái nở nụ cười "selfie" với bộ xương. "Rất nhiều ngôi mộ ở đây bị đổ nát nên điều này không có gì lạ cả", một cậu bé khoảng 10 tuổi nhún vai khi họ nhìn xuống những bộ xương.
|
Trẻ em cảm thấy rất thoải mái dù đang ngồi cạnh một bộ hài cốt của người lạ. Ảnh: AP |
Khi được hỏi "Có cảm thấy sợ hãi hay không", cậu bé trên và đám bạn của em bỗng cười phá lên: "Tại sau chúng cháu phải sợ hãi. Đó chỉ là một bộ xương thôi mà. Ngày nào chúng cháu chẳng nhìn thấy chúng". Và lý do duy nhất làm gián đoạn trận bóng xung quanh những ngôi mộ của đám trẻ chính là vì tò mò khi thấy nhiếp ảnh gia.
Sau khoảng 50 năm chiến tranh, có rất nhiều nghĩa địa trên khắp thủ đô Kabul của Afghanistan, trải dài từ sườn núi cằn cỗi hay đến những khu phố thượng lưu giữa lòng thành phố. Chúng bước vào cuộc sống nơi đây một cách tình cờ, khi người dân chôn cất thân nhân ngay cạnh nhà vì ngại đi xa. Cứ như vậy, theo thời gian, những ngôi mộ như thế cứ mọc lên, hòa nhập vào cuộc sống thường ngày, trở thành điều quen thuộc, là nơi vui chơi, trò chuyện, cười đùa vui vẻ của cả trẻ em và người lớn. "Cháu sinh ra ở đây và đã quen với việc nhìn thấy những ngôi mộ", Habib, 14 tuổi, đang đá bóng với đám bạn giữa những bộ hài cốt, thoải mái nói.
|
Những nấm mồ không phải là điều đáng sợ với trẻ em ở Kabul. Ảnh: AP |
Những ngôi mộ này thậm chí còn giúp một số người dân có thêm thu nhập. Arefeh, 27 tuổi, sống cùng 4 đứa con bên cạnh nghĩa địa Sakhi. Chị và những đứa trẻ kiếm được tiền từ việc bán nước cho những người qua đường hoặc để rửa mộ. Trong khi đó, ông Fahim, một người sinh ra và lớn lên bên cạnh những ngôi mộ cho biết bản thân ông từng lo lắng môi trường này sẽ ảnh hưởng đến lũ trẻ, tuy vậy, cũng đành bất lực. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn thôi", ông Fahim chia sẻ.