Lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi tiếp cận những người sống sót, do mưa lớn, mất điện, cầu bị phá hủy, đường sá bị chặn...
"Chúng tôi không biết có ai mắc kẹt giữa dòng nước lũ hay không, nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức để cứu người. Chúng tôi sẽ không bỏ sót bất cứ tia hy vọng nào", A. K. Saseendran - một quan chức bang Kerala - trả lời CNN hôm 30/7.
Lực lượng ứng phó khẩn cấp tại hiện trường đã phải bọc các thi thể trong bạt và giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn khi trời mưa như trút nước.
|
Thi thể được bọc trong bạt nilon. (Ảnh: Reuters)
|
|
Người dân được sơ tán khỏi Kerala. (Ảnh: Reuters)
|
Video do lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ đăng tải trên X cũng cho thấy cảnh lực lượng cứu hộ chèo thuyền bơm hơi qua vùng bùn lầy để cố gắng tiếp cận mọi người.
"Trực thăng cũng được triển khai, nhưng thời tiết rất xấu", Veena George - quan chức y tế bang Kerala - cho biết. "Có rất nhiều thách thức, vì ở đó không có điện".
CNN Weather đưa tin, tổng lượng mưa trên trên khắp Kerala là 150 mm, một số khu vực có lượng mưa gần 250 mm trong vòng 24 giờ.
Lũ lụt và lở đất nghiêm trọng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và cơ sở hạ tầng bị phá hủy trên khắp Nam Á trong những tháng gần đây.
Tuy lũ lụt thường xuyên xảy ra ở khu vực này vào mùa mưa, nhưng các nhà khoa học cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Trung Quốcđã trải qua nhiều tuần mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã gia hạn cảnh báo màu cam, mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo bốn cấp, khi mưa lớn liên tục làm nước sông dâng cao, gây vỡ đê, lũ lụt và buộc phải sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực nguy hiểm.
Trung tâm ban hành cảnh báo màu cam vào ngày 24/7, và cảnh báo đã được gia hạn hằng ngày kể từ đó.
Trong khoảng thời gian 24 giờ bắt đầu từ 14h ngày 30/7, mưa lớn dự kiến sẽ nhấn chìm các khu vực rộng lớn ở 11 vùng cấp tỉnh, bao gồm các tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh, cũng như Bắc Kinh và Thiên Tân. Lượng mưa ở một số khu vực có thể lên tới 100 mm - 200 mm, trung tâm cho biết.
Mưa lớn đã gây ra thiệt hại nặng nề ở nhiều khu vực, trong đó tỉnh Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Mưa lớn do bão Gaemi gây ra khiến mực nước tại trạm thủy văn Lianhuatang ở giữa sông Dương Tử chạm ngưỡng cảnh báo kiểm soát lũ lụt - 32,5 m - vào lúc 18h50 ngày 29/7. Đây là trận lũ thứ ba trong năm 2024 dọc theo tuyến đường thủy dài nhất châu Á.
Tại Hồ Nam, ba lần vỡ đê đã xảy ra dọc theo các đoạn sông Juanshui. Một vị trí vỡ đê đã được bịt thành công vào chiều 29/7. Tại Zixing (thuộc Hồ Nam), mưa lớn liên quan đến bão Gaemi đã khiến bốn người chết và ba người khác mất tích.
Do ảnh hưởng bởi mưa lớn, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại thành phố Hành Dương (tỉnh Hồ Nam), khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và sáu người bị thương.
Thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng bởi một trận lũ lớn. Từ ngày 26 đến 28/7, Đan Đông đã hứng chịu mưa lớn khiến Công viên Sông Áp Lục, nơi thường đông đúc khách du lịch, bị ngập dưới gần 2 m nước.
Tại Triều Tiên, hơn 4.000 ngôi nhà ở thành phố Sinuiju và huyện Uiju của Triều Tiên, nơi gần biên giới với Trung Quốc, đã bị ngập do mưa lớn, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin.
Theo bản tin, khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp cùng nhiều tòa nhà công cộng, công trình hạ tầng và đường sá cũng bị ngập lụt, khiến Bộ Chính trị của Đảng Lao động cầm quyền phải họp khẩn trong 2 ngày đầu tuần này.
Chủ tịch Kim Jong-un chủ trì cuộc họp và bày tỏ lo ngại sâu sắc về thiệt hại, đồng thời yêu cầu triển khai các biện pháp mạnh mẽ để khôi phục những khu vực bị ảnh hưởng, KCNA đưa tin. Ông Kim đã đi kiểm tra các khu vực bị ngập lụt hôm 28/7.
|
Ông Kim Jong-un thị sát vùng lũ. (Ảnh: Reuters)
|
Tại Myanmar, hơn 209.000 người từ hơn 50.000 hộ gia đình đã phải di dời vì lũ lụt kể từ cuối tháng 6.
Đài phát thanh và truyền hình Myanmar cho biết, nước này đã trải qua lũ lụt, chủ yếu là do mưa lớn và mực nước sông dâng cao, tại 10 khu vực và tiểu bang.