Một năm sau cuộc biểu tình định mệnh tại quảng trường Maidan ở thành phố Kiev, khiến cho đất nước Ukraine bị tụt hậu cả một thế kỷ.
Ông Alexei Mukhin, giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị, nói: “Bóng ma của chủ nghĩa Phát Xít từng hiện hữu khắp châu Âu, giờ đang trở lại tại Ukraine… Ukraine đang trở lại tình trạng của chính nước này hồi trước năm 1917 khi không thể tự lập bằng những lực lượng trong nước. Đất nước đang nhắm đến một vị trí trong EU và các giá trị của tổ chức này đang trở nên nguy hiểm. Để làm việc với Ukraine – đối với cả người Nga và chính người Ukraine – đang ngày càng trở nên khó khăn.
Cuộc biểu tình đầu tiên trong một chuỗi các cuộc biểu tình đòi Ukraine phải hội nhập với châu Âu đã diễn ra tại Quảng trường Trung tâm của thủ đô, hay còn họi là Maidan, vào hôm 21/11/2013.
|
Toàn cảnh quảng trường Maidan sáng hôm sau khi xảy ra bạo loạn |
Một năm sau, Ukraine đã mất đi một phần lãnh thổ, bán đảo Crimea, cho nước Nga, ngân sách thì thiếu thốn và hàng ngàn người dân Ukraine vẫn đang phải chiến đấu ở vùng đông nam, trong khi vẫn còn bất ổn về mặt xã hội cũng như lãnh thổ.
Ông Mukhin nói: “Cuộc biểu tình Maidan đã đưa những nhà tài phiệt lên nắm quyền. Người Ukraine dường như không hiểu rằng họ không chỉ đánh mất sự an toàncủa mình, mà còn cả lãnh thổ. Ngay cả những nước tưởng như là đồng minh với Ukraine như Ba Lan, Hungary, Romania cũng đã bắt đầu lên tiếng khẳng định chủ quyền tại nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine”.
Các nước láng giềng phương Tây với Ukraine thì thể hiện sự lo lắng dành cho những nhóm dân tộc của nước họ sống tại đây, nhưng chưa chính thức đưa ra đề nghị Ukraine trao trả quyền kiểm soát các khu vực này cho họ.
Kiev sử dụng vấn đề khí đốt để gây chú ý
Sau khi bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 và các vùng đất ở phía đông nam đứng lên đòi quyền độc lập, Kiev đã cho tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm chống lại những kẻ ủng hộ li khai, dẫn đến hàng tháng trời chìm đắm trong giao tranh bạo lực và hàng ngàn người thiệt mạng.
Nền kinh tế Ukraine thì bắt đầu suy thoái do Moscow dừng các hoạt động thương mại với Kiev, và tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga chuyển sang hệ thống trả trước đối với công ty dầu khí quốc gia của Ukraine là Naftogaz hồi tháng 6, do khoản nợ đã vượt mức cho phép là 5 tỉ USD.
|
Ukraine vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga |
Ông Konstantin Simonov, giám đốc Quỹ An toàn Năng lượng Quốc gia Nga, cho biết: “Ukraine đang ngày càng xa cách với phương Tây, nhưng cũng không tiến gần hơn đến nước Nga … Đất nước này đang có chiến tranh, nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng, chính quyền đang cố cứu Naftogaz và buộc các công ty trong nước phải mua dầu khí từ nó”.
Theo ông Simonov, sự không đồng ý với Nga của Kiev về vấn đề giá khí đốt là một động thái chính trị không hiệu quả.
Ông Simonov nói: “Ukraine luôn cố từ chối khí đốt từ Nga, nhưng điều này khiến nhiều nơi phải sống trong cảnh không có lò sưởi trong mùa đông. Cuối cùng thì Ukraine vẫn phải dùng khí đốt của Nga, nhưng thay vì mua trực tiếp tại biên giới với Nga, Ukraine lại mua khí đốt từ Na Uy. Đó là một động thái gây chú ý lớn, nhưng không có mấy tác dụng với Ukraine”.
Ukraine – mối lo ngại của châu Âu.
Dù Kiev chưa phải trả đợt hai của món nợ 1,6 tỷ USD với Moscow cho đến cuối năm 2014, nhưng đã cạn ngân sách, ngay cả khi đã được các quỹ của châu Âu cung cấp. Ông Simonov nói: “Tình hình sẽ rất khó khăn. Nếu Ukraine không nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga thì sẽ phải đánh cắp nó. Nhưng đó sẽ là một hành động đáng xấu hổ… Ukraine hiện là cơn đau đầu của châu Âu”.
Ông Oleksandr Okhrimenko, nhà phân tích chính trị Ukraine, nói rằng với nền kinh tế đang đi xuống, đồng tiền mất giá gần như 100%, và khoản vốn đầu tư từ nước ngoài trị giá 10 tỷ USD rót vào trong năm ngoái, Ukraine vẫn chưa tận dụng được gì từ những thay đổi chính trị trong năm qua. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng phục hồi của nền kinh tế trong một hay hai năm tới.
|
Một người phụ nữ tại điểm đổi ngoại tệ ở Kiev |
Ông Okhrimenko nói: “Về kinh tế thì đến thời điểm này không có gì để mà đáng tự hào. Thị trường ngoại hối đã giảm đến mức của những năm 1990, khiến chúng ta hải bắt đầu lại một thị trường mới. Nhưng vẫn còn có niềm tin vào tương lai … Làn sóng ủng hộ châu Âu vẫn chưa thành công về mặt kinh tế cho đến thời điểm này. Những năm 2015 tình hình sẽ ổn định hơn, và năm 2016 sẽ có nhiều cải thiện. Đến lúc đó, chúng ta mới có thể nói rằng phong trào này có phải là một thành công hay không”.
Vì sự thất vọng vẫn còn hiện hữu trong công chúng, những người đã hi vọng nền kinh tế sẽ đi lên sau phong trào Maidan, nhiều người Ukraine đã đến các nước châu Âu khác để tìm việc làm, kể cả Ba Lan, và có thể là cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Châu Âu cũng đang cho Kiev vay, bao gồm một khoản để trả sô nợ khi mua khí đốt của Nga.
|
Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang theo sát kinh tế Ukraine |
Trong khi đó, đất nước trước kia phụ thuộc vào Nga như là thị trường chính cho những máy móc của nó, giờ lại đang chú trọng vào phát triển nông nghiệp và thiết lập quan hệ giao thương với Ấn Độ, Trung Quốc và Ai Cập.
Nhưng với chuyên gia chính trị Viktor Pirozhenko, những động thái này là không đủ để cứu vãn Ukraine. Ông Pirozhenko nhận định: “Ukraine đã có cơ hội trở thành một nước hùng mạnh sau sự tan rã của Liên Xô, giống như nhiều nước châu Âu. Nhưng nó lại đi theo chiều hướng ngược lại… Không nên kì vọng vào Ukraine, mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn ở đây”.