Mất 24kg kim cương chỉ vì quá tin tưởng tên trộm

Google News

Năm 2007, một người đàn ông về hưu lại cuỗm gọn 24kg kim cương tại một ngân hàng uy tín ở “Thủ đô kim cương” tại nước Bỉ - thành phố Antwerp - mà không cần phá khóa. Đây có thể gọi là vụ trộm thế kỷ mà thủ phạm vẫn còn là ẩn số.

“Thủ đô kim cương” của thế giới
Quận Antwerp ở Bỉ rộng chừng 1km2, nằm giao giữa ba con phố Schupstraat, Hoveniers và Rijf vòng vèo buồn tẻ với những tòa nhà “không có gì nổi bật”, nhưng doanh số buôn bán kim cương hàng năm lên tới 30 tỷ euro.
Ảnh minh họa. 
Cũng chính vì vậy, Antwerp được mệnh danh là “thủ đô kim cương” của thế giới từ thế kỷ 15. Nơi đây có khoảng 1.800 công ty, 30.000 người làm việc. Hầu hết 80% lượng viên kim cương thô và 50% lượng kim cương cắt trên thế giới được giao dịch qua Antwerp.
Kim cương ở đây vô cùng quý giá và ấn định với nhau giá cả trên cơ sở của uy tín và sự tin cậy. Chúng được đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn “4C” (colour, carat, cut, clarity) nghĩa là màu sắc, trọng lượng, khả năng mài gọt và độ trong sáng.
Khu vực này luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và kỹ lưỡng bởi cảnh sát vũ trang và camera giám sát an ninh. Theo đó, tại các trạm gác ở lối vào, cảnh sát sẽ chặn lại những chiếc xe hơi “lạ”, kiểm tra xe của dân cư sống trong vùng và cả những xe tải đã có giấy phép. Các camera lắp đặt dọc theo lối đi theo dõi những người vào trong tòa nhà số 2 phố Hoveniers, trụ sở của những người buôn bán kim cương thô.
Ở Anvers người ta không trưng kim cương ra. Chúng được giấu kỹ để tránh sự tò mò của mọi cái nhìn, trong những gói giấy gấp làm 8 theo một nghi lễ không đổi hoặc đặt trong những két sắt chôn sâu 2 mét dưới lòng đất. Mặc dù vậy, hệ thống an ninh nghiêm ngặt vẫn không ngăn cản được sự quyến rũ của kim cương đối với nhiều tên siêu trộm.
Ở “thủ đô kim cương” này có một điểm đặc biệt. Đó là họ gói các hạt kim cương vào trong một tờ giấy hay bỏ chúng vào một chiếc bao thư, ghi số carat và giá tiền bên ngoài, rồi trao cho người mua với một cái bắt tay và một lời chúc phúc. Họ không ký hợp đồng mua bán cũng chẳng trả tiền ngay.
“Thế giới mua bán kim cương được xây dựng dựa trên nền móng của sự tin cậy vốn rất mong manh trước những hành vi tội ác”, một cảnh sát cho biết. Cũng chính vì vậy mà hàng loạt vụ trộm đã diễn ra ở đây.
Năm 2003, tay buôn đồ trang sức người Italia Leonardo Notarbartolo đã lấy trộm kim cương của AWDC sau 3 năm “tiếp cận”. Năm 2006, Monstrey Worldwide Services, một trong 3 hãng chuyên chuyên chở kim cương, đã bị đóng cửa sau khi những người lãnh đạo của công ty này bị kết tội buôn bán kim cương trái phép… Lớn nhất là là vụ trộm lên tới 24kg kim cương năm 2007 của tên trộm giảo hoạt có tên Carlos Hector Flomenbaum.
Sau khi vụ trộm xảy ra, ông Philippe Claes người phát ngôn của Trung tâm kim cương thế giới ở Antwerp chia sẻ: “Đây vốn là một khu phố rất an toàn. Chúng tôi đã đầu tư 1 triệu euro vào năm ngoái và 500.000 euro trong năm nay vào hệ thống an ninh trên các con phố và bên ngoài các tòa nhà. Nhưng bọn trộm đã tìm ra lỗ hổng, đó chính là lỗ hổng “con người” nằm ngay trong các văn phòng giao dịch”.
Vô hình trước ống kính camera
Vào một ngày mùa thu năm 2005, một người đàn ông trung niên cao ráo, điệu bộ đáng kính, gương mặt dễ có cảm tình xuất trình hộ chiếu mang tên Carlos Hector Flomenbaum, yêu cầu mở tài khoản và thuê một két sắt tại chi nhánh Ngân hàng ABN Amro Bank nằm trên phố Hoveniers.
Theo hộ chiếu, người đàn ông sinh ngày 27.12.1947 ở Argentina có cái tên Do Thái, nói tiếng Anh với giọng của một người Mỹ. Ông ta nói với nhân viên ngân hàng rằng, trước đây từng buôn bán kim cương, giờ đã nghỉ hưu và muốn đến Anvers sống nốt những ngày cuối đời còn lại.
Thật kỳ lạ là mọi người đều tin tưởng ông ta. Tuy nhiên sau đó, không ai xác thực nhân thân của con người này. Đây cũng chính là lý do tại sao tên trộm này có thể dễ dàng lấy đi đi 120.000 carat, tức 24kg kim cương.
Carlos Hector Flomenbaum đã phải mất tới 18 tháng để tiến hành từng bước một cách có bài bản. Trong 6 tháng đầu tiên, thỉnh thoảng tên trộm này mới tới đây, dạo qua dạo lại phô diễn vẻ hào hoa, lịch thiệp, luôn nhã nhặn và dễ mến. Rồi sau đó, ngày nào Flomenbaum cũng lui tới như cơm bữa, mục đích là để các nhân viên thủ quỹ và giao dịch nhẵn mặt ông ta.
Mỗi lần đến, để lấy lòng và tạo dựng được lòng tin, ông ta thường tặng họ những món quà nhỏ, kẹo sôcôla và cả những bó hoa. 6 tháng cuối cùng, ông ta đến mỗi ngày 2 lần, vào lúc 11h và 15h, đều đặn như một chiếc đồng hồ.
Chẳng có gì là bất hợp lý khi một người buôn bán kim cương đến lấy kim cương vào buổi sáng rồi trở lại cất kim cương vào buổi chiều. Song ông ta đã về hưu, vì vậy, đáng lý ra ban quản lý ngân hàng phải nghi ngờ về hoạt động bận rộn của ông ta.
Bản thân Flomenbaum đã “hóa giải” mọi sự nghi ngờ, làm cho không ai để ý tới sự đi lại của ông ta. Ngay cả khi Flomenbaum thường sử dụng lối đi phụ của Ngân hàng Ambro nhiều hơn người khác.
Bởi, ngoài cửa chính trên phố Hoveniers được bảo vệ cẩn mật, ngân hàng còn có lối ra trên phố Pelikaansstraat đưa sang một “thế giới” khác. Ở đây, Cảnh sát Liên bang Bỉ từng phát hiện nhiều vụ buôn bán lậu kim cương, đá quý, chứng nhận giả nguồn gốc kim cương…
Luôn cảnh giác, Carlos Flomenbaum hầu như lúc nào cũng biến thành kẻ “vô hình” trước ống kính video giám sát lối vào khu vực để két sắt ở tầng hầm. Mỗi lần bước vào gian phòng, Flomenbaum cẩn thận một cách có hệ thống, khi đeo một cặp kính trễ mũi nhằm che dấu ánh mắt, luôn quay đầu hoặc kéo mũ sát mặt mỗi khi đi vào khu vực bị kiểm soát. Vì vậy khi quan sát camera, cảnh sát chỉ xem được những hình ảnh của ông ta phía sau lưng rất mờ nhạt.
“Chúng tôi không hề có hình ảnh trực diện của người đàn ông từ trên trời rơi xuống này. Chúng tôi chỉ có những hình ảnh có chất lượng rất tồi, không rõ mặt”, ông Dominique Reyniers, Chưởng lý thành phố Antwerp cho biết.
Trộm 24kg kim cương “dễ như trở bàn tay”
Vụ trộm hoàn hảo theo bài bản được sửa soạn kỹ, Carlos Flomenbaum tìm cách kết thân với người phụ trách bảo vệ phòng chứa két sắt Ngân hàng ABN Amro. Người này có nhiệm vụ bảo vệ 200 két sắt, đi theo các khách hàng và sử dụng “masterkey” – chiếc khóa vạn năng, một trong hai chiếc khóa của mỗi két sắt, chiếc thứ hai do khách thuê két tự tay mở.
Vào một ngày mùa hè, vẫn như thường ngày ông ta đội một chiếc mũ của dân chơi bóng chày, mặc một bộ đồ sang trọng. Nhân cơ hội lúc người đàn ông phụ trách bảo vệ phòng chứa két sắt này bù đầu vì công việc, Carlos Flomenbaum bảo ông ta rằng, muốn thay đổi két sắt và muốn có một chiếc két sắt tại “một nơi tốt hơn”.
“Tôi có thể xem những chiếc két còn trống được không?” Đang vội, người giữ khóa bất cẩn nói lại rằng, “Tôi không có thì giờ. Này, ông hãy cầm lấy chùm khóa của tôi và tự kiểm tra đi”.
Không chần chừ, Carlos Flomenbaum cầm lấy “masterkey” mở tất cả các két sắt. Ông ta trả lại chùm chìa khóa sau khi đã lấy được mẫu chìa với một loại bột nặn mang theo người. Vậy là Carlos Flomenbaum đã nắm trong tay “mấu chốt” của những hầm kho báu.
Ngày 2.3.2007, khoảng 15h, không cần phá phách gì, Carlos Flomenbaum dễ dàng cuỗm sạch những món kim cương chứa đầy trong 6 chiếc két sắt của ABN Amro bằng chìa khóa đánh lại.
Theo các điều tra viên, ông đã nhồi chúng vào hai chiếc rương và đặt vào chính két sắt của mình. Đến ngày 5.3, ngay khi vừa mở cửa, Carlos Flomenbaum trở thành người khách hàng đầu tiên tại ngân hàng và mang số kim cương đi mà không bị ai nghi ngờ.
Lúc quay ra phố Pelikaans với hai chiếc vali có bánh xe, Carlos Flomenbaum vội vã tới nhà ga trung tâm và từ đó chẳng ai còn nhìn thấy bóng dáng của ông ta nữa.
Cho tới nay, cảnh sát mới chỉ bắt được một người bị cho là đồng phạm, còn nghi phạm chính và cả số kim cương vẫn bặt vô âm tín. Bức chân dung do máy tính dựng lên cũng như món tiền thưởng 2 triệu euro vẫn chưa phát huy tác dụng. Vụ trộm cho tới nay được coi là “lớn nhất thế kỷ 21” vẫn còn là một câu đố không lời đáp.
Theo Hoài Thu /Pháp luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)