Lý do thực sự khiến Mỹ quyết dứt áo rời INF

Google News

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể xuất phát từ việc chính Washington đã không còn muốn bị ràng buộc bởi các điều khoản trong hiêp ước này.

Hôm 1/2, Mỹ tuyên bố chính thức rút INF trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 2/2 nếu Matxcơva "không chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước INF".
"Mỹ sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Hiệp ước INF và bắt đầu tiến trình rút khỏi hiệp ước này trong vòng 6 tháng, trừ khi Nga quay lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và các thiết bị liên quan tới vi phạm của nước này", Tổng thống Trump hôm 1/2 cho biết.
Không lâu sau đó, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ đình chỉ tuân thủ các điều khoản của INF, đồng thời cảnh báo Nga sẽ phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ kiên quyết rút khỏi hiệp ước hạt nhân ký kết cách đây hơn 30 năm có thể xuất phát từ việc Washington muốn xây dựng lại một kho vũ khí tầm trung mới, đối trọng với kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Zhao Tong, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Tsinghua tin rằng quyết định rút Mỹ khỏi INF của Tổng thống Trump sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.
Ly do thuc su khien My quyet dut ao roi INF
 

Thượng nghị sỹ Nga Oleg Morozov có cùng quan điểm khi nhận định động thái mới đây của Mỹ sẽ đe dọa tới toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế. Ông này cho rằng Nga sẽ là nước đầu tiên phải đối mặt với những nguy cơ nhãn tiền khi Mỹ triển khai các loại tên lửa tới một số nước châu Âu.
Một số nhà phê bình tới từ Mỹ lại cảnh báo rằng khi Washington dứt áo rời INF vì lý do Matxcơva ngầm sản xuất tên lửa vi phạm hiệp ước, Matxcơva tới đây có thể danh chính ngôn thuận phát triển vũ khí họ muốn mà không còn bị các thỏa thuận kìm kẹp.
Chris Murphy, nghị sỹ đảng Dân Chủ tới từ Connecticut gọi quyết định rút Mỹ khỏi INF là "món quà" cho Nga, cho phép người Nga tăng cường phát triển các vũ khí hạt nhân tầm trung mà không lo bị Mỹ dòm ngó.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov có quan điểm hoàn trái ngược. Ông cho rằng Mỹ chỉ đang viện ra một cái cớ thích hợp để có thể tự do triển khai các chương trình vũ khí trong không gian vũ trụ trong vài năm tới.
Theo tuyên bố từ Mỹ, Washington hy vọng Nga sẽ thay đổi thái độ của mình từ nay cho tới 6 tháng tới. Nếu như Matxcơva vẫn tỏ thái độ cứng rắn, giới quan sát cho rằng Mỹ sau đó sẽ được tự do để phát triển các vũ khí tầm trung và tầm ngắn, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng mối lo ngại này là vô căn cứ.
"Hãy làm rõ rằng nếu có một cuộc chạy đua vũ trang, là Nga đã bắt đầu nó. Mỹ không phát triển bất cứ tên lửa hạt nhân tầm trung nào vào thời điểm này", một quan chức Mỹ khẳng định.
Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, mặc dù INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới. Người duy nhất vui mừng là các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân, những người được cho là luôn "háo hức" cho kịch bản về Thế chiến III.
ICAN cho rằng cùng với tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU dường như cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc. Nhiều quốc gia ở lục địa già mới đây cũng kêu gọi Nga và Mỹ làm tất cả mọi thứ để cứu lấy INF, tránh để cuộc chạy đua vũ trang mới biến châu Âu trở thành trung tâm một cuộc xung đột vũ trang tiềm năng theo đúng nghĩa đen.
Theo SONG HY/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)