Số ca mắc COVID-19 ở Indonesia tăng nhanh chóng mặt trong tháng 7 với tổng số 1,2 triệu ca, chiếm 1/3 tổng số ca mắc trong hơn 1 năm rưỡi kể từ khi đại dịch bùng phát tại Indonesia vào tháng 3 năm ngoái. Sự di chuyển của người dân sau kỳ nghỉ lễ Hồi giáo tháng 5 và biến thể Delta được cho là nguyên nhân chính của đợt bùng phát đại dịch lần này.
Nhà dịch tễ học Indonesia, Masdalina Pane cho rằng, các con số trên cho thấy đại dịch ở Indonesia vẫn chưa được kiểm soát và các mục tiêu mà chính phủ đặt ra hầu hết đều chưa đạt được.
Đầu tháng 7, chính phủ nước này đưa ra chính sách hạn chế giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp trên đảo Java và Bali từ ngày 3-20/7 với mục tiêu giảm số ca mắc hàng ngày xuống dưới 10.000 trường hợp. Tuy nhiên, đến ngày 15/7, số ca mắc đã tăng đột biến với 56.757 trường hợp, mức tăng kỷ lục của Indonesia trong đại dịch và cũng là mức tăng cao nhất trên toàn thế giới ngày hôm đó.
Chính phủ Indonesia nhận định, tác động của việc giảm các ca mắc mới sẽ thấy sau khi giới hạn hoạt động khẩn cấp được áp dụng. Nhưng thực tế ngay cả khi Indonesia kéo dài giới hạn khẩn cấp tới ngày 2/8, mở rộng các khu vực áp dụng giới hạn khẩn cấp, đồng thời thay đổi thành các cấp độ từ 1 đến 4 thì mục tiêu trên vẫn chưa từng đạt được. Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia ngày 31/7 vẫn đạt hơn 37.000 ca.
Mục tiêu thứ hai là xét nghiệm COVID-19 cho 500.000 trường hợp mỗi ngày. Tuy nhiên trong cả tháng 7, ngày có tỷ lệ xét nghiệm cao nhất chỉ là 228.702 trường hợp, chưa đạt một nửa mục tiêu. Thậm chí trong tuần cuối tháng 7, số bài kiểm tra được thực hiện còn dưới mức 200.000 trường mỗi ngày.
Với mục tiêu tiêm chủng, Tổng thống Joko Widodo ra lệnh tăng tốc tiêm chủng cho 1 triệu người mỗi ngày. Nhưng thực tế chỉ có 8 ngày trong suốt tháng 7, Indonesia đạt được mục tiêu này. Tính đến hết tháng 7, Indonesia mới đạt 9,86% mục tiêu tiêm chủng đã đề ra với hơn 20 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19.
Kể từ khi chính phủ triển khai giới hạn khẩn cấp mở rộng, số ca tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao, phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó. Cái chết là tín hiệu cuối cùng cho thấy việc kiểm soát đại dịch có thành công hay không. Trong tháng 7 có tổng cộng 35.000 người Indonesia tử vong do COVID-19, gấp 4 lần so với tháng 6 và cũng chiếm 1/3 tổng số ca tử vong do đại dịch.
Chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia y tế cộng đồng Indonesia, ông Dedi Supratman lưu ý, tỷ lệ tử vong tiếp tục gia tăng cao cho thấy một vấn đề nghiêm trọng trong việc kiểm soát đại dịch. Trong khi chính phủ tuyên bố tỷ lệ lấp đầy giường bệnh đang giảm thì người dân vẫn khó có thể tìm được một cơ sở chăm sóc y tế.
Hơn 60.000 người bệnh đang phải tự cách ly trên toàn đảo Java. Hàng nghìn người trong số đó đã tử vong tại nhà. Việc bệnh nhân COVID-19 tử vong giữa lúc gia tăng ca bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhân viên y tế. Dựa trên dữ liệu do Nhóm Giảm nhẹ của Hiệp hội Bác sĩ Indonesia, tỷ lệ tử vong của các bác sĩ do COVID-19 vào tháng 7 năm 2021 đã là cao nhất trong đại dịch, gấp ba lần so với tháng trước.
Người nước ngoài tại Indonesia tìm cách chạy về nước. Nhiều quốc gia đã tổ chức các chuyến bay bảo hộ công dân. Bên cạnh đó, hàng chục quốc gia đã đưa chính sách cấp nhập cảnh với những người đến từ Indonesia.
Mặc dù tình hình đại dịch đã trở nên nghiêm trọng, song chính phủ Indonesia vẫn không chọn việc phong tỏa. Tổng thống Joko Widodo khẳng định, Indonesia không thể đóng cửa hoàn toàn như các quốc gia khác.
Bởi mặc dù chính phủ rất nghiêm túc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe do song nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng kinh tế cũng đè nặng lên vai những người đứng đầu quốc gia. Một lần nữa, Indonesia lại đứng trước các lựa chọn khó khăn khi thời hạn kết thúc việc gia hạn giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp mở rộng là vào ngày 2/8.