Đầu năm nay, Washington đã xác nhận rút lui khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã được ký kết bởi Hoa Kỳ và Liên Xô năm 1987, và Moscow cho biết họ cũng sẽ từ bỏ Hiệp ước này như một sự đáp trả. Hiệp ước INF cấm các tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Việc Washington từ bỏ Hiệp ước INF vốn nhằm mục đích mang lại sự an ninh cho châu Âu chứ không phải dành riêng cho Hoa Kỳ là một hành động cho thấy nước này đang mong muốn phát triển những tên lửa mới, Anatoly Antonov - Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ nói với RT. "Đối với tôi thì rõ ràng: Mỹ quyết định rút lui cho thấy Mỹ đang cần loại tên lửa này".
|
Hoa Kỳ đã đưa ra tối hậu thư cho phía Nga bằng cách lập luận rằng Nga phải từ bỏ tên lửa 9M729 (Ảnh TASS) |
Việc Washington chọn cách đối đầu trực tiếp với Moscow về vấn đề này chỉ chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không thực sự quan tâm đến việc bảo vệ Hiệp ước mà thay vào đó họ tìm cho mình một lý do để rời bỏ nó.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra tối hậu thư cho phía Nga bằng cách lập luận rằng Nga phải từ bỏ tên lửa 9M729, được cho là đã vi phạm thỏa thuận cùng với các bệ phóng và các thiết bị liên quan. "Đây không phải là một cách tiếp cận vấn đề ngoại giao. Không thể tưởng tượng được một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại cố gắng áp đặt những quyết định như vậy. Phía Mỹ cũng đã bỏ qua mọi nỗ lực của Nga để xây dựng một cuộc đối thoại cởi mở về vấn đề này", ông Anatoly Antonov phát biểu.
"Chúng tôi đã mời các thanh sát viên quân sự và cung cấp cho họ thông tin về loại tên lửa của chúng tôi", Antonov nói và nhấn mạnh, "điều vô cùng kỳ lạ là các đại diện phía Mỹ đã không tham gia vào sự kiện này".
Đồng thời, Hoa Kỳ thẳng thắn bác bỏ tất cả những lo ngại của phía Nga về các hành động vi phạm Hiệp ước INF từ phía Mỹ. Theo đó, phía Nga cũng cáo buộc rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của Mỹ tại châu Âu có thể bắn các tên lửa hành trình tấn công, khác xa với khái niệm phòng thủ mà phía Washington tuyên bố về hệ thống phòng thủ này.
Đại sứ Nga cũng cho biết thêm, phía Nga đã thực sự tuân thủ những điều khoản giới hạn của Hiệp ước, trong khi phía Mỹ cố tình vi phạm với các máy bay không người lái tấn công của Mỹ có khả năng được triển khai phục vụ mục đích như những tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung. Nga cũng sẽ sớm thích nghi với những điều kiện trong môi trường mới và sẽ tìm cách bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ Hiệp ước sẽ không làm cho bất cứ quốc gia nào trên Thế giới trở nên an toàn hơn, kể cả với Hoa Kỳ. Việc này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng an ninh mới, ông A. Antonov cảnh báo. "Nếu Mỹ quyết định triển khai các tên lửa mới của mình ở châu Âu, thì đó sẽ là một cuộc khủng hoảng về an ninh với các nước châu Âu". Mỹ dường như đang tìm mọi cách kiềm chế Nga ngay cả khi nó có thể gây tổn hại cho an ninh quốc tế và thịnh vượng chung cho toàn thế giới, vị đại sứ Nga phàn nàn.
Đại sứ Antonov cũng cho biết thêm một dự thảo luật của Mỹ có thể trừng phạt Nga vì đã can thiệp quân sự và cung cấp khí tài cho Lực lượng Vũ trang Syria. Mặc dù Mỹ và Nga đã cùng chiến đấu chống khủng bố trên các mặt trận ở Syria, và cả hai quốc gia đều tìm cách chống lại sự đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, hiện tại Washington đang sẵn sàng hy sinh mục đích chung này nhằm chống lại Moscow.
Ngoài ra còn một số dẫn chứng cụ thể về việc Washington đang cố gắng cản trở hợp tác với Moscow như áp lực của Mỹ với EU trong việc xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream 2 mà các nước Châu Âu thấy rất hữu ích cho họ và chỉ là một dự án kinh tế thuần túy. Hay như sự trừng phạt của Mỹ với ông Dmitry Rogozin, giám đốc cơ quan vũ trụ Roscosmos (Nga) khiến cho các cuộc đàm phán quan trọng về sự hợp tác trong các chương trình vũ trụ không gian giữa Nga và Mỹ bị ngưng trệ.
Đại sứ Moscow hy vọng rằng bầu không khi căng thẳng tại Washington sớm lắng xuống mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai cường quốc. "Chúng tôi cam kết hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế".
Đại sứ Nga lưu ý rằng, bất chấp mọi khác biệt trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia, Moscow và Washington không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau. "Tôi muốn nhắc nhở rằng Hoa Kỳ và LB Nga là những cường quốc vĩ đại, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất trên thế giới và cả hai cùng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm đặc biệt với hòa bình và an ninh trên toàn thế giới".
Năm 2020 sẽ diễn ra Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân NPT, việc Mỹ rút lui khỏi Hiệp ước INF sẽ gây cho những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể giải trình hay chứng minh bất kỳ thành tựu nào trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân hay quyết tâm giữ vững lập trường theo con đường này, trước các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Tôi chắc chắn rằng các nước phi hạt nhân sẽ hỏi chúng ta, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân rằng, những thành quả nào đã đạt được trong viêc giải trừ vũ khí hạt nhân - và đó sẽ là một cuộc hội đàm rất khó khăn, phức tạp". Đại sứ Nga Anatoly Antonov nói thêm "Tôi chắc chắn rằng khi chúng ta chung tay, chúng ta có thể giải quyết nhiều vấn đề cấp bách. Và Nga luôn sẵn sàng tìm kiếm những giải pháp cùng với Hoa Kỳ"./.