Rất nhiều người đã muốn giết Josephat Torner kể từ ngày mới sinh.
Tại vùng quê Tanzania của anh, một số người còn người khuyên cha mẹ Torner đầu độc chính con của họ, nói rằng người bạch tạng là một lời nguyền.
|
Một bé trai bị bạch tạng ở châu Phi. |
Khi lớn lên, Torner chuyển đến sống ở Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania. Torner lái xe với cửa kính màu để che giấu làn da trắng. Anh cho biết nguy cơ bị giết vẫn còn vì “xã hội không coi người bạch tạng là một con người".
Sự sợ hãi của Torner là có nguyên do. Từ năm 2000, một chuỗi các vụ giết người đã khiến 72 người bạch tạng ở Tanzania thiệt mạng, theo National Geographic. Còn theo số liệu mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế, từ tháng 11.2014 đến cuối tháng 5.2016, ít nhất 18 người bạch tạng đã bị giết ở quốc gia láng liềng Malawi. Ngoài ra, ít nhất 5 người khác bị bắt cóc và vẫn còn mất tích.
|
Từ năm 2000, một chuỗi các vụ giết người đã khiến 72 người bạch tạng ở Tanzania thiệt mạng. |
Tại các quốc gia này và những nơi khác ở vùng châu Phi hạ Sahara, cơ thể của người bạch tạng được cho là có sức mạnh ma thuật, mang lại may mắn và giàu có. Điều này khiến họ trở thành mục tiêu. Kẻ tấn công bán bộ phận cơ thể của người bạch tạng cho các phù thủy để lấy tiền.
Vậy điều gì đã khiến người bạch tạng trở thành mục tiêu săn lùng? Đâu là nguyên nhân khiến các vụ giết người xảy ra tràn lan ở châu Phi?
Niềm tin sai trái
Mặc dù bạch tạng xảy ra trên khắp thế giới, căn bệnh này phổ biến nhất ở châu Phi. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết có hàng chục ngàn người bạch tạng ở châu Phi. Không có cách chữa trị nào cho căn bệnh này.
Truyền thống lâu đời cho rằng bạch tạng là những con ma bị nguyền rủa, nhưng bộ phận cơ thể của họ có thể giúp tránh vận đen, mang lại giàu có và thành công.
"Mọi người tin rằng nếu bạn là một người bạch tạng, bạn là một người có ma thuật", Torner nói.
Mê tín dị đoan được tuyên truyền bởi các bác sĩ phù thủy – hình thức bác sĩ khá phổ biến ở Tanzania và châu Phi, ngay cả với các nhà lãnh đạo hàng đầu.
Erick Kabendera, nhà báo nổi tiếng người Tanzania, người điều tra các vụ giết người bạch tạng, nói: "Ngay cả các quan chức chính phủ cũng nhờ bác sĩ phù thủy tư vấn”.
Nhà báo Kabendera cho biết nhiều nạn nhân bạch tạng là trẻ nhỏ, một sự thật được nêu trong báo cáo của Liên Hợp Quốc.
“Nhiều người thậm chí còn tin rằng nghi lễ phù thủy sẽ có tác dụng hơn nếu nạn nhân la hét trong lúc bị chặt chân tay. Do đó, các phần cơ thể thường bị chặt khi nạn nhân còn sống, đặc biệt là trẻ em”, theo báo cáo.
“Họ sử dụng trẻ em vì tin rằng sự trong sáng sẽ gia tăng sức mạnh của nghi lễ phù thủy”.
|
"Họ sử dụng trẻ em vì tin rằng sự trong sáng sẽ gia tăng sức mạnh của nghi lễ phù thủy”. |
Các niềm tin sai trái này đặc biệt mạnh ở khu vực Lake Zone của Tanzania, khu vực đang phát triển ngành công nghiệp khai thác mỏ và đánh bắt thủy sản.
Nhiều người làm việc trong lĩnh vực khai thác mỏ được biết đã sử dụng các phần cơ thể của người bạch tạng làm bùa may, chôn xuống nơi khai thác vàng. Trong khi đó, một số ngư dân đan tóc của người bạch tạng vào lưới.
Al-Shaymaa J. Kwegyir, nghị sĩ bạch tạng đầu tiên ở Tanzania, nói: "Những người mua bộ phận cơ thể bạch tạng là những người cần sự giàu có. Họ tin rằng đó là một cách dễ dàng để làm giàu.
"Những người đàn ông bị nhiễm HIV và AIDS cũng bắt cóc các cô gái bạch tạng, với niềm tin rằng cưỡng hiếp họ có thể giúp chữa bệnh HIV."
Vì các bộ phận cơ thể bạch tạng có giá hàng chục ngàn USD trên thị trường chợ đen, người mua được cho là các thành viên giàu có nhất của xã hội.
Nhà báo Kabendera nói thêm rằng ngay cả các chính trị gia cũng đồng lõa vào các vụ giết người.
"Nếu một chính trị gia cần thắng cử, họ sẽ hỏi ý kiến của một bác sĩ phù thủy. Thế nhưng, khi có vụ giết người bạch tạng xảy ra, chính trị gia lại đổ cho ngư dân”, nhà báo nói.
Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn phía tây Tanzania, nhà báo Kabendera nhớ lại về một người thợ máy bạch tạng bị nhạo báng khi đi làm mỗi sáng. "Một hôm, anh ta biến mất, và không ai biết chuyện gì xảy ra với anh ta”, Kabendera nói.
Nhiều người châu Phi tin rằng người bạch tạng là những bóng ma miễn dịch với cái chết và cuối cùng sẽ tan biến. Do đó, sự biến mất của thợ máy không hề khiến ai để tâm tới trong thị trấn nhỏ của Kabendera.
Những kẻ giết người vô danh
Việc người bạch tạng vì giết hàng loạt cho thấy nhiều vấn đề nổi cộm của các quốc gia châu Phi: lực lượng cảnh sát quá tải, các công tố viên yếu kém của chính phủ và thậm chí cả tham nhũng. Ngoài ra, xã hội cũng có một sự im lặng đáng báo động về bạo lực với người bạch tạng.
Năm 2013, một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã đặt Tanzania lên vị trí đầu trong danh sách các quốc gia châu Phi về nạn giết người bạch tạng.
Chính phủ Tanzania đã có một vài biện pháp sau các vụ giết người, xây nơi trú ẩn cho trẻ em bạch tạng và điều động các lực lượng đặc nhiệm điều tra vụ giết người. Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete cũng đã bổ nhiệm thành viên bạch tạng đầu tiên của quốc hội vào năm 2008.
Tuy nhiên, cộng đồng bạch tạng cùng với các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc, vẫn chỉ trích chính phủ Tanzania vì không truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ giết người bạch tạng và chậm trễ, trì hoãn trong xét xử.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, chỉ có 5 trong số 60 vụ giết người bạch tạng ở Tanzania được điều tra đầy đủ và truy tố thành công.
"Bằng chứng là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong việc truy tố", Nghị sĩ bạch tạng Kwegyir nói. "Cảnh sát có thể rất hiệu quả, điều tra các vụ tấn công và bắt giữ thủ phạm nhưng cuối cùng thì không có bằng chứng nào được tìm thấy".
Bạn bè, hàng xóm, và thậm chí cả thành viên gia đình thường từ chối xác nhận kẻ tấn công.
"Đó là nền văn hoá của chúng tôi. Chị em, anh em, cha mẹ, mọi người bảo vệ lẫn nhau", ông nói. "Họ không nói rằng đã nhìn thấy người khác giết người bạch tạng vì người đó là bạn của họ. Cha mẹ thậm chí còn bán con của họ cho bác sĩ phù thủy."
Các tội ác liên quan đến người bạch tạng hầu hết gặp phải sự im lặng và sự thờ ơ của xã hội.
Liên Hợp Quốc cũng từng trích dẫn báo cáo cho rằng lực lượng thực thi pháp luật che giấu tội ác và nhận hối lộ của bác sĩ phù thủy.
"Chúng tôi đang sống trong sợ hãi bởi vì những kẻ giết người đã không được tìm thấy hoặc bị bắt", Ziada Ally Nsembo, một người bạch tạng nói.
"Chúng tôi không biết ai là kẻ giết người, và chúng tôi không biết ai mua cơ thể của người bạch tạng".