Cuộc hạ cánh khẩn cấp của 4.500 máy bay tại Mỹ ngày 11/9

Google News

(Kiến Thức) - Một người đàn ông đã buộc 4500 chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp khi nước Mỹ xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9. 

14 năm trôi qua kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào toà tháp thứ nhất, tháp phía bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) gây ra vụ khủng bố ngày 11/9. 
Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Quản trị Hàng không Mỹ (FAA) phải ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường. Mọi chuyến bay đều bị hoãn. Những chuyến bay đang thực hiện hành trình đều phải hạ cánh khẩn cấp.
Cuoc ha canh khan cap cua 4.000 may bay tai My ngay 11/9
 
Theo CNN, khoảng 4.500 phi cơ trên bầu trời nước Mỹ khi ấy lập tức hạ cánh. Người hạ lệnh là Ben Sliney. Ngày hôm đó là ngày đầu tiên ông nhậm chức giám đốc điều hành quốc gia tại Trung tâm chỉ huy của FAA ở thị trấn Herndon, bang Virginia, cách thủ đô Washington khoảng 40 km.
Quyết định lịch sử
Đó là một buổi sáng tháng 9 trong xanh và đầy nắng. Khoảng 7h59, chiếc máy bay chở theo 92 hành khách và thành viên phi hành đoàn, cất cánh từ Sân bay Quốc tế Logan, thành phố Boston, bang Massachusett, Mỹ.
15 phút sau, trạm kiểm soát không lưu tại thành phố Boston mất liên lạc với chuyến bay. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là điều quá bất thường ở đất nước có hàng nghìn máy bay cất cánh mỗi ngày.
Theo Daily Mail, khoảng 8h24, Mohammed Atta, một trong những kẻ khủng bố trên máy bay, vô tình truyền tín hiệu tới trạm kiểm soát không lưu. "Chúng tôi có vài chiếc máy bay. Xin hãy yên lặng, quý vị sẽ được an toàn. Chúng ta đang trở lại sân bay", y thông tháo từ buồng lái.
Khi đó, Sliney đang dự một cuộc họp hàng ngày cùng các nhân viên. Ít phút sau, ông nhận được tin báo về tình hình chuyến bay 11 của American Airlines (AA).
"Theo kinh nghiệm về không tặc, chúng thường kết thúc mọi chuyện trong êm thấm. Máy bay sẽ hạ cánh xuống một nơi nào đó. Chúng dùng hành khách để ra yêu sách với chính quyền", Sliney nói.
Cuộc thảo luận của ông cùng các nhân viên tại Trung tâm chỉ huy của FAA tại thị trấn Herndon vẫn tiếp diễn cho đến khi chiếc phi cơ đầu tiên đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc bắt đầu vụ khủng bố 11/9.
Sliney cho hay, 4 phút sau cú va chạm, một liên lạc viên báo với ông rằng một máy bay nhỏ vừa đâm vào WTC. "Tôi vội mở bản tin và nhìn thấy một đám cháy lớn. Linh cảm của tôi rất xấu. Một phi cơ nhỏ không thể gây ra đám cháy lớn như vậy. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng nó chính là chiếc Boeing 767 của AA. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích".
Cuoc ha canh khan cap cua 4.000 may bay tai My ngay 11/9-Hinh-2
 Cú va chạm giữa máy bay chở khách với tòa tháp phía nam tạo thành quả cầu lửa khổng lồ giữa không trung. Ảnh: Getty Images
9h03, phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam thuộc WTC.
Trong ngày đầu nhậm chức, Sliney phải đối mặt với thử thách lớn. FAA cấm mọi chuyến bay hoạt động trên không phận thành phố New York. "Lúc này, mọi máy bay trên bầu trời đều rất khả nghi", ông nói với CNN.
9h37, chuyến bay mang số hiệu 77 của AA đâm vào mặt tiền phía tây của Lầu Năm Góc khiến toàn bộ những người trên phi cơ và 125 người khác thiệt mạng, gồm 70 dân thường và 55 nhân viên quân sự.
Sau khi thấy trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ bốc cháy, người chịu trách nhiệm về hệ thống giao thông hàng không quốc gia biết ông không đủ thời gian để tham khảo ý kiến của các quan chức cấp cao của FAA tại thành phố Washington.
"3 vụ tấn công. Vậy là quá đủ. Tuy tôi không thể kiểm soát tất cả những chiếc phi cơ trên bầu trời, nhưng tôi có thể bắt chúng hạ cánh", cựu giám đốc nhớ lại.
Linda Schuessler, người phụ trách điều khiển tại Trung tâm chỉ huy của FAA tại thị trấn Herndon ngày hôm đó, cho biết cấp trên của cô, Sliney, rất phẫn nộ. "Ông ấy hét lớn: 'Yêu cầu mọi máy bay tiếp đất! Bất kể điểm đến! Chúng ta hãy bắt chúng hạ cánh'", Schuessler kể với Usa Today.
Chỉ trong vài giây, lệnh hạ cánh được phát đi trên toàn quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, FAA ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường, hoãn mọi chuyến bay thương mại và tư nhân. Những chuyến bay đang thực hiện hành trình đều phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất.
"Khi phát lệnh đáp đất không phân biệt điểm đến, chúng tôi chỉ cố gắng làm điều gì đó để giải quyết vụ việc và ít nhất có thể loại bỏ những nguy cơ, bảo vệ mọi người khỏi kẻ xấu", Sliney chia sẻ.
Trên thực tế, lệnh cấm bay đã kéo dài 3 ngày đối với các chuyến bay thương mại. Rất ít máy bay xuất hiện trên bầu trời, trừ máy bay quân sự.
Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)