|
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Praha, CH Séc. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 260.820.796 ca, trong đó có 5.205.398 người tử vong.
Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi B.1.1.529, ngày 26/11, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ quốc gia châu Phi này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp đặc biệt để bàn việc ứng phó với biến thể siêu lây nhiễm này.
|
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của hành khách tại sân bay Nice, miền nam nước Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 72.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 231 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 26/11, thế giới có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Budapest, Hungary, ngày 22/11/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 610 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 400 người và Bosnia-Herzegovina với 378 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,5 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 82,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,5 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 81,7 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 58,6 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 222.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.900 người.
|
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Đông Java, Indonesia ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Châu Phi đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 sau khi các nhà khoa học Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 "có số lượng đột biến rất cao". Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Israel và Bỉ trong số những du khách đến từ châu Phi. Diễn biến trên khiến nhiều nước như Đức, Anh, Italy, CH Séc, Singapore, Croatia, Malaysia, Maroc, Nhật Bản, Philippines... đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 - ông David Nabarro cho rằng biến thể B.1.1.529 rất đáng quan ngại khi virus có khả năng né tránh "hệ thống phòng thủ" của các vaccine mà thế giới đã sử dụng từ đầu năm đến nay.
Ông cho biết sẽ mất vài tuần để tìm hiểu cách thức lây lan của biến thể mới và tác động của nó đến các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay. Trước mắt, WHO khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và đánh giá rủi ro khi thực thi các biện pháp hạn chế đi lại.
|
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Jerusalem ngày 15/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Thủ tướng Israel - ông Naftali Bennett cảnh báo quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia với sự xuất hiện của biến thể B.1.1.529. Sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (là một công dân đi du lịch nước ngoài trở về từ Malawi), Israel đã thông báo đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ một loạt quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini, đồng thời yêu cầu cách ly bắt buộc đối với công dân Israel trở về từ các quốc gia này.
Về cơ bản, làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại Israel đang có dấu hiệu thuyên giảm nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng, bao gồm cả trẻ em trong nhóm tuổi 5-11. Tính đến sáng 26/11, tại nước này đã có 5,77 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine, chiếm 60% dân số.
Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 tại Israel hiện vẫn khá cao, với 524 ca được ghi nhận trong ngày 25/11. Hiện Israel đang cân nhắc đóng cửa các trường học để khuyến khích học sinh tiêm vaccine phòng bệnh.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 25/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Ấn Độ cũng siết chặt việc kiểm tra và sàng lọc các du khách do quan ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Giới chức liên bang khuyến cáo tất cả các bang tiến hành xét nghiệm nghiêm túc và kiểm tra du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các nước có nguy cơ cao.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ đã có dấu hiệu cải thiện khi trong tuần này, số ca mắc mới tăng ít nhất trong 1 năm rưỡi qua do số người tiêm chủng tăng và kháng thể trong một số lớn dân số đã từng mắc bệnh. Tính đến ngày 26/11, tổng số bệnh nhân tại Ấn Độ là 34,56 triệu người. Số ca mắc mới hằng ngày tại nước này đã giảm một nửa kể từ tháng 9 và ghi nhận 10.549 ca mắc mới trong ngày 26/11.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - ngày 26/11 cho biết đã vận chuyển lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca, có tên thương mại là Covishield, cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX sau 8 tháng tạm dừng để tập trung tiêm phòng cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trên cả nước. Quyết định nối lại xuất khẩu được đưa ra sau khi SII vượt chỉ tiêu ban đầu về sản xuất 1 tỷ liều Covishield vào cuối năm. SII cho biết hiện tổng số liều vaccine của AstraZeneca đã sản xuất là 1,25 tỷ liều.
|
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Duesseldorf, miền tây nước Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Đức ghi nhận 76.414 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 357 ca tử vong - cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 3. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân là 438,2 - mức cao kỷ lục cho tới nay. Một tuần trước, chỉ số này chỉ là 340,7 và một tháng trước là 113,0. Tỷ lệ nhiễm mới tại 8/16 bang tăng lên mức cao chưa từng thấy, trong đó bang Baden-Württemberg ghi nhận có thêm hơn 11.400 ca mắc mới, bang Nordrhein-Westfalen gần 9.800 ca và Niedersachsen gần 3.700 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 liên tục chạm các mốc cao kỷ lục mới, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi có thêm những biện pháp cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh. Tính đến ngày 25/11, Đức đã tiêm chủng ít nhất một mũi cho 70,8% dân số, tương đương 58,9 triệu người, trong đó 68,2% đã tiêm đầy đủ (56,71 triệu người) và gần 9% đã tiêm mũi tăng cường (7,3 triệu người). Hiện trên 51% số người từ 12-17 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi, trong đó 45,5% đã tiêm đầy đủ.
CH Séc cũng đã ghi nhận 27.717 ca mắc mới COVID-19 mới - mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát. Đây là lần thứ 3 trong vòng 7 ngày, nước này có số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày. Tốc độ lây nhiễm tại CH Séc đang gia tăng khi chỉ trong 7 ngày, nước này đã ghi nhận thêm 131.731 ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với con số 73.200 ca nhiễm mới trong cả tháng 10 vừa qua. Trong nỗ lực nhằm kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm thuộc hàng cao nhất thế giới, Chính phủ Séc đã yêu cầu quán bar và câu lạc bộ phải đóng cửa vào lúc 22h và cấm các chợ Giáng sinh hoạt động. Tính đến ngày 26/11, Séc có tổng cộng hơn 2 triệu ca nhiễm và 32.643 ca tử vong.
|
Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 26/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.863 ca mắc COVID-19 và 472 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện vượt 13.920.000 ca, trong đó trên 289.600 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
|
Khách du lịch tại Lamphun, Thái Lan ngày 25/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 26/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 142 trường hợp, cao nhất khu vực.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 493 ca bệnh và 9 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Về số ca mắc mới, Việt Nam ngày 26/11 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 13.000 ca, cao nhất các nước ASEAN.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 26/11 ghi nhận thêm trên 6.500 ca bệnh mới và 64 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 29 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
|
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Pretoria ngày 4/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 25/11, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Nam Phi Mondli Gungubele cảnh báo những sự kiện tụ họp đông người dịp cuối năm sẽ là mối đe dọa đối với trật tự trị an và có thể khiến các ca mắc COVID-19 tăng đột biến.
Cảnh báo của ông Mondli Gungubele được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học ở Nam Phi cùng ngày thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 "có số lượng đột biến rất cao". Biến thể mới này được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây. Các trường hợp đầu tiên mắc biến thể B.1.1.529 được ghi nhận tại Nam Phi vài ngày 14/11 vừa qua.
Trong báo cáo của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nam Phi, phần lớn các ca mắc mới COVID-19 của nước này là ở tỉnh Gauteng - nơi có thủ đô hành chính Pretoria và đô thị kinh tế lớn Johannesburg.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tổng số 2.465 ca lây nhiễm mới tại Nam Phi trong 24 giờ qua, có tới 79% trường hợp (1.950 ca) ghi nhận là tại tỉnh Gauteng. Giới chuyên gia y tế cho rằng nước này đang trong giai đoạn đầu tái bùng phát dịch bệnh, đồng thời dự báo số ca nhập viện điều trị do COVID-19 sẽ tăng lên gấp nhiều lần sau 2 đến 3 tuần nữa.
Nam Phi đã thực hiện lệnh cấm bán bia rượu trong các đợt giãn cách xã hội vì COVID-19 trước đó. Ngành đồ uống có cồn của quốc gia cực Nam châu Phi này đã nhiều lần kêu gọi sớm dỡ bỏ các quy định về bán và tiêu thụ bia, rượu với lý do ảnh hưởng đến sinh kế và nền kinh tế.
Hồi tháng 8, Hiệp hội các nhãn hàng rượu Nam Phi (Salba) ước tính lệnh cấm bia, rượu khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thiệt hại khoảng 64,8 tỷ rand Nam Phi (gần 4 tỷ USD).