Câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra ở Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ngày 3/3, anh Kiệt (chủ một tiệm thuốc) bất ngờ phát hiện tài khoản WeChat của mình thanh toán hơn 4.100 nhân dân tệ (gần 14 triệu đồng) dù bản thân anh không mua món đồ gì. Nghĩ mình bị hacker trộm tiền nên anh đã báo cho cảnh sát.
|
Học trực tuyến ở nhà vì dịch Covid-19, cậu bé dùng tài khoản Wechat của bố để mua vật phẩm game - Ảnh minh họa: Sohu |
Sáng hôm sau, cảnh sát vào cuộc điều tra và xác nhận số tiền này đã được dùng để mua các vật phẩm game. Từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều ngày 3/3, tài khoản của anh Kiệt có 8 hoạt động nạp tiền mua vật phẩm game với số tiền hơn 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng). Nếu tính từ đầu tháng 3 thì số tiền chi qua WeChat là 4.100 nhân dân tệ (gần 14 triệu đồng).
Anh Kiệt càng khẳng định mình bị lừa đảo vì cả đời này anh chẳng chơi game bao giờ. Điện thoại của anh chỉ dùng để liên lạc. Thời gian gần đây, cậu con trai 8 tuổi nghỉ học ở nhà vì dịch Covid-19 nên anh cho con mượn để học trực tuyến ở nhà.
Sau khi gặng hỏi con trai, cậu bé đã nhận dùng điện thoại của bố để nạp tiền mua vật phẩm game khi đang học trực tuyến.
Sau khi phát hiện hành động sai trái của con trai, anh Kiệt không mắng con mà nhận thấy việc này một phần lỗi cũng là do mình vì đã lơ là không để ý việc học của con trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19. Kể từ hôm đó, cứ đến giờ học online là anh lại gọi con trai tới hiệu thuốc học bài trong lúc mình bán hàng.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, anh Kiệt đã gửi một khiếu nại cho công ty game mà con trai nạp tiền với hi vọng có thể lấy lại được số tiền đó.
Theo quy định kinh doanh game trực tuyến, trẻ em dưới 16 tuổi không được nạp số tiền quá 50 nhân dân tệ mỗi tháng. Hơn nữa, trong điều 8 của quy định kinh doanh thanh toán game online còn ghi rằng nếu đứa trẻ thanh toán tiền mà không được sự đồng ý của cha mẹ thì cha mẹ có thể yêu cầu đòi lại tiền.