Hồ Larachay nằm ở vùng Chelyabinsk (Nga) là một trong những địa điểm ô nhiễm nhất hành tinh. Hồ này bắt đầu “nổi tiếng” từ thế kỷ 18. Do thiếu nguồn nước cung cấp, hồ Larachay bị khô cạn trong suốt nhiều năm và đôi khi biến mất khỏi bản đồ thế giới.
Từ năm 1951, Hiệp hội Sản xuất Mayak, một trong những những cơ sở hạt nhân lớn nhất của Liên Xô khi đó, đã quyết định đổ các chất thải phóng xạ vào Karachay khi nó bắt đầu cạn và đặt hẳn tên cho hồ này là "hồ chứa V-9".
|
Hồ Larachay là nơi ô nhiễm phóng xạ nhất thế giới. Ảnh: Rusia Beyond. |
Đợt hạn hán vào những năm 1960 càng khiến hồ này ngày càng khô cạn hơn trước. Năm 1967, trận bão mạnh thổi qua Larachay khiến bụi phóng xạ bay khắp khu vực rộng khoảng 2.700 km2, đe dọa tính mạng của hàng nghìn cư dân sống xung quanh Karachay.
Trước thực trạng trên, Liên Xô đã buộc phải phong tỏa hồ Karachay bằng cách xây dựng các bức tường bằng đá và bê tông xung quanh hồ chứa này. Công trình này kéo dài hơn 40 năm và cuối cùng hoàn thành vào ngày 26/11/2015.
Có thể nói, hồ Karachay còn nguy hiểm hơn cả khu vực xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Được biết, lượng phóng xạ hồ nước này thải vào môi trường cao gấp đôi so với thảm họa Chernobyl 31 năm trước.
|
Hồ Karachay còn nguy hiểm hơn cả khu vực xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl 31 năm trước. Ảnh: Rusia Beyond. |
Vào những năm 1990, nếu đứng trên bờ hồ trong khoảng một tiếng đồng hồ, người ta có thể tử vong do bị phơi nhiễm với lượng phóng xạ khoảng 600 rơngen. Khu vực đáy hồ nước rộng chưa đầy 2,6 km2 này được cho là chứa đầy chất thải phóng xạ ở độ sâu khoảng 3,4 mét.
Khi trở thành một nơi chứa chất thải hạt nhân, lượng phóng xạ trong hồ Karachay sẽ tồn tại trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng hồ này vẫn sẽ an toàn hơn nếu số chất thải hạt nhân ở đây cứ nằm yên ở đó.
Theo Yuri Mokrov, cố vấn của Tổng giám đốc Hiệp hội sản xuất Mayak, Nga có đủ khả năng để duy trì một khu vực nguy hiểm như hồ chứa V-9. Đó là lý do tại sao hồ Karachay sẽ được theo dõi toàn diện và liên tục trong những năm tới.
Mặc dù vẫn cần thời gian dài theo dõi, các chuyên gia cho biết khu vực này hiện nay an toàn. Tuy nhiên, xung quanh hồ Karachay hầu như không có dân cư sinh sống.