Cơ hội cuối cùng của ông Trump để lật ngược kết quả bầu cử

Google News

Khi các chiến dịch pháp lý đi vào bế tắc, Tổng thống Trump chỉ còn cách dựa vào sự ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hòa để thách thức kết quả bỏ phiếu của đoàn đại cử tri.

Cử tri đoàn các tiểu bang sẽ chính thức bầu ra tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo vào ngày 14/12. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu của đại cử tri vẫn chưa phải chính thức cho đến khi được quốc hội liên bang phê chuẩn.
Phương án cuối cùng của ông Trump
Luật pháp liên bang cho phép các thành viên lưỡng viện quốc hội phủ nhận lá phiếu của cử tri đoàn, dù đây là cơ chế rất hiếm khi được sử dụng và chưa từng khiến kết quả bầu cử thay đổi.
Năm nay, một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa nói họ đang cân nhắc phương án này, dù khả năng thành công rất thấp.
"Chúng tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào", Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của bang Florida, nói. Ông nhắc lai việc một nhóm nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện từng thách thức chiến thắng của ông Trump vào tháng 1/2017.
Tuy nhiên, nỗ lực đó bị gạt đi tại cuộc họp quốc hội toàn thể do chủ tịch Thượng viện, khi đó chính là ông Joe Biden, chủ trì.
Tổng thống Trump hiện vẫn chưa nhận thua, dù cuộc chiến pháp lý của ông không thể ngăn cản các tiểu bang xác nhận kết quả kiểm phiếu. Nỗ lực của ông Trump nhằm gây sức ép lên quan chức các tiểu bang cũng không có triển vọng.
Do vậy, quốc hội sẽ là niềm hy vọng cuối cùng cho đương kim tổng thống. Ông vẫn được sự ủng hộ lớn từ các nghị sĩ Cộng hòa ở cả hai viện.
Trong cuộc họp năm 2021, Phó tổng thống Mike Pence sẽ ngồi ghế chủ trì cuộc họp lưỡng viện. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra chính là các đồng minh đảng Cộng hòa thách thức chiến thắng của ông Biden.
Cựu phó tổng thống chính là người phản đối kế hoạch của các nghị sĩ Dân chủ vào đầu năm 2017, khi phe này muốn phủ nhận chiến thắng của ông Trump.
Phe Cộng hòa sẽ "chiến" ở quốc hội như thế nào?
Luật pháp Mỹ quy định kết quả bầu cử tổng thống chỉ chính thức khi được các thành viên lưỡng viện quốc hội xác nhận.
Cuộc bầu cử ngày 3/11 nhằm chọn ra 532 đại cử tri - những người chính thức bỏ phiếu chọn tổng thống mới vào ngày 14/12.
Theo luật, kết quả bỏ phiếu của đại cử tri sẽ được thành viên quốc hội xác nhận vào đầu tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, quy trình xác nhận kết quả rất phức tạp và mơ hồ.
Vào ngày 6/1/2021, tức ba ngày sau khi thành viên quốc hội khóa mới tuyên thệ nhậm chức, một cuộc họp toàn thể giữa Thượng viện và Hạ viện sẽ được tổ chức lúc 13h.
Một trong những quyết định đầu tiên là thông qua kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Đạo luật năm 1887 cho phép bất cứ nghị sĩ nào cũng có thể phản đối kết quả bỏ phiếu của toàn bộ đại cử tri đoàn. Hành động này phải đi kèm văn bản và lập luận lý giải.
Tuy nhiên, luật không có quy định cụ thể với mức độ chi tiết của văn bản giải trình.
Nếu đơn phản đối được đưa ra, Thượng viện và Hạ viện phải tổ chức họp riêng để thảo luận về vấn đề bị phản đối. Phiếu bầu của đoàn đại cử tri từng bang sẽ được xem xét riêng. Điều này khiến thủ tục thông qua kết quả có thể bị kéo dài.
Đến ngày 6/1/2021, Hạ viện vẫn do đảng Dân chủ kiểm soát. Trong khi đó, phe Cộng hòa nhiều khả năng tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện.
Lịch sử bầu cử Mỹ chưa ghi nhận trường hợp Thượng viện và Hạ viện bất đồng về kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, tờ Politico cho rằng thống đốc các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan sẽ nắm vai trò lớn để giải quyết bế tắc.
Một số hạ nghị sĩ Dân chủ từng thách thức chiến thắng của các ứng viên tổng thống Cộng hòa vào năm 2001 và 2017. Ở cuộc bầu cử trước đó, đại diện của phe Dân chủ là Al Gore và Hillary Clinton giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, nhưng thua về số phiếu đại cử tri.
Năm 2005, khi ứng viên John Kerry thua trước Tổng thống Bush, phe Dân chủ thậm chí đi xa hơn khi yêu cầu xem xét toàn diện về các phiếu bầu đại cử tri ở bang Ohio. Tuy nhiên, thách thức này bị lưỡng viện bác bỏ.
Ai sẽ đứng về phía ông Trump?
Ngoài nghị sĩ Florida Matt Gaetz, một số gương mặt vừa chiến thắng hoặc tái đắc cử ở Hạ viện tỏ ý đứng về phía Tổng thống Trump gồm Marjorie Taylor Greene của bang Georgia hay Mike Kelley của bang Pennsylvania.
Co hoi cuoi cung cua ong Trump de lat nguoc ket qua bau cu
Hạ nghị sĩ Matt Gaetz. Ảnh: AP.
Ba hạ nghị sĩ của Arizona là Paul Gosar, Andy Biggs và David Schweikert nhiều khả năng cũng tham gia thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri. Đây là nhóm nghị sĩ từng ký thư yêu cầu hạt lớn nhất tiểu bang, Maricopa, lùi thời điểm xác nhận kết quả kiểm phiếu.
Tuy nhiên, chiến dịch của nhóm hạ nghị sĩ nêu trên chưa nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, ông Kevin McCarthy. Trợ lý của Hạ nghị sĩ McCarthy chưa phản hồi đề nghị bình luận của báo giới.
Khó được Thượng viện ủng hộ
Trong nỗ lực xoay chuyển tình thế vào năm 2001 và 2017, các hạ nghị sĩ Dân chủ thất bại vì không thể thuyết thục bất kỳ thượng nghị sĩ nào cùng ký tên vào đơn phản đối. Đây là điều kiện để chính thức khởi động thủ tục thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Lâu nay, Thượng viện hiếm khi tham gia các nỗ lực phủ nhận kết quả bầu cử do thành viên Hạ viện khởi xướng.
Nhưng tình hình năm 2021 có thể theo chiều hướng khác.
Dù đối mặt với khả năng thất cử, ông Trump vẫn là một thế lực lớn trong đảng Cộng hòa. Tổng thống đương nhiệm có ảnh hưởng tới tương lai chính trị của nhiều đảng viên tại cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022.
Ông Trump hiện nắm trong tay sự ủng hộ của hơn 73 triệu cử tri đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để nhận được sự ủng hộ của ông Trump chính là lòng trung thành.
Đương kim tổng thống xây dựng những mối quan hệ ăn sâu bén rễ với một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa, và sẽ dựa vào họ trong cuộc chiến cuối cùng này.
Tuần qua, Thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul lặp lại những cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về quy trình kiểm phiếu ở bang Michigan và Wisconsin.
Tuy nhiên, đồng minh quan trọng nhất của ông Trump tại Thượng viện - Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa Mitch McConnell - nhiều khả năng không hoan nghênh việc thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Ông McConnell lo ngại cuộc chiến này có thể khiến phe Cộng hòa mất uy tín, dẫn tới mất thế đa số trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Ngoài ra, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa như Lisa Murkowski, Susan Collins, Mitt Romney, Ben Sasse và Bill Cassidy đã công khai gọi ông Biden là tổng thống đắc cử.
Co hoi cuoi cung cua ong Trump de lat nguoc ket qua bau cu-Hinh-2
Một cuộc họp của lưỡng viện Quốc hội Mỹ năm 2018. Ảnh: AP.
Bất cứ cuộc bỏ phiếu nào liên quan tới thách thức kết quả bầu cử cũng khó có khả năng được thông qua ở Thượng viện, trong bối cảnh phe Cộng hòa chỉ chiếm nhiều hơn đảng Dân chủ 4 ghế.
Kịch bản Thượng viện và Hạ viện bất đồng
Một kịch bản giả định, nhưng ít có khả năng xảy ra, là Thượng viện đứng về phía Tổng thống Trump và không công nhận lá phiếu của đại cử tri đoàn một số bang.
Điều này dẫn tới tình huống bất đồng giữa hai viện quốc hội, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát chắc chắn sẽ thông qua kết quả bỏ phiếu của đại cử tri có lợi cho ông Biden.
Theo đạo luật kiểm phiếu đại cử tri, khi lưỡng viện liên bang bất đồng, thống đốc các tiểu bang được trao truyền quyết định phiếu nào được tính.
Điều này sẽ có lợi cho ông Biden, bởi các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan có thống đốc là người của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, hiến pháp Mỹ lại quy định cơ quan lập pháp các tiểu bang mới là nơi có thẩm quyền quyết định quy trình bổ nhiệm đại cử tri.
Chiến dịch của ông Trump dựa vào quy định này để kêu gọi quốc hội ở các tiểu bang, phần lớn do đảng Cộng hòa kiểm soát, can thiệp; qua đó chọn ra các đại cử tri có lợi cho đương kim tổng thống.
Mặc dù vậy, phe ông Trump sẽ cần quyết định của một tòa án, nhiều khả năng là Tòa án Tối cao liên bang, hủy bỏ thẩm quyền của các thống đốc và trao lại quyền định đoạt cho cơ quan lập pháp tiểu bang.
Các quan chức đảng Dân chủ tại Pennsylvania phản đối cách làm này.
Trong bản tóm tắt đệ trình lên Tòa án Tối cao hôm 30/11, Tổng thư ký Pennsylvania Kathy Boockvar khẳng định bất cứ nỗ lực nào muốn tước bỏ vai trò của thống đốc tiểu bang với lá phiếu của đại cử tri đoàn sẽ đi ngược lại tinh thần của các nhà sáng lập nước Mỹ.
Bà Boockvar khẳng định những người soạn thảo hiến pháp Mỹ mong muốn các nhà lập pháp tạo ra một quy trình tôn trọng vai trò của thống đốc các bang, chứ không phải cho phép cơ quan lập pháp toàn quyền quyết định lá phiếu đại cử tri đoàn.
Theo Duy Anh / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)