Mỗi bao tải có thể chứa đến 250 triệu kyat (khoảng 250.000 USD). Tại quầy giao dịch, khách hàng mở bao tải và đổ những cọc tiền ra sàn để nhân viên ngân hàng tiến hành kiểm đếm. Dù thực hiện bằng máy, việc này cũng mất nhiều thời gian vì tờ tiền có mệnh giá lớn nhất chỉ là 10.000 kyat (10 USD).
Theo Channel NewsAsia, thẻ ATM vẫn chưa phổ biến tại Myanmar còn thẻ tín dụng chỉ được cấp cho người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Để thực hiện những giao dịch lớn như mua xe hay mua nhà, người dân thường mang bao tải tiền mặt đến nhờ ngân hàng xử lý.
"Myanmar chủ yếu vẫn là một xã hội hoạt động dựa vào tiền mặt", ông David Wang, phó giám đốc ngân hàng AYA Bank, chia sẻ. "Một thách thức lớn là không có cơ quan thu thập thông tin của khách hàng. Vì vậy, rất khó để xác minh tình trạng tín dụng của người vay".
|
Người dân Myanmar vẫn dùng tiền mặt trong các giao dịch lớn như mua nhà. Ảnh: CNA. |
Trong khi chính phủ Myanmar đang cố gắng tiến đến các giao dịch ít sử dụng tiền mặt hơn, việc lập ra một cơ quan thu thập thông tin tín dụng vẫn còn nằm trên giấy. Ông Wang cho biết khách hàng của ông có người, chủ yếu là giới làm ăn, gửi tiết kiệm đến 10 tỷ kyat (10 triệu USD) bằng tiền mặt tại ngân hàng.
Theo vị phó giám đốc, các ngân hàng tại Myanmar thường có tỷ lệ giữ tiền mặt từ 5 đến 10%, nhiều hơn hẳn so với các ngân hàng ở Singapore với lượng tiền mặt sẵn sàng không quá 1%.
Tuy nhiên, với việc gia tăng sử dụng thiết bị di động tại Myanmar 3 năm qua (từ 15 đến 80%), một số chuyên gia cho rằng giao dịch ngân hàng và thanh toán qua di động đang dần hình thành, có thể trước cả khi một hệ thống dữ liệu về tín dụng của khách hàng ra đời.
"Lĩnh vực 'ví tiền di động' đang đứng trước cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, giờ vẫn còn quá sớm và nhiều khó khăn vẫn tồn tại. Việc này phụ thuộc vào quyết tâm của chính phủ Myanmar trong thời gian tới", ông Wang nhận định.