Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ khiến nhiều nước lo ngại

Google News

Lầu Năm Góc hôm 2/2 công bố chiến lược hạt nhân mới là kêu gọi hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân bằng cách phát triển bom nguyên tử nhỏ hơn và nâng cao năng lực răn đe của nó.
 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá chiến lược hạt nhân mới của nước Mỹ, được đề cập trong Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR) 2018, có sự linh hoạt cao để đương đầu với đủ loại đe dọa trong thế kỷ XXI.
Tờ The Washington Post cho rằng so với lần cập nhật NPR gần đây nhất vào năm 2010, những mối đe dọa này đã thay đổi đáng kể, với Nga trỗi dậy như một đối thủ địa chính trị của Mỹ trong lúc Moscow và Bắc Kinh đầu tư mạnh mẽ cho kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên tiến gần hơn việc sở hữu tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và vươn tới lục địa Mỹ.
 Mỹ đang kêu gọi phát triển loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) có mang đầu đạn hạt nhân sức công phá thấp Ảnh: REUTERS.
Để đối phó những thách thức mới này, NPR 2018 cho rằng Mỹ cần vũ khí hạt nhân phi chiến lược mới để ngăn chặn những vụ tấn công hạt nhân giới hạn cũng như trả đũa tương xứng bất kỳ vụ tấn công hạt nhân quy mô nhỏ nào.
Trước mắt, văn kiện trên kêu gọi Mỹ điều chỉnh một số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm thành vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp (tương đương lượng nổ dưới 20 kiloton). Về lâu dài, nước này cần phát triển lại loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) có mang đầu đạn hạt nhân sức công phá thấp. SLCM không còn được chính quyền Tổng thống George H.W. Bush triển khai và bị loại khỏi kho vũ khí sau khi ông Barack Obama lên nắm quyền
Với bước đi trên, chính quyền ông Trump coi như đã chấm dứt những nỗ lực từ thời ông Obama nhằm giảm quy mô và phạm vi kho vũ khí hạt nhân trong lúc giảm thiểu vai trò của chúng trong hoạch định chính sách quốc phòng. Dù vậy, NPR 2018 vẫn giữ lại một số nội dung của phiên bản 2010, như cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên để chống lại bất kỳ nước nào tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và chỉ sử dụng vũ khí này trong "những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ, các đồng minh và đối tác.
Tổng thống Trump cho rằng, nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu có thêm vũ khí hạt nhân ở cấp phi chiến lược. 
Chỉ có điều NPR 2018 mở rộng định nghĩa "trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" để thêm vào cả những vụ tấn công chiến lược phi hạt nhân (trong đó có tấn công mạng và tấn công khủng bố hạt nhân) nhằm vào dân thường, cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Phản ứng trước NPR 2018, các nhà hoạt động chỉ trích Washington tìm kiếm những vũ khí hạt nhân mới không cần thiết, đe dọa khởi động một cuộc đua vũ trang. Ngoài ra, còn xuất hiện nỗi lo về việc giao quyền ra lệnh tấn công hạt nhân vào tay ông Trump, người bị xem là có tâm trạng thất thường. Cuộc thăm dò gần đây của tờ The Washington Post/đài ABC News cho thấy có đến 60% người Mỹ không tin tưởng vào việc ông chủ Nhà Trắng sử dụng quyền này có trách nhiệm.
Vì thế, ông Tom Z. Collina, giám đốc chính sách Quỹ Ploughshares (Mỹ), cho rằng việc trao cho ông Trump thêm vũ khí hạt nhân và cách sử dụng chúng không phải là ý hay. Mạnh mẽ hơn, ông Joe Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares, lo ngại chính sách mới của Mỹ đang thổi phồng các mối đe dọa và đưa nước Mỹ đến gần chiến tranh hơn.
Theo Hoàng Phương

>> xem thêm

Bình luận(0)