Cái chết bí ẩn của Quốc vương Ai Cập cuối cùng

Google News

Trong lịch sử Ai Cập, vương triều của Quốc vương Farouk được coi là hủ bại và bê bối nhất. Ông ta có một sở thích kỳ quặc trước những đồ dùng của một số quan đại thần, song để có được chúng, ông đã lấy cắp.

Ông ta đã không kể gì đến thể diện quốc gia khi lấy trộm chiếc đồng hồ bị hỏng của Thủ tướng Anh Churchill khi ông này đang có chuyến thăm Cairo. Sau khi Chính phủ Anh có công hàm kháng nghị, Quốc vương Farouk mới chịu trả chiếc đồng hồ.

Sau vụ bê bối này, những tưởng Quốc vương Farouk sẽ hồi tâm chuyển ý, nhưng ông lại đích thân tới nhà tù, nơi giam giữ một đạo chích nổi tiếng để “bái hắn làm thầy”. Và nhờ những tuyệt kỹ học được từ tên này, trình độ trộm cắp của Quốc vương Farouk đã "tiến bộ" rõ rệt. Điều này được chứng minh qua vụ lấy trộm bảo kiếm và huân chương của một vị vua đã chết sau thời gian tới sống lưu vong ở Ai Cập.

Quốc vương Farouk và vợ.

Theo thống kê, trong kho lưu trữ của Quốc vương Farouk, chỉ riêng đồ quý hiếm đã có hơn 8.500 thứ. Trong số này đáng chú nhất là đồng 20 USD được đúc bằng vàng năm 1907. Tại thời điểm đó nước Mỹ đã cho đúc tất cả 450.000 đồng 20 USD bằng vàng, nhưng rồi đã quyết định thu hồi toàn bộ. Song không hiểu vì sao 10 đồng 20 USD bằng vàng vẫn bị lọt ra ngoài trong quá trình nấu lại. Để truy tìm 10 đồng tiền này, Cơ quan Tình báo Mỹ đã phải vào cuộc, nhưng họ chỉ thu hồi được 9 đồng, 1 đồng lọt vào tay Quốc vương Farouk.

Nhưng Quốc vương Farouk lại không kịp mang theo đồng tiền quý giá lúc đi sống lưu vong. Chính phủ Mỹ chỉ biết tới sự tồn tại của đồng tiền này sau khi chính phủ mới ở Ai Cập quyết định bán đấu giá những đồ sưu tầm của Quốc vương Farouk. Mặc dù tình báo Mỹ khi đó đã yêu cầu Chính phủ Ai Cập tạm dừng cuộc bán đấu giá đồng 20 USD bằng vàng, để mang về Mỹ, nhưng cuối cùng nó vẫn biến mất một cách đầy bí ẩn.

Mãi tới tháng 7/2002, đồng tiền này mới xuất hiện tại thị trường bán đấu giá ở New York, Mỹ và nó đã được bán với giá 6,6 triệu USD, trở thành đồng tiền có giá trị nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới.

Ngày 23/7/1952, Quốc vương Farouk mới 32 tuổi đang nghỉ mát tại thành phố Alexandria thì nhận được tin quân đội đã làm chủ tình hình Ai Cập. Ngày 26/7/1952, Quốc vương Farouk buộc phải thoái vị, kết thúc 16 năm ngồi trên ngai vàng. Và ngay trong đêm đó, Quốc vương Farouk đã bí mật đưa 38 thùng vàng bạc, châu báu xuống tàu, cùng toàn bộ gia quyến trốn sang Hy Lạp, rồi định cư tại Roma, Italia.

Trong năm đầu tiên sống lưu vong, người ta chỉ thấy Quốc vương Farouk giam mình trong tòa biệt thự ở Italia và ăn suốt ngày nên mới 33 tuổi, ông ta đã nặng khoảng 135 kg. Tới năm 40 tuổi, trọng lượng của Quốc vương Farouk đã tăng thêm gần 50% và suốt ngày ông chỉ nằm ở nhà vừa xem vô tuyến vừa ăn sôcôla.

Sau gần 13 năm sống lưu vong, ngày 18/3/1965, Quốc vương Farouk khi đó mới 45 tuổi đã qua đời tại Roma, Italia. Nguyên nhân cái chết đến nay vẫn còn là một bí ẩn, bởi người nói ông bị ám sát, người bảo chết vì bệnh, nhưng có người lại cho rằng, ông đã chết ngay sau khi dùng một bữa tối quá mức.

Tối hôm đó, Quốc vương Farouk ăn hết 12 con tôm hùm (loại to), 10 con sò biển, 8 con cá cùng đậu, rau và 5 bát cơm rang. Sau đó, ông còn dùng thêm sữa chua, hoa quả, bánh ngọt và mứt. Và khi đang ngồi nghỉ trên ghế sa lông xem vô tuyến, Quốc vương Farouk bắt đầu cảm thấy khó thở khi người hầu phát hiện ra thì đã quá muộn.

Nói tới Quốc vương Farouk không thể không đề cập tới Hoàng hậu Nariman Sadeg bởi bà là hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Ai Cập, Nariman Sadeg mới qua đời sau thất bại của cuộc phẫu thuật não tại Bệnh viện Dar al-Fouad hôm 16/2/2005, thọ 71 tuổi. Trước khi cưới Nariman Sadeg, năm 1938, Quốc vương Farouk đã lấy vợ nhưng bà không sinh được hoàng nam nối dõi nên Farouk ly dị.

Nariman Sadeg sinh ngày 31/10/1934, là con gái duy nhất trong một gia đình trung lưu ở thành phố Alexandria, Ai Cập. Do xinh đẹp, yêu thích hội họa, âm nhạc và đọc sách nên Nariman Sadeg đã sớm lọt vào mắt xanh của nhiều chàng trai và đã đính hôn với một bác sĩ trẻ người địa phương khi mới 16 tuổi. Đúng lúc đó, Quốc vương Farouk tình cờ gặp Nariman Sadeg tại một cửa hàng bán kim hoàn và bà nhanh chóng trở thành đối tượng theo đuổi. Trước tình cảnh này, bố mẹ Nariman Sadeg buộc phải hủy bỏ hôn ước giữa con gái với vị bác sĩ trẻ.

Ngày 6/5/1951, Quốc vương Farouk tổ chức đám cưới linh đình và phong Nariman Sadeg làm Hoàng hậu. Ngày 6/1/1952, địa vị của Hoàng hậu Nariman Sadeg càng được củng cố sau khi bà sinh hạ Thái tử Ahmed Fouad. Nhưng chỉ 10 ngày sau khi có người nối dõi, thủ đô Cairo đã xảy ra một vụ cháy lớn, suýt nữa thiêu cháy cung điện của Quốc vương Farouk.

Đây là ngòi nổ cho những chính biến tại Ai Cập. Ngày 23/7/1952, nền quân chủ tại Ai Cập đã bị quân đội lật đổ, buộc Quốc vương Farouk phải sống lưu vong tại Roma, Italia. Tới lúc này, cuộc sống vợ chồng của Quốc vương Farouk thường xuyên rơi vào khủng hoảng bởi thói trăng hoa của ông buộc Nariman Sadeg phải ra đi. Thủ tục ly hôn của họ được hoàn tất vào đầu năm 1954.

Sau khi quay trở về Ai Cập, cựu Hoàng hậu đã sống khá trầm lặng và khi Quốc vương Farouk qua đời (18/3/1965), năm 1967, Nariman Sadeg đã quyết định lấy tiến sĩ Adham Al-Naquib và sinh hạ được một con trai tên là Akram. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài được lâu. Sau khi ly dị, Nariman Sadeg về sống trong một căn nhà nhỏ tại khu Heliopolis, ngoại ô thủ đô Cairo đến khi qua đời.

Theo Lê Cao Sơn/An Ninh Thế Giới

>> xem thêm

Bình luận(0)