Phát biểu trên của Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc họp giữa bà và Tổng thống Hàn Park Geun-hye vào hôm 26/3. Cụ thể, bà Angela cho biết, mình “không hề mong muốn leo thang căng thẳng với Nga. Ngược lại, tôi đang làm mọi chuyện để xoa dịu tình hình”, tờ Itar-Tass dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Merkel.
Ngoài ra, bà cũng bày tỏ rằng, phương Tây “chưa đạt đến giai đoạn để có thể sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt do Tổng thống Mỹ Obama khởi xướng nhằm chống lại Nga. Và tôi hi vọng, chúng tôi có thể tránh điều đó”.
|
Thủ tướng Đức Merkel bắt tay Tổng thống Hàn Park Geun-hye hôm 26/3.
|
Phát ngôn trên của bà Merkel không phải không có nguyên do. Cụ thể, Berlin phụ thuộc khá nhiều vào quan hệ kinh tế với Nga với giá trị trao đổi thương mại song phương đạt gần 76 tỷ euro năm 2013. Gần 6.000 doanh nghiệp Đức cùng hơn 300.000 nhân công nước này dựa vào các đối tác Nga với khối lượng đầu tư tổng cộng là 20 tỷ euro.
Ngoài ra, Đức hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất trong Liên minh châu Âu cho Nga. Trong đó, hơn một nửa hàng hóa Đức xuất sang Nga là xe ô tô và máy móc. Do vậy, một khi lệnh trừng phạt chống lại Nga được thực hiện, các nhà sản xuất xe hơi của Đức sẽ chịu thiệt hại đầu tiên.
Tại thị trường bán lẻ, hãng Metro của nước này đều mong muốn mở các chi nhánh của họ ở Nga. Chưa kể, Đức lệ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng Nga với khoảng 35% khí đốt tự nhiên nhập từ Nga về.
Vào hôm 26/3, Bộ Trưởng Tài chính Anton Siluanov bình luận về nền kinh tế của Nga như sau: “Hiện nay, các nhà đầu tư đều quan ngại tới những hệ quả của các lệnh trừng phạt này. Các công ty xếp hạng đã hạ mức tín nhiệm đối với nền kinh tế của chúng ta. Điều này sẽ khiến kinh tế Nga gặp khó khăn”, ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Siluanov cũng trấn an các nhà đầu tư nước ngoài với nhận định các lệnh trừng phạt đó chỉ áp dụng trong thời gian tạm thời.
“Các biện pháp áp lên một số cá nhân và các công ty đều sẽ gây ra các tác động nhất định. Tuy nhiên, chẳng có công ty Nga hay phương Tây nào mong muốn các lệnh trừng phạt cả”.